Đọc lại “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng

Thứ năm - 04/02/2021 19:22
Trong nền văn học Việt Nam hiện đại, tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng là tác phẩm quen thuộc với nhiều thế hệ bạn đọc.
Đến nay, mặc dù đã được phổ biến rộng rãi, nhưng không phải mọi cắt nghĩa về nó đã thật thấu đáo, thuyết phục. Tiếng cười của Số đỏ vẫn là một thách thức lớn đối với các lí thuyết văn học. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi mạnh dạn giải mã tiểu thuyết Số đỏ từ góc nhìn của lí thuyết diễn ngôn – một hướng nghiên cứu mới ra đời trong kỉ nguyên hậu cấu trúc để khám phá những điểm thú vị ở phương thức biểu đạt của tác phẩm.

M.Foucault, trong Khảo cổ học tri thức, cho rằng chúng ta có thể phác dựng lên những biến đổi theo thời gian của các hệ thống diễn ngôn và sự tác động của những biến đổi ấy lên cảm quan của con người về thực tại, bằng cách xác định những giới hạn và sự kiến tạo của một tri thức hệ, mà từ đó một nền văn hóa xác lập nên những ý niệm của nó. Nói cách khác, mỗi thời kì với thiết chế đương quyền sẽ tạo ra một hệ thống cấu trúc diễn ngôn xác lập khung tri thức hệ của mình, với xu thế cấu trúc suy nghĩ của các chủ thể về một chủ đề nào đó, theo những tư duy đặc thù một cách đặc thù, vạch ra những quy cách cũng như những điểm tựa cho tư duy.

Giải thích sự thay đổi cơ chế văn hóa, phương pháp tư duy của con người qua các thời kì, Foucault cho rằng đấy là kết quả của những đứt gãy tri thức hệ, tức là sự phát triển gián đoạn của các cấu trúc diễn ngôn trong một thời điểm nào đó. Hệ quả là phương thức tư duy vốn được xem là bình thường ở thời kì này lại trở thành bất thường ở tương lai, và phương thức tư duy bất thường ở thời kì này lại trở thành bình thường ở thời kì khác. Từ góc nhìn xã hội học của Foucault, chúng ta có thể tiếp cận Số đỏ như là một biểu đạt về sự đứt gãy tri thức hệ hay là sự va đập, giao tranh giữa các diễn ngôn tiền hiện đại và hiện đại, phong kiến và tư bản thực dân, phổ thông đại chúng và tri thức thượng lưu.

Ngôn ngữ tạo sinh tri thức, quyền lực và khung diễn ngôn thời đại. Nắm được ngôn ngữ là nắm được quyền lực, nắm được quyền kiến tạo diễn ngôn và tri thức. Việc sử dụng chữ Latinh thay thế chữ Hán, đồng thời bãi bỏ chế độ khoa cử Khổng giáo là một bước tiến lớn trong chương trình bình định thuộc địa của thực dân Pháp. Diễn ngôn và tri thức Nho giáo phong kiến bị gián đoạn, không còn là lựa chọn dẫn tới quyền lực thành công và thịnh vượng trong tương lai. Cùng thời điểm đó, tri thức phương Tây bắt đầu lan tỏa giá trị mới từ trường học đến báo chí, văn chương và đời sống. Đây cũng là lúc hàng loạt diễn ngôn mới lạ về nữ quyền, văn chương, tình yêu hiện đại, khoa học, y học, cải cách xã hội, chính trị đại chúng… tiến vào đô thị – Hà Nội – trung tâm quyền lực. Cách nghĩ của trí thức Tây học về các vấn đề xã hội không đồng thuận với trí thức Hán học. Họ tham gia vào nhiều vị trí trong thiết chế chính trị và xã hội thị trường của nhà nước thực dân, hăng hái kêu gọi cải cách trên mọi phương diện. Mặc dù diễn ngôn phương Tây không thể ngay lập tức loại bỏ thói quen ngôn ngữ và tư duy Nho giáo của người Việt, song chúng hứa hẹn đưa đến thành công và thịnh vượng. Trước thực tại một ngôn ngữ và tri thức quen thuộc bị loại khỏi sân chơi quyền lực và một ngôn ngữ mới được hình thành, được sử dụng thuần thục, con người không tránh khỏi cảm giác mơ hồ, hoang mang về thời đại của mình.

Tiểu thuyết Số đỏ được đặt trong bối cảnh như thế. Nó có khả năng lột tả tinh thần thời đại: là lúc con người đã có linh cảm về những biến đổi trong thời của mình, nhưng lại mơ hồ về các giá trị thực tiễn. Trong tác phẩm, các nhân vật thượng lưu và cả Xuân Tóc Đỏ mang ý thức thường trực: cái gì không hợp thời đều là cổ hủ, phải đào thải. Cái hợp thời, với họ, ở bối cảnh ấy chỉ có thể là những gì liên quan đến ngôn ngữ, văn hóa Pháp và các nội dung phong trào Mặt trận bình dân.

Theo bước chân Xuân Tóc Đỏ, người đọc nhiều lần chứng kiến những màn đấu khẩu bi hài của các nhân vật, mà về thực chất là sự không thông hiểu ngôn ngữ hiện đại và sự va đập, giao tranh giữa các khung diễn ngôn. Lúc mới bước chân vào thế giới thượng lưu, Xuân Tóc Đỏ nhiều phen lúng túng trước các diễn ngôn Đông – Tây. Chẳng hạn, khi nghe nhà mĩ thuật lí luận với vợ ông ta rằng “khi người ta nói phụ nữ… là nói vợ con chị em người khác, chứ không phải vợ con chị em của ta” và nhà báo giảng giải rằng “gia đình tôi thì cứ phải theo cổ, không được có hạng đàn bà ăn mặc tân thời, nay khiêu vũ, mai chợ phiên, rồi về nhà chửi lại mẹ chồng bằng những lí thuyết bình quyền với giải phóng” thì hắn “ôm đầu nghĩ ngợi, băn khoăn không hiểu nghĩa lí cái việc cải cách” ấy ra làm sao. Hàng loạt chi tiết tương tự như Xuân Tóc Đỏ sờ đầu kiểm tra sừng của ông Phán, vị hôn phu bị hối hôn lúng túng trước Xuân Tóc Đỏ vì không có được xuất thân dòng dõi bình dân, người giúp việc của bà Phó Đoan phơi quần ở sân quần vợt, thành viên Hội Khai Trí cho rằng nhận “bình dân” cũng là tôn chỉ hoạt động của hội và mong muốn đưa những từ chửi thề của Xuân vào từ điển Khai Trí… đã cho thấy tri thức hệ bị đứt gãy khiến người nói và người nghe hoàn toàn không thông hiểu được khi giao tiếp. Trong trường hợp vừa kể là không phân biệt được sự khác biệt giữa “bình dân” và “hạ lưu”. Nhà nghiên cứu Peter Zinoman, trong bài “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng và chủ nghĩa hiện đại Việt Nam, cho rằng đấy là những biểu hiện về nỗi hoài nghi “sự trong sáng và độ đáng tin cậy của ngôn ngữ” trong việc dẫn dắt con người đến tri thức đúng đắn, đồng thời cũng nói lên “cảm giác châm biếm và bất lực ngày càng cao hơn – có liên quan đến những thay đổi nhanh chóng và bất ngờ, đặc trưng của thời hiện đại nói chung”.

Số đỏ là “một cuốn tiểu thuyết có thể làm vinh dự cho mọi nền văn học” (Nguyễn Khải). Sức hấp dẫn của tác phẩm nằm ở hình thức trào tiếu và cảm quan về thời đại.

Hình thức biểu đạt trào tiếu là mấu chốt gây ra nhiều tranh cãi. Người ta thường cho rằng kiểu người như Xuân Tóc Đỏ là đối tượng tác phẩm hướng đến. Điều này đúng với ý nghĩa khôi hài, chứ không phải như một huyền thoại về kiểu nhân cách thấp kém: lưu manh, bất lương, cơ hội. Xuân Tóc Đỏ không phải là hạng lưu manh. Hắn được giới thiệu là một đứa bé không cha mẹ, thất học, bị lợi dụng sức lao động, lang thang, làm nhiều nghề để kiếm sống. Hành động trộm cắp chưa từng xuất hiện trong lai lịch của hắn. Xuân Tóc Đỏ cũng không phải loại người bất lương. Trong giới thượng lưu rởm, hắn thậm chí là người có lòng nhân hơn cả. Vì không phải là người bày trò, không ở thế chủ động nên sau mỗi việc xảy ra mà hậu quả nằm ngoài tầm kiểm soát, hắn luôn “hốt hoảng về cái trò đùa ấy mà lại xoay ra bi kịch như thế” và luôn thành thật thú tội. Có thể thấy Xuân Tóc Đỏ leo lên nấc thang danh vọng một cách dễ dàng, nhanh chóng chính bởi sự thông minh, tính hoạt biến và khả năng thực hành thuần thục kĩ năng của diễn ngôn quảng cáo – một loại diễn ngôn của xã hội hiện đại.

Với bẩm tính thông minh, Xuân Tóc Đỏ đã nhanh chóng thích ứng: cái gì nhố nhăng mới là tân thời, cái gì không hợp thời là hủ lậu, bị đào thải và theo đấy mà biến báo linh hoạt. Trong mọi tình huống bất ngờ, Xuân Tóc Đỏ đều tạo ra một ma trận lời nói, xoay chuyển từ thế bị động sang chủ động, khiến những người xung quanh từ chỗ bày trò và xem thường lại bị thu phục, trở nên cảm kích.

Bản chất con người Xuân đáng trọng hay đáng khinh? Những nhân vật tiếp xúc với Xuân “bàn ra tán vào rất nhiều” về hắn. Sau cùng, không ai có thể đưa ra kết luận rõ ràng. Đấy là bởi bản chất của Xuân Tóc Đỏ đã vượt khỏi khung khổ tư duy phân loại tiền hiện đại, ở đấy con người được/bị xếp vào những cái túi nhân cách đã dán nhãn tốt – xấu rõ ràng. Ai nhân cách tốt thì không giàu, ai giàu thì nhân cách xấu.

Tầng lớp thị dân giàu có sính Âu hóa cũng là đối tượng trào tiếu trong Số đỏ. Đấy là bà Phó Đoan, cô Hoàng Hôn, nhà mĩ thuật TYPN, ông Văn Minh… Mặc dù, có thể tìm thấy trong văn bản Số đỏ những khẩu hiệu, từ ngữ, chương trình Âu hóa của giới thượng lưu, trí thức Việt Nam đầu thế kỉ XX, nhưng theo thiển ý của tôi, cảm quan thời đại đã đưa các tầng ý nghĩa của tác phẩm trượt khỏi chiến lược ban đầu. Trên thực tế, cái cười của tác phẩm có ý nghĩa sâu sắc hơn, mà thế giới nhân vật chỉ là một trong những kí hiệu nghệ thuật.

Số đỏ như một sân khấu hài. Bất kể ai, cái gì, lời nào bị ném vào đấy đều trở nên lố bịch. Không chỉ cái mới mà cái cũ cũng bị kéo vào sân khấu trong bộ dạng của tên hề. Cuộc cãi vã của hai cụ lang Tỳ và lang Phế, điệu bộ khúm núm đáng thương của chàng thư sinh là những dẫn chứng tiêu biểu. Nói về “cái chết”, của văn hóa cũ mà không bi thương. Nói về sự thái quá của văn hóa mới nhưng không gay gắt. Các nhân vật tuy có những trò nhố nhăng, những hành động mâu thuẫn biểu hiện nhân cách lệch lạc nhưng không gây cảm giác ghét bỏ ở người đọc. Tác phẩm kết thúc vào lúc con đường công danh của Xuân đạt đến đỉnh cao và đám người thượng lưu, dẫu bị coi là văn minh rởm, vẫn cùng Xuân đắc thắng. Nghĩa là cuộc sống cứ thế trôi đi. Nghĩa là Số đỏ thay vì hướng đến phủ nhận, triệt tiêu đối tượng, thì ngược lại, thông qua đối tượng khẳng định sự thay đổi tất yếu của xã hội: từ tiền hiện đại sang hiện đại, từ phong kiến phương Đông sang tư bản thực dân phương Tây.

Nếu xem xét hình thức biểu đạt của Số đỏ theo nguyên tắc trào tiếu “lộn trái thế giới” như M.Bakhtin đọc tính chất carnaval trong tác phẩm của Rabelais, chúng ta không khỏi ngạc nhiên nhận ra rằng diễn ngôn thời đại của nó không chỉ ứng với phối cảnh văn hóa ra đời, mà còn vươn rất xa, về sau. Chẳng hạn, có thể đọc con đường tiến thân của Xuân Tóc Đỏ như diễn ngôn về sự thay đổi vị trí quyền lực giữa các tầng lớp người trong xã hội hiện đại: nếu hiện đại hóa là một xu hướng bất khả kháng ở các đô thị Việt Nam đầu thế kỉ XX thì trong mô hình xã hội ấy, tầng lớp thị dân nghèo, ít học sẽ vươn lên nắm quyền điều phối xã hội, mà lẽ thường thuộc về tầng lớp thượng lưu, trí thức. Xuân Tóc Đỏ như một diễn viên tham gia vào sân khấu carnaval để diễn trò “lộn trái thế giới”. Mở đầu, hắn là kẻ nương nhờ, chịu sự dẫn dắt, kiểm soát của đám trí thức rởm như Văn Minh; kết thúc tác phẩm, hắn trở thành người nắm quyền, ban ơn huệ, dẫn dắt hành vi, lời nói của những người xung quanh.

