Chị Nông Dân, Tôi và Chúng Ta

Chủ nhật - 29/11/2020 22:15
Đây là bài báo đầu tiên của Nguyễn Duy Xuân, đăng ngày thứ sáu 03-8-2012 trên trang điện tử của Tạp chí Văn Hóa Nghệ An, khởi đầu cho hơn 8 năm cộng tác với hàng chục bài viết được đăng tải trên VHNA gồm cả báo điện tử và báo giấy. Một kỷ niệm đẹp, một dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời cầm bút của tôi.
VHNA
VHNA
Câu chuyện của tiến sĩ Mai Ngọc Hồng làm tôi xúc động thực sự. Ông là người vừa trao tặng Nhà nước ta tấm bản đồ Trung Quốc xuất bản năm 1904 tại Thượng Hải làm chấn động dư luận trong và ngoài nước.

Chuyện công bố tấm bản đồ đặc biệt này, nói đặc biệt vì đó là vật chứng hùng hồn do chính người Trung Quốc làm ra, đã bác bỏ cái gọi là chủ quyền mà họ đang rêu rao, lập lờ đánh lừa nhân dân TQ và dư luận thế giới về Hoàng Sa và Trường Sa. Câu chuyện ông kể về lai lịch tấm bản đồ cứ ngỡ như là cổ tích(1). Đôi khi trong cuộc sống ta bắt gặp những việc lúc đầu tưởng nhỏ nhặt, giản đơn nhưng theo thời gian, đến một lúc nào đó nó lại làm nên giá trị to lớn không ngờ. Chuyện ông có được báu vật “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” là như vậy. Sự xuất hiện của nó, ở thời điểm tình hình Biển Đông đầy căng thẳng, chủ quyền biển đảo của tổ quốc đang bị đe dọa nghiêm trọng, như một lời khẳng định dứt khoát: chân lí thuộc về dân tộc ta.

Trong câu chuyện ông kể có một chi tiết làm tôi hết sức xúc động và suy ngẫm. Ấy là hôm làm lễ bàn giao chính thức tấm bản đồ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, có một chị nông dân nói là từ Bắc Giang xuống để xem cái bản đồ Trung Quốc và gặp cho bằng được người đã hiến tặng cho Nhà nước. Một chị nông dân thứ thiệt, nói như Cụ Đồ Chiểu  chị là người “chỉ biết ruộng trâu ở trong làng bộ/Việc cuốc việc cày tay vốn quen làm”(2). Chị lặn lội từ Bắc Giang xuống Hà Nội, không phải để lo cái việc cấy cày sao cho nhiều lúa, nhiều khoai mà là xem cái bản đồ minh chứng cho chủ quyền dân tộc. Hóa ra một người nông dân chân lấm tay bùn như chị lại hiểu rất rõ mối quan hệ sống còn giữa cái riêng và cái chung để rồi ý thức được rằng, khi đất nước bị đe dọa, làm con dân như chị phải có trách nhiệm. Có thể chị chưa nghe câu “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” nhưng việc làm của chị đã chứng minh cho câu nói đó của ông cha.

Hành động của chị nông dân, làm tôi nghĩ đến những câu chuyện lịch sử. Đầu tiên là chuyện Thánh Gióng, truyền thuyết về một cậu bé lên ba mà chưa biết nói, nhưng khi nghe sứ giả truyền lệnh nhà vua vời người tài giỏi ra đánh giặc cứu nước bỗng dưng bảo mẹ mời sứ giả vào để rồi sau đó trở thành huyền thoại đầu tiên trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Thời Trần, trước họa xâm lăng lần thứ hai của quân Nguyên-Mông, chàng trai nghèo Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt bên vệ đường vì mải nghĩ đến chuyện binh thư đánh giặc cứu nước, mà không hay biết mình bị quân lính đâm giáo vào đùi. Khi được Trần Hưng Đạo hỏi, Phạm Ngũ Lão thưa: “Bẩm Đức Ông, kẻ thứ dân này tuy ở nơi thôn dã, xa cách thị thành, song cũng biết giặc Nguyên - Mông đã động binh, rắp tâm xâm lược nước ta nên đã cùng trai tráng trong vùng luyện tập võ nghệ, chờ thời cơ đầu quân giết giặc, đền nợ nước...”(3) Thế đấy, những người nông dân Việt Nam truyền đời vốn hiền lành, chất phác. Nhưng khi kẻ thù không để cho đất nước này bình yên thì họ biết cách để vùng lên đánh bại. Lịch sử dân tộc đã chói ngời bởi những người anh hùng áo vải như thế.

Trở lại câu chuyện của chị nông dân Bắc Giang, đấng nam nhi có học, bằng cấp đủ loại, chức tước đầy mình, bổng lộc không thiếu như lũ chúng tôi bỗng thấy xấu hổ. Biển Đông dậy sóng, “tàu lạ” như mây đen đang ùn ùn kéo đến, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc bị chúng ngang nhiên xâm phạm, thế mà họ - lũ chúng tôi đây vẫn trong giấc mộng bình an. Bất chợt nhớ đến mấy câu thơ của Chế Lan Viên:

Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp

Giấc mơ con đè nát cuộc đời con

Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp

Một mái nhà yên rũ bóng xuống tâm hồn.(4)


Thế đấy, khi ta chỉ biết lo cho bản thân mình trong lúc vận nước nguy nan thì hạnh phúc ấy, thật hổ thẹn lắm thay !

Xin đừng để cho lòng ta “thành rêu phong chuyện cũ”, “thành con rối, cho cuộc đời giật dây”(5).

Cảm ơn chị nông dân vô danh đã cho tôi thấm thía hơn trong bối cảnh hôm nay, bài học mà ông cha đã dạy từ xa xưa: “dân vi bản”. Cụ Nguyễn Trãi đã khẳng định: “Lật thuyền mới biết dân như nước”(6). Hồ Nguyên Trừng (con trai Hồ Quí Ly) đã từng xót xa: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng người không theo”. Và Cụ Hồ nhắc nhở: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Đấy là chân lí muôn đời.

Một chị nông dân còn đứng ngồi không yên vì vận nước, lũ chúng ta sao có thể yên vị ngắm nhìn ?

02-8-2012
Nguyễn Duy Xuân

Chú thích:


(1). Theo Tân Linh, Van hoa Online ngày 30-7-2012

(2). Nguyễn Đình Chiểu, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

(3). Dựa theo Phạm Đình Hổ, Vũ trung tùy bút

(4), (5). Chế Lan Viên, Người đi tìm hình của nước

(6). Nguyễn Trãi, Quan hải (Đóng cửa bể). Nguyên văn: “Phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ”


Nguồn VHNA: http://www.vanhoanghean.com.vn/component/k2/35-dien-dan/4857-chi-nong-dan-toi-va-chung-ta

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TỔ QUỐC TRÊN HẾT
Luong truy cap
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
CM tháng 8 và QK 2/9
79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8
& QUỐC KHÁNH 2/9
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập236
  • Hôm nay41,537
  • Tháng hiện tại223,504
  • Tổng lượt truy cập60,107,311
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây