Từ Nàng Tiên đến Nàng Thơ

Thứ bảy - 12/02/2022 03:18
Có tổ tiên từ thần thoại Hy Lạp và phương Đông, “Nàng Thơ” hiện đại sinh tại Pháp vào thế kỷ XIX, sang Việt Nam vào đầu thế kỷ XX. “Nàng Thơ” là nguồn cảm hứng sáng tạo, hình ảnh nhân hóa về thơ ca, người tình nghệ thuật lý tưởng trong thế giới sáng tạo của nam thi sĩ.
 
Từ lâu, nói đến thơ, người ta hay liên tưởng đến cái đẹp non tơ, tươi sáng, lộng lẫy, tinh tế... mang tính nữ. Theo đó, thơ được ví như người con gái trẻ đẹp, giàu sức sống, có sức quyến rũ kỳ lạ, nhưng lại không được xác định bằng một hình hài xác thân cụ thể, hoặc một tiểu sử rõ ràng. Rồi đến lúc cô gái ấy (hoặc có thể là người đàn bà) cũng được gọi tên ra, đó là Nàng Thơ.

Thế Lữ là tác giả Việt Nam đầu tiên tạo dựng được hình tượng Nàng Thơ một cách sâu sắc nhất, lộng lẫy nhất trên cơ sở một quan niệm riêng về cái đẹp. Do Thế Lữ, từ Thế Lữ, Nàng Thơ trở nên một biểu tượng quen thuộc và tươi đẹp trong đời sống văn hóa thơ ca Việt Nam.

Có một Nàng Thơ trong thơ Việt Nam hiện đại

Đầu những năm 20, 30 của thế kỷ XX, ở Việt Nam xuất hiện Nàng Thơ. Văn học Việt Nam Trung đại chưa có Nàng Thơ. Trong văn học hiện đại, tên gọi Nàng Thơ được dùng lại một cách sáng tạo của giới thi sĩ lãng mạn Pháp khi thi ca lãng mạn ở nước này phát triển mạnh vào thế kỷ XIX.

Truy gốc nguồn, Nàng Thơ hiện đại của Pháp không thể không là hậu duệ của các nàng Muydơ trong thần thoại Hy Lạp cổ đại. Cùng với Victor Hugo (1802 - 1885), Alphonse de Lamartine (1790 - 1869) và Alfred de Vigny (1797 - 1863), thì Alfred de Musset (1870 - 1857) là một trong bốn nhà thơ lãng mạn lớn của nước Pháp, sáng tác bài thơ dài Đêm tháng năm (1835), trong đó có những đoạn đối thoại giữa Nàng Thơ và tác giả.

Trước đó, A. Lamartine đã thổ lộ trong bài tựa cuốn Những niềm suy tưởng cho những vần thơ của ông: "Tôi là người đầu tiên đem thi ca từ đỉnh Thi Sơn xuống cõi trần. Tôi đã tặng cho cái mà người ta gọi là Nàng Thơ không phải cây đàn lia bảy dây như qui ước mà là trái tim con người, rung động theo muôn vàn rung động của tâm hồn và thiên nhiên".

Giới thi sĩ Pháp xuất bản được tạp chí Nàng Thơ Pháp (La Muse Francaise), một tạp chí chuyên đăng thơ và bài phê bình thơ, tồn tại được mấy năm, đình bản vào năm 1924. Học giả Nguyễn Văn Vĩnh dịch tên gọi Muse (Muydơ) qua tiếng Trung Quốc là Mưu Dư.

Chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa, văn học phương Tây qua Pháp, cùng thời Thơ Mới với Thế Lữ, một số tác giả thơ Việt Nam cũng dùng tên gọi Nàng Thơ, có trường hợp còn dùng trước Thế Lữ. Họ coi đó là một danh từ riêng chỉ một nhân vật trữ tình ảo mang tính nữ, có nhan sắc, theo Tây học, ám chỉ thơ ca khi nói đến Thơ Mới hoặc khi sáng tác Thơ Mới.

Tác giả B.C. Bùi Văn Thức trong bài báo Mộng thơ (Báo Loa, số 79, 22/8/1935) có ý cho rằng thơ cũng giống như một người ở ngoài đời và đó là một thiếu nữ của thời đại mới có lối sống bạo dạn, giao lưu rộng, người đọc có thể hiểu đó là Nàng Thơ. Lan Sơn, một tác giả thơ, thì trông thấy Nàng thơ năm ấy cười mê đắm (bài Tết và người qua).

Ngược về quá khứ, chúng ta thấy trong hệ thống thần thoại của các dân tộc phương Đông có các vị thần (nam và nữ) được các đấng tối cao giao phó việc cai quản văn chương, nghệ thuật. Đó là các vị thần Văn Xương, Văn Khúc đế quân, Đế Thích, Lưu Linh, Hằng Nga... trong thần điển Trung Hoa.

Trong thần thoại Hy Lạp cũng có các vị thần thơ ca, chẳng hạn chín nàng Muydơ. Như vậy, văn chương, nghệ thuật, trong đó có thơ ca, đã được thần hóa. Đã thần hóa tức là xa cách đời thường. Đến thế kỷ XIX ở Pháp và đầu thế kỷ XX ở Việt Nam, như đã nói, thơ được nhân hóa thành Nàng Thơ, từ đó thơ trở thành một người bạn, tuy là ảo xét về mặt vật thể nhưng lại là thực, gần gũi, thân thiết xét về mặt tinh thần - một người bạn tâm giao, tri kỷ, rồi hơn thế, là người tình.

Vẫn là bạn, là người tình, nhưng nếu xưa kia còn mơ hồ về hình ảnh, thì nay đã là Nàng để nhà thơ nhớ thương, tâm sự, trao gửi nỗi niềm riêng tư hoặc thế sự, tạo nên nguồn mạch cảm hứng trào tuôn, say lòng trong sáng tạo.

Nguồn cảm hứng, người tình nghệ thuật lý tưởng của nam thi sĩ

Nhà phê bình Chu Văn Sơn đã có ý kiến mới mẻ và tinh tế rằng: "Nghiên cứu thơ trữ tình, người ta thấy có hiện tượng phổ biến này: trong mỗi chàng thi sĩ đều sống một người đàn bà. Người đàn bà ấy là hiện thân cho vẻ đẹp mà thi sĩ tìm kiếm, tôn thờ, là cái đẹp bằng xương thịt. Người ta gọi đó là Nàng Thơ, là người tình lý tưởng của thi sĩ.

Thế giới hình tượng thi ca được xem là sản phẩm sinh ra từ cuộc hôn phối âm thầm của hồn thi sĩ và người đàn bà huyền diệu đó. Đồng thời, những hình bóng giai nhân trong sáng tạo của thi sĩ có thể đa dạng, nhiều hình vẻ, nhưng xét đến cùng, đều chỉ là những bóng dáng khác nhau của cùng một người đàn bà ấy. Muốn biết thi sĩ khao khát vẻ đẹp nào, chỉ cần dựng lại nguyên vẹn chân dung người tình kia".

Ở đây, nhà phê bình chỉ mới nói đến "chàng thi sĩ", phạm vi mà ông quan tâm. Tìm hiểu thêm, thấy có bốn điểm cần nhấn mạnh và phân biệt rõ.

Một là, Nàng Thơ chỉ là người tình nghệ thuật lý tưởng trong thế giới sáng tạo của riêng nam thi sĩ mà thôi. Nữ thi sĩ ít nói đến Nàng Thơ, mà nếu có nói thì họ cũng không coi Nàng là người tình, lẽ giản đơn đã là Nàng thì không thể đồng thời là Chàng được!

Hai là, không  phải tất cả mọi tác giả đều có (hoặc phải có) Nàng Thơ. Trên thực tế, có những bộ phận tác giả thơ nào đó (cả nam và nữ) không gần gũi với khái niệm Nàng Thơ. Họ viết do sự thúc đẩy của nhiều nguồn cảm hứng mà thơ là một phương tiện giãi bày thuận lợi nhất.

Ba là, hình tượng Nàng Thơ không trùng khít với hình ảnh một người tình riêng rẽ trong đời sống được hắt bóng vào trang thơ. Đó là hai người khác nhau, người này tồn tại trong nghệ thuật, mang ý nghĩa tổng hòa, phổ quát; người kia có mặt trong đời sống. Không thể cho rằng mọi tác giả thơ nam viết về người tình tức là viết về Nàng Thơ.

Bốn là, trong giao tiếp, đôi khi người ta cũng gọi nhà thơ nữ trẻ là Nàng Thơ. Đó chỉ là một kiểu nói đẹp, trân trọng, vui vẻ, ý nhị... không trùng hợp với Nàng Thơ đang bàn, lẽ giản đơn rằng, đây là một con người bằng xương bằng thịt hiện ra giữa cuộc đời, không phải là hình ảnh về một giá trị tinh thần có ý nghĩa tổng hòa, phổ quát được nhân hóa trong nghệ thuật.

Nàng thơ của Thế Lữ, từ cảm hứng, quan niệm đến biểu tượng

Thế Lữ có mối quan hệ thân thiết với Nàng Thơ ngay từ những tháng năm đầu và suốt cả quá trình sáng tác. Hơn nữa, Nàng Thơ còn là khái niệm trong hệ thống quan niệm về cái đẹp và một biểu tượng đi cùng với quan niệm ấy như một hình ảnh hiện thực cần chiếm lĩnh trong thơ ông.

Thế Lữ tâm sự: "Phần nhiều tôi được gặp một nàng tiên du dương, một nhân vật êm ái mà trí tưởng tượng của chúng ta gây dựng nên, và đặt cho một cái tên dịu dàng, là Nàng Thơ, để tiện cho ta thở than tình tự" (báo Ngày nay, số 120, 1938). Thế Lữ còn gọi Nàng Thơ bằng nhiều tên khác, đó là: Nàng Mỹ thuật, nàng Ly Tao (5), chị Ly Tao, Nương Tử, Ly Tao Nương Tử, Nàng Tiên, bạn tiên, người tiên tử, bạn tiên tử, bạn lòng tôi, tình nhân kiều diễm.

Cái đẹp  theo Thế Lữ quan niệm là cái đẹp siêu việt mang tính nữ. Thế Lữ đến với các Nàng: từ Nàng Mỹ thuật, Nàng Thơ, Nàng Ly Tao qua các Nàng Tiên, Nương Tử ở cõi thiêng rồi quay lại mỹ nữ, giai nhân tuyệt sắc của đời thường tục lụy.

Như vậy, cái đẹp trong quan niệm của Thế Lữ được cụ thể hóa bằng những hình ảnh đẹp trừu tượng. Nàng Mỹ thuật, Nàng Thơ, Nàng Ly Tao là những biểu tượng về cái đẹp nghệ thuật. Nàng Tiên là cái đẹp mơ ước, linh diệu. Rồi cái đẹp cũng được cụ thể hóa bằng những hình ảnh ở trần gian: người con gái đẹp, giai nhân tuyệt sắc.

Cái đẹp tồn tại bằng những biểu tượng mang tính nữ hoặc cái đẹp của con người vừa là nội dung quan niệm nghệ thuật của Thế Lữ lại vừa là hiện thực, đối tượng cần chiếm lĩnh, phản ánh của chủ thể sáng tạo. Khi khảo sát văn chương Thế Lữ, chúng ta khó bóc tách quan niệm ra khỏi thực tiễn sáng tác, cho nên không dễ nhận ra ngay quan niệm của Thế Lữ được ông trình bày bằng chính tác phẩm văn chương.

Đọc Thế Lữ, khi tiếp cận văn bản sáng tác được lồng ghép vào văn bản mang nội dung lý thuyết, quan niệm về văn chương. Đọc ba bài thơ: Cây đàn muôn điệu, Lời than thở của nàng Mỹ thuật, Lựa tiếng đàn và một số bài thơ khác, chúng ta thấy chúng mang tính lưỡng trị: Vừa là một loại tác phẩm về lý thuyết, vừa là tác phẩm nghệ thuật.

Các Nàng, dẫu trừu tượng, vô hình hay cụ thể, hữu hình cũng đều mang tính lưỡng trị như vậy. Các Nàng vừa là cái đẹp thuộc về quan niệm của chủ thể, lại vừa là cái đẹp thuộc về khách thể mà chủ thể hướng đến với một quan niệm có trước.

Nàng Thơ được Thế Lữ nhắc đến nhiều lần trong 11 bài thơ và vở kịch ca - kịch thơ Tục lụy. Gương mặt và tâm hồn Nàng sáng rõ nhất trong sáu bài thơ: Cây đàn muôn điệu, Trả lời, Tự trào, Ngày xưa còn nhỏ, Giục hồn thơ, Nàng thơ lạnh.

Nàng Thơ trước hết là người bạn văn chương tâm giao của nhà thơ trong cuộc sống đời thường, "Kết giao hẹn đến muôn ngàn kiếp" (Ngày xưa còn nhỏ). Nhà thơ giới thiệu: “Tôi là một kẻ mơ màng/ Yêu sống trong đời giản dị, bình thường/ Cùng với Nàng Thơ tháng năm ca hát” (Mưa hoa). Và ông đề nghị: “Để cho tôi yên sống đời riêng tôi / Cuộc đời lang thang giản dị, nhưng mà vui/ Riêng cùng với Nàng Thơ làm bầu bạn” (Tự trào).

Thi sĩ tìm đến Nàng Thơ, gọi Nàng như gọi một người thân thiết nhất, mong được cảm thông, muốn được san sẻ nỗi buồn: “Nàng Thơ ơi! Nàng Thơ! Ta buồn lắm” (Giục hồn thơ); “Ly tao nương tử ơi! Hỡi Nàng Thơ!” (Tiếng chuông chùa). Nàng Thơ chẳng khác gì một bạn nghèo ở ngoài đời:

“Gió bấc giục về, Nương Tử rét / Bạn nghèo không sắm áo nhung tơ / Sương thu gội mãi trên vai giá / Ta lấy gì đây đắp dáng Thơ” (Nàng Thơ lạnh). Điều đáng quan tâm nhất, có ích nhất là ở chỗ Nàng Thơ là một bạn nghề để thi sĩ cùng Nàng Thơ lựa chọn các màu thơ (“Người phóng đãng”), bởi vì Thế Lữ tin cậy rằng: “Với Nàng Thơ, tôi có đàn muôn điệu / Với Nàng Thơ, tôi có bút muôn màu” (Cây đàn muôn điệu).

Ở đây, cần giải đáp hai câu hỏi khi tiếp cận thơ Thế Lữ, một là: Giữa Nàng Thơ và Nàng Tiên có mối liên hệ gì mà thi sĩ gọi Nàng Thơ là Nàng Tiên, hai là: Nàng Thơ có liên quan gì đến tình yêu nam nữ hay không.

Chