Khỏa lấp một mảng sáng tác văn học về lãnh tụ Hồ Chí Minh

Thứ bảy - 05/06/2021 20:15
Vanvn- Giới văn nghệ sĩ nước ta, với tình cảm thành kính đối với Bác, luôn xem Người là nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận cho các loại hình nghệ thuật. Trong bài viết nhỏ này, chúng tôi chỉ bàn đến mối quan hệ giữa văn học trong việc thể hiện đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trước nhất, có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Bác đã khơi nguồn sáng tạo cho nhiều thế hệ nhà văn, nhà thơ đi theo cách mạng. Kể cả những nhà thơ nổi tiếng “duy mỹ” như Nguyễn Xuân Sanh cũng có những sáng tác hay về Bác. Có lẽ ít ai biết tác giả của hai câu thơ nổi tiếng “Lẵng xuân bờ giũ trái xuân sa/ Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà” (bài thơ “Buồn xưa”) thời Thơ mới trước năm 1945 cũng lại là người viết bài thơ “Mẹ con” ngợi ca công lao của Bác đối với đồng bào dân tộc ở vùng cao trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sự đa dạng, phong phú về tác giả kéo theo sự đa dạng về thể loại và bút pháp trong việc khắc họa hình ảnh Bác. Về thơ, có thể kể đến “Sáng tháng Năm”, “Bác ơi” của Tố Hữu; “Người đi tìm hình của nước” của Chế Lan Viên; “Viếng Lăng Bác” của Viễn Phương; “Gửi lòng con đến cùng Cha” của Thu Bồn… Ở thể trường ca có những tác phẩm như: “Theo chân Bác” của Tố Hữu, “Mùa thu nhớ Bác” của Ngô Văn Phú, “Bác Hồ và người chiến sĩ” của Lê Huy Quang, “Một người-Thơ-Tên gọi” của Nguyễn Thế Kỷ… Văn xuôi có truyện ký “Người ở nguồn” của Hoàng Việt Quân, tiểu thuyết có “Búp sen xanh” của Sơn Tùng, “Cha và con” của Hồ Phương, “Mặt trời Pác Bó” và “Giải phóng” của Hoàng Quảng Uyên… Mặc dù đa dạng về thể loại nhưng chất lượng tác phẩm không có sự đồng đều. Trong khi thơ, trường ca đã “phủ sóng”, tái hiện toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú của Bác và có những tác phẩm vươn đến đỉnh cao thì ở tiểu thuyết-thể loại vốn được xem là máy cái của nền văn học-vẫn còn những điều băn khoăn.

Về chất lượng, các tiểu thuyết viết về Bác mặc dù có những nỗ lực khám phá, tìm tòi nghệ thuật nhưng vẫn chưa có những tác phẩm xứng đáng với sự mong chờ, kỳ vọng của công chúng. Mặt khác, các tiểu thuyết viết về Bác mới chỉ tập trung vào cuộc đời của Bác từ thời thơ ấu cho đến khi ra đi tìm đường cứu nước mà ít đề cập đến quãng đời 30 năm bôn ba hải ngoại. Trong sự hiểu biết của mình, chúng tôi mới chỉ thấy có tiểu thuyết “Trông vời cố quốc” của nhà văn Hoàng Quảng Uyên là viết về quãng đời hoạt động cách mạng của Bác từ lúc ra đi ở Bến Nhà Rồng cho đến khi Người trở về Cao Bằng. Điều này trái ngược hẳn với tình hình ở lĩnh vực điện ảnh. Bộ môn nghệ thuật thứ bảy đã có hàng loạt tác phẩm về cuộc đời của Bác trong 30 năm tìm đường cứu nước như: “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, “Thầu Chín ở Xiêm”, “Vượt qua bến Thượng Hải”… tạo được dấu ấn tốt đẹp đối với công chúng trong và ngoài nước. Đây là điều đáng tiếc đối với tiểu thuyết nói riêng và nền văn học Việt Nam nói chung bởi quãng thời gian 30 năm hoạt động tìm đường cứu nước của Bác chứa đựng trong đó những câu chuyện, những bài học, những tư tưởng, triết lý sâu sắc làm chúng ta hiểu rõ hơn về sự vĩ đại của Người cũng như bối cảnh lịch sử trong nước và thế giới ở thời điểm đó.

Theo chúng tôi, sở dĩ có tình trạng trên là do một vài nguyên nhân sau: Khó khăn đầu tiên và lớn nhất là vấn đề tư liệu. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhân vật lịch sử. Do đó, tiểu thuyết viết về Bác là tiểu thuyết lịch sử. Vì vậy, sự chân xác của tư liệu lịch sử là vấn đề then chốt, sống còn, quyết định đến thành công của tiểu thuyết. Để có được những tư liệu quý có giá trị (không kể đến nguồn tư liệu qua dịch thuật, qua internet mà đôi khi có thể là tài liệu hư cấu) buộc các nhà văn phải đi điền dã, thực tế tìm tư liệu. Đây là công việc đòi hỏi phải có thời gian, quan hệ và… kinh phí. Việc đi điền dã, tìm tư liệu trong nước là có thể làm được. Tuy nhiên việc “ăn dầm nằm dề” hàng tháng, thậm chí hàng năm trời để gặp gỡ nhân chứng, tìm kiếm tài liệu ở nước ngoài xa xôi là điều vượt quá khả năng của đại đa số nhà văn Việt Nam. Chính điều này đã hạn chế cơ hội của các nhà văn tiếp cận đề tài Bác Hồ ở nước ngoài. Mặt khác, ngoài khó khăn trong tìm kiếm tư liệu, các nhà văn cũng phải giải quyết vấn đề “khó nhằn” nhất của tiểu thuyết lịch sử: Sự cân bằng giữa các yếu tố mâu thuẫn, đối nghịch nhau. Trong đề tài về Bác nói chung và đề tài về Bác hoạt động ở nước ngoài nói riêng, có 3 sự cân bằng mà theo chúng tôi là những thách thức thật sự cho người cầm bút. Đó là sự cân bằng trong việc khắc họa giữa Hồ Chí Minh với tư cách một vĩ nhân, một nhà chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hóa lỗi lạc trong tương lai và Hồ Chí Minh-một con người bình dị, đời thường giữa mảnh đất xa xôi. Đó là sự cân bằng giữa sự chân thực và hư cấu trong xây dựng nhân vật, tình tiết, chi tiết truyện. Đó là sự cân bằng giữa tình cảm yêu mến, cảm phục vô vàn đối với Bác và giọng điệu khách quan trong miêu tả. Ba sự cân bằng này tạo ra thế “chân kiềng”, vừa là bệ đỡ chắc chắn, vừa là bệ phóng cho tác phẩm vươn đến thành công. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, đây là điều vô cùng khó, mà theo cảm nhận chủ quan của chúng tôi, chưa có một tiểu thuyết viết về Bác từ trước đến nay đạt được sự cân bằng này.

Trên đây là một vài nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến số lượng tiểu thuyết viết về cuộc đời hoạt động ở nước ngoài của Bác còn ít ỏi. Mảng đề tài này vẫn đầy tiềm năng cho các nhà văn khai thác. Thiết nghĩ, viết về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác ở hải ngoại không chỉ là trách nhiệm, là biểu hiện của tình cảm yêu quý vô vàn đối với Bác mà còn là sự đóng góp thiết thực vào dòng chảy văn học cách mạng của các nhà văn.

TS ĐOÀN MINH TÂM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

70 năm Điện Biên Phủ
70 NĂM CHIẾN THẮNG
ĐIỆN BIÊN PHỦ
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
50 năm đại thắng mùa xuân
30/4 -  NGÀY HÒA BÌNH
THỐNG NHẤT NON SÔNG


 
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
Đại thắng mùa xuân 1975
50 NĂM
ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975

 
Luong truy cap
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập112
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm103
  • Hôm nay22,163
  • Tháng hiện tại703,034
  • Tổng lượt truy cập54,817,738
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây