Bộ nói không yêu cầu “sách bổ trợ” nhưng Thông tư 21/2014 thì sao?
admin100
2020-10-07T20:20:00-04:00
2020-10-07T20:20:00-04:00
http://nguyenduyxuan.net/toi-lam-bao/bo-noi-khong-yeu-cau-sach-bo-tro-nhung-thong-tu-21-2014-thi-sao-9577.html
/themes/default/images/no_image.gif
Nguyễn Duy Xuân
http://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Thứ tư - 07/10/2020 20:20
Tuy Bộ không có thêm quy định về tài liệu nào khác nhưng với những gì mà Thông tư 21 đề cập, sẽ là cơ sở pháp lý để giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp vin vào đó mà khuyến khích học sinh và phụ huynh “tự nguyện” sử dụng “sách bổ trợ”.
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III năm 2020 do Bộ GD-ĐT tổ chức chiều 30/9, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) khẳng định trong các loại sách mà Bộ GD-ĐT yêu cầu không có khái niệm nào là “sách bổ trợ”.[1]
Ông Thành dẫn Thông tư 21/2014/BGDĐT quy định về quản lí và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên để kết luận “các cơ quan quản lý ở địa phương, phòng GD-ĐT phải có trách nhiệm để quản lý việc này. Đặc biệt cần quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục”.
Vậy là quả bóng “sách bổ trợ” gây sốt dư luận đã được Bộ “chuyền” xuống cấp dưới bởi khoản 2, điều 1 Thông tư 21 quy định: “Thông tư này áp dụng đối với giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục và các tổ chức, cá nhân có liên quan”.
Nhưng đọc kỹ Thông tư 21 thì hình như…
Đáng lưu ý là điều 2, điều 3 của thông tư này:
“Điều 2. Xuất bản phẩm tham khảo
Xuất bản phẩm tham khảo quy định tại Thông tư này là những xuất bản phẩm được xuất bản và phát hành hợp pháp bằng các ngôn ngữ khác nhau, bằng âm thanh, bằng hình ảnh và được thể hiện dưới các hình thức: sách in, sách chữ nổi, tranh, ảnh, bản đồ, bản ghi âm, ghi hình có nội dung được biên soạn phù hợp với mục tiêu giáo dục; chương trình giáo dục mầm non; chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; nhằm ôn tập, củng cố, bổ trợ, nâng cao kiến thức; rèn luyện kĩ năng và phát triển nhân cách cho học sinh, học viên và giáo viên.
Điều 3. Yêu cầu đối với xuất bản phẩm tham khảo được sử dụng trong các cơ sở giáo dục
Xuất bản phẩm tham khảo được lựa chọn sử dụng trong các cơ sở giáo dục phải đảm bảo các yêu cầu sau:
1. Phù hợp với mục tiêu, nội dung chương trình giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đối với từng cấp học, lớp học.
2. Đảm bảo tính khoa học, tính chính xác, tính sư phạm và tính thẩm mĩ.
3. Phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi của đối tượng sử dụng; không trái với văn hóa, lịch sử, địa lí, đạo lí và thuần phong mĩ tục Việt Nam; phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế.
4. Có tác dụng giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; đảm bảo giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội và giữ vững chủ quyền quốc gia.
5. Không vi phạm các quy định của pháp luật”.
Hai năm rõ mười, Bộ đã khẳng định “xuất bản phẩm tham khảo” (hay gọi là bổ trợ) là “nhằm ôn tập, củng cố, bổ trợ, nâng cao kiến thức; rèn luyện kĩ năng và phát triển nhân cách cho học sinh, học viên và giáo viên” bởi nó thỏa mãn các tiêu chí đặt ra ở điều 3.
Thông tư đã nói như thế thì các cấp quản lý và cơ sở giáo dục không sử dụng sách tham khảo – bổ trợ như tài liệu chính thống mới là lạ, dù các điều khoản 5, 6, 7 quy rất rõ trách nhiệm của giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục các cấp, thủ trưởng các cơ sở giáo dục, và các sở, phòng giáo dục và đào tạo.
Bởi thế, tuy Bộ không có thêm quy định về tài liệu nào khác nhưng với những gì mà Thông tư 21 đề cập, sẽ là cơ sở pháp lý để giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp vin vào đó mà khuyến khích học sinh và phụ huynh “tự nguyện” sử dụng “sách bổ trợ”.
Và số liệu sau đây là minh chứng cho “tác động” của Thông tư 21 đối với thị trường sách tham khảo – bổ trợ và “vai trò” của Bộ: Theo Công văn số 1752 của NXB Giáo dục Việt Nam năm 2010, sách bổ trợ từ tiểu học đến THPT có 165 tên sách. Đến năm học 2017-2018, số lượng này tăng lên 291. Theo khẳng định của NXB Giáo dục Việt Nam, những cuốn sách bổ trợ này đều đã được Bộ GD&ĐT thẩm định.[2]
Giá như Bộ đừng ra Thông tư 21 mà nên thẳng thừng bằng một công văn nghiêm cấm nhà trường và các cấp quản lý giáo dục tham gia vào việc mua bán, sử dụng tài liệu tham khảo – bổ trợ dưới mọi hình thức thì chắc chắn sẽ không có chuyện nhập nhèm giữa sách giáo khoa và sách tham khảo – bổ trợ như bấy lâu nay. Còn việc các nhà xuất bản cho ra các ấn phẩm ngoài sách giáo khoa đã chịu sự chế tài của luật xuất bản.
Tôn trọng quy luật thị trường: Có cầu thì mới có cung. Khi phụ huynh và học sinh không bị ràng buộc bởi dây nhợ “sách bổ trợ” thì tự khắc sẽ không có chuyện tràn lan loại sách này, khiến dư luận bức xúc như hiện nay.
01-10-2020
Nguyễn Duy Xuân
Nguồn tham khảo:
[1]. https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/bo-gd-dt-khong-tham-dinh-sach-tham-khao-khong-yeu-cau-sach-bo-tro-677715.html
[2]. https://www.tienphong.vn/giao-duc/sach-bo-tro-nup-bong-sgk-ai-dung-tung-1718144.tpo?fbclid=IwAR23ku07G6Rb4vbXnA2AzHJLXJo4AYu4QzFltFh91EJ9YLc5hfSuAo3_ew8