Yêu nước: nói hay không?

Thứ bảy - 18/02/2017 16:35
Ngày 17/2 của tôi bắt đầu bằng một cú điện thoại của một người bạn là nghệ sĩ ở nước ngoài.
Anh nói mấy hôm anh xem loạt bài về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 17-2 trên nhiều tờ báo của Việt Nam, đã sao in ra để cho các con của anh đọc. Ở nơi xứ người các con không hề biết về việc này. Anh nói: phải dạy trẻ con về lòng yêu nước.

Anh còn muốn biết tâm tư, tình cảm của giới showbiz tại Việt Nam về vấn đề này. Vậy là tôi hẹn một giờ sau sẽ chuyển cho anh link các trang cá nhân của những nghệ sĩ Việt Nam nổi tiếng.

Nhưng sau đó, tôi phải nói dối anh là bận quá, không có thời gian tìm hiểu. Thật ra tôi đã tìm đọc trang cá nhân của những nghệ sĩ đang "hot" hiện nay, nói đúng hơn là đang hốt bạc từ công chúng. Nhưng thật buồn. Không hề có dòng chữ nào, hình ảnh nào liên quan đến ngày kỷ niệm. Thắc mắc tôi liên lạc, gọi hỏi.

Rất nhiều bạn phản ứng cho đó là quyền riêng tư, không thích thì không nói, không bày tỏ. Có nghệ sĩ còn nói rằng chỉ cần kiếm tiền, không quan tâm dính dáng gì đến chính trị.

Nhưng tôi không đặt vấn đề chính trị, tôi chỉ muốn nói về giá trị cơ bản của người Việt là yêu nước và biết ơn tiền nhân.

Tôi nói với những người bạn nghệ sĩ có cả vạn người theo dõi kia, rằng đừng bao giờ thờ ơ với chính trị. Bởi “chính trị” không phải thứ gì cao siêu. Nó là nồi cơm của các bạn, là tài khoản đang dầy lên của các bạn trong ngân hàng, là những villa mà các bạn đang có, là sự tự tin và kiêu hãnh mỗi khi các bạn đi ra bên ngoài.

Khi mà các bạn có thể định hướng tâm tư tình cảm của cả một cộng đồng những người trẻ - những người còn thiếu kiến thức và chiêm nghiệm - thì việc nói với họ về chủ quyền đất nước, có nên xem là trách nhiệm?

Điều đáng mừng là trong nhiều sự kiện, ngày kỷ niệm nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng khẳng định lòng yêu nước và chủ quyền quốc gia. Đáng kính trọng, đa phần những nghệ sĩ này đều là “lao động tự do”, không hội đoàn, không chức vụ trong các tổ chức, hội đoàn ngốn ngân sách kinh niên. Những “Hội nghệ sỹ” danh vọng mà khi cần có tiếng nói thì chẳng thấy vị nào lên tiếng.

Tôi chợt nhớ đến chuyện thả thơ lên trời, tôi không biết trong số các vị thơ bay tận cao xanh ấy có vị nào lên tiếng trong ngày hôm nay không? Vì rằng tiếng nói của các vị có tác động đến cộng đồng.

Đó không phải là ý tưởng của riêng tôi. Đó là điều mà rất nhiều nghệ sỹ lớn đã làm, đã đi vào lòng công chúng.

Huyền thoại Marlon Brando từng từ chối tham dự và nhận giải Oscar lần thứ 2 cho vai diễn xuất chúng trong Bố già, thay vào đó, ông cử đại diện là một cô gái da đỏ bản địa lên nhận giải và đọc tuyên bố của ông trước hàng chục triệu người theo dõi lễ trao giải trực tiếp trên khắp thế giới. Ông tuyên bố không nhận giải bởi nước Mỹ đối xử không ra gì với người da đỏ và cướp đất, phá hủy văn hóa của họ.

Đạo diễn Steven Spielberg đã từ chối lời mời của Trung Quốc làm đạo diễn lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh 2008 vì không đồng ý với quan điểm của chính phủ nước này về vấn đề Sudan lúc đó.

Nhưng vị đạo diễn người Mỹ này cũng làm đau đầu nhiều đời tổng thống Mỹ vì các phát biểu chống các quan điểm chính thức của chính phủ Mỹ, đơn cử như chiến tranh Việt Nam trước 1975.

Một ví dụ khác, tại sao người Hồng Kông yêu mến Châu Nhuận Phát? Vì thái độ rõ ràng của anh về các vấn đề tồn vong của Hồng Kông và các giá trị cơ bản của nó, anh bày tỏ sự ủng hộ cuộc biểu tình của sinh viên đồng thời kêu gọi dân chúng bình tĩnh, sáng suốt. “Tôi đã gặp những người dân Hồng Kông, những sinh viên Hồng Kông đi biểu tình cho những yêu cầu của mình, họ thật là dũng cảm, làm người khác thấy cảm động. Còn cảnh sát, theo tôi ngay từ ngày đầu tiên họ đã sai rồi, sử dụng cái gì mà đạn hơi cay chứ? Toàn bộ sinh viên đều rất lý trí, có một điều cần nói là nếu như chính phủ có một phương án mới, làm vừa lòng người dân hoặc là sinh viên Hồng Kông, thì việc phản đối kia tôi cho rằng sẽ được dừng lại”.

Đối với người nghệ sĩ, người có ảnh hưởng đến công chúng thì những chuyện như thế này  là lúc chứng tỏ mình thuộc về đất nước dân tộc hay là một thứ gì đó xu thời…

Rồi cuộc điện thoại an ủi cuối cùng cũng đến trong lúc chiều muộn từ một người nổi tiếng:

"Ông ạ, mình im lặng nhưng không có nghĩa là mình không yêu nước, buồn lắm, có nhiều chuyện khó nói lắm…"

Với các nghệ sĩ có lòng yêu nước, xin hãy tha thứ cho tôi nếu có gì đó không đúng hoặc mạo phạm.

Hoàng Linh
Nguồn http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/yeu-nuoc-noi-hay-khong-3543091.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

45 năm chiến tranh biên giới
45 NĂM CUỘC CHIẾN TRANH
BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC
17/2/1979


 
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
Gạc Ma
CÁC ANH SỐNG MÃI TRONG LÒNG NHÂN DÂN
 
Luong truy cap
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập68
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm65
  • Hôm nay13,079
  • Tháng hiện tại381,538
  • Tổng lượt truy cập53,682,587
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây