Chấm dứt “loạn” tiến sĩ được không?
admin100
2022-05-20T20:15:00-04:00
2022-05-20T20:15:00-04:00
http://nguyenduyxuan.net/toi-lam-bao/cham-dut-loan-tien-si-duoc-khong-11434.html
http://nguyenduyxuan.net/uploads/news/bao/tien-si-cau-long.jpg
Nguyễn Duy Xuân
http://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Thứ sáu - 20/05/2022 20:15
Câu trả lời là được. Cốt lõi vấn đề là ở chỗ, Bộ GD-ĐT và các cơ quan chức năng có đủ quyết tâm và quyết liệt vì liêm chính học thuật, và xa hơn nữa, vì một nền giáo dục khai phóng, hiện đại hay không.
“Loạn” tiến sĩ do đâu?
Theo Phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), để xảy ra tình trạng đề tài tiến sĩ không xứng tầm, chất lượng luận án không đảm bảo chất lượng trước hết là trách nhiệm của cơ sở đào tạo, của người hướng dẫn, của đơn vị chuyên môn và của các nhà khoa học tham gia vào các bước đánh giá luận án, trong đó vai trò của người hướng dẫn là quan trọng nhất.[1]
Còn Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Ngô Việt Trung - Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam thì cho rằng, gốc rễ của vấn đề là do quy chế đào tạo tiến sĩ mới ban hành năm 2021 đã hạ thấp chuẩn đầu ra so với quy chế năm 2017, thậm chí còn thấp hơn quy chế trước năm 2017.[2]
“Năm 2021, khi quy chế đào tạo tiến sĩ mới ban hành, lúc đó có người ví Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho nổ một quả bom "nổ chậm". Không cần phải đợi lâu, vừa qua chúng ta đã thấy hàng loạt thông tin "sốc" về đào tạo tiến sĩ”, GS Ngô Việt Trung nói.
GS Trung cũng không ngần ngại chỉ rõ, đã có thời kỳ Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam được coi là “lò ấp” tiến sĩ, đào tạo trung bình mỗi ngày một người.
Giáo sư, tiến sĩ Y khoa - Phạm Gia Khải (nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam) thẳng thắn nhìn nhận: “Tôi cũng đã từng ở trong các hội đồng, cũng đã từng thấy xuất hiện những luận án với đề tài, nội dung tương tự, nhưng lại vẫn thông qua, bởi vì có vấn đề “nịnh bợ”. Chủ tịch hội đồng cho qua thì qua, không cho qua thì không qua. Bởi vậy, “mấu chốt” vẫn là nằm ở chính Chủ tịch hội đồng”. [3]
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội): “Không phải đến bây giờ mới như vậy, mà trước đây cũng từng xôn xao dư luận rất nhiều lần về những đề tài “không hiểu để làm gì”, nhưng có cảm giác các cơ sở nghiên cứu dường như không quan tâm đến phản ứng này của dư luận”. [4]
“Sợ nhất trong hội đồng có người chỉ cần có “lót tay” là cứ “gật gật” thôi, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh cho hay.
Giáo sư Ngô Việt Trung cũng bày tỏ lo ngại bởi rất nhiều trường hợp được đào tạo từ những luận án như "tiến sĩ cầu lông” đã và đang trở thành lãnh đạo, giảng viên đại học, thậm chí tệ hơn khi họ là người hướng dẫn luận văn, luận án ở các cơ sở giáo dục, tiếp tục đào tạo những thế hệ giống như họ.
Theo số liệu của Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và công nghệ, tính tới năm 2016, Việt Nam có hơn 24.000 tiến sĩ. Trong đó, theo Bộ GD-ĐT, số tiến sĩ làm việc trong các cơ sở nghiên cứu và trường đại học, cao đẳng khoảng 15.000 người (bao gồm cả các giáo sư, phó giáo sư).
Như vậy là sẽ có khoảng 9000 tiến sĩ (chiếm gần 40%) làm việc ngoài môi trường dạy học, nghiên cứu, tức là đảm nhận những công việc mà ở đó, tấm bằng tiến sĩ không mấy phát huy tác dụng về mặt chuyên môn.
Đề cao văn bằng thạc sĩ, tiến sĩ trong việc cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ trong những năm gần đây khiến trào lưu đổ xô đi học thạc sĩ, làm nghiên cứu sinh nở rộ. Đủ kiểu mánh khóe để đạt cho được tấm bằng danh giá, từ công nghệ “cắt dán”, sao chép đến, mua bán, lót tay, bôi trơn,… Chỉ cần hội đồng “gật” thì dù đề tài “không hiểu để làm gì” vẫn cứ được thông qua với số điểm cao ngất.
Giải pháp nào chấm dứt vấn nạn “loạn” tiến sĩ?
Theo dõi phản ứng của dư luận về "tiến sĩ cầu lông" trong những ngày qua, có thể rút ra 4 giải pháp nhằm chấm dứt ngay vấn nạn "loạn” tiến sĩ:
- Bộ GD-ĐT rà soát toàn bộ luận án tiến sĩ dạng "cầu lông" từ sau khi các đề án đào tạo tiến sĩ được triển khai.
Việc rà soát phải đo được hàm lượng khoa học của từng luận án, tránh tình trạng làm qua loa, đối phó nhằm hợp thức hóa cho cái gọi là luận án đã được thực hiện đúng quy trình, đầy đủ các bước theo quy định như tác giả hay các vị trong Hội đồng chấm đã biện minh trước phản ứng của dư luận.
Tước văn bằng và học hàm của cả thầy (người hướng dẫn, phản biện) và trò (NCS) nếu vi phạm liêm chính học thuật.
- Bỏ tư duy đào tạo tiến sĩ theo đề án, dự án. Ai thực sự tài, đức mới có thể tham gia đào tạo tiến sĩ với chế độ đãi ngộ xứng đáng.
- Chấm dứt việc xem văn bằng tiến sĩ, thạc sĩ như một thứ “passport” để giữ ghế hay thăng tiến trong công tác bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ quản lý hành chính.
- Sửa ngay Thông tư 18 với quy chế chặt chẽ hơn trong đào tạo tiến sĩ, đặc biệt duy trì tiêu chí bắt buộc ứng viên NCS tiến sĩ và các GS, TS hướng dẫn, phản biện phải có công bố khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín. Về lâu dài, Bộ GD-ĐT cần lập một ủy ban độc lập để nghiên cứu và cải cách chương trình đào tạo tiến sĩ phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
Nhưng thật buồn và khó hiểu. Mặc dù truyền thông và mạng xã hội không ngớt xôn xao, bức xúc trước vấn nạn “nhân bản tiến sĩ” nhưng những người đứng đầu các cơ quan hữu quan là Bộ GD-ĐT, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, Học viện khoa học Xã hội vẫn lấy im lặng làm trọng.
Xin nhắc lại đây lời cảnh báo của Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Ngô Việt Trung: “Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo không có những biện pháp kiên quyết thì hệ thống bằng cấp của chúng ta sẽ bị mục ruỗng toàn bộ”. [5]
16/5/2022
Nguyễn Duy Xuân
Nguồn tham khảo:
[1] https://tuoitre.vn/nhuc-nhoi-luan-an-tien-si-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-20220509230030925.htm
[2, 5] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/gs-ngo-viet-trung-neu-bo-gd-khong-sua-quy-che-se-con-tiep-tuc-co-ts-cau-long-post226293.gd
[3, 4] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tung-o-hoi-dong-cham-luan-an-ts-toi-biet-ly-do-de-tai-do-van-duoc-thong-qua-post226339.gd