Có thể đọc Số đỏ như một biểu đạt về khát vọng chiếm đoạt quyền tạo tác diễn ngôn của những phận người nhỏ bé trong xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX, những người mà với họ văn hóa và học thức Tây phương là một thứ hấp dẫn nhưng xa vời. Trong trường nghĩa này, Số đỏ gợi cho tôi nhiều liên tưởng đến Tây du kí của Ngô Thừa Ân. Cũng biểu đạt tính tương đối của quyền lực và khát vọng thay đổi trật tự thực tại của những con người luôn phải chịu sự trấn áp của thứ quyền lực vĩnh cửu, nhưng Tây du kí lại được/bị triển khai theo motif tội ác – trừng phạt, thành ra tính chất carnaval của nó chưa được khai thác triệt để. Sự khác nhau như vậy giữa Tây du kí và Số đỏ cho thấy quá trình tạo tác diễn ngôn văn học và chiến lược của nó chịu sự chi phối chặt chẽ bởi khung diễn ngôn chung của thời đại.

Trong bối cảnh xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX đang diễn ra những chuyển biến lớn lao, Vũ Trọng Phụng có cảm quan khác biệt, sâu sắc hơn các nhà văn tiền hiện đại và một “khoảng trời tự do” để tạo tác diễn ngôn của mình. Ông quan sát, tường thuật, bình luận, biến hình thức biểu đạt của Số đỏ thành một ma trận. Cười cợt châm biếm nhưng không đả kích phủ nhận hay diệt trừ. Ở đó, mọi đối tượng đều bị phơi bày trong bộ dạng ngờ nghệch, lố bịch. Đối tượng trào tiếu của tác phẩm cũng không loại trừ cả chính nhân vật đang cười – tác giả (tử vi của Xuân Tóc Đỏ trùng với ngày tháng năm sinh của Vũ Trọng Phụng). Người đọc cũng bắt gặp đây đó hình dáng của mình trong số tình huống mà các nhân vật gặp phải. Vậy nên, chúng ta cũng cười chính bản thân mình. Tiếng cười trào tiếu như vậy khởi đi từ cảm quan của nhà văn về xã hội hiện đại: mọi thứ, mọi người không tránh khỏi đôi lúc trở thành lố bịch, buồn cười. Dẫu vậy, hiện đại hóa vẫn là một xu hướng tất yếu – điều mà không ai có thể ngăn trở. Dùng bút pháp hiện thực để lột trần, phê phán nhằm đả phá, tiêu trừ đối tượng hay dùng ngòi bút lãng mạn để mơ màng, than thở về chúng đều không thể toát lên tinh thần ấy. Cái cười trào tiếu của Số đỏ cơ hồ cũng nhằm vào cả những tư tưởng nghệ thuật như thế.

Ngôn từ và phương thức biểu đạt của Số đỏ tự nó tạo nên đời sống riêng cho tác phẩm. Người đọc đọc văn bản cùng tham gia vào việc sắp đặt, tổ chức lại kí hiệu, biểu tượng nhằm giải mã cấu trúc diễn ngôn. Chiến lược diễn ngôn của Số đỏ sẽ mở ra các tầng ý nghĩa nào phụ thuộc không phải vào ý định chủ quan của tác giả, mà nằm ở cách chúng ta đọc phương thức biểu đạt của nó. Cách đọc Số đỏ như một trò chơi dịch chuyển văn hóa, hay trò “lộn trái thế giới” kiểu carnaval mà tôi nêu ra ở trên cũng chỉ là một trong nhiều cách đọc các khả thể biểu đạt của tác phẩm mà thôi.

Theo Lê Thị Gấm/VNQĐ
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gạc Ma
CÁC ANH SỐNG MÃI TRONG LÒNG NHÂN DÂN
 
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
45 năm chiến tranh biên giới
45 NĂM CUỘC CHIẾN TRANH
BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC
17/2/1979


 
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
Luong truy cap
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập104
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm98
  • Hôm nay22,606
  • Tháng hiện tại378,353
  • Tổng lượt truy cập53,679,402
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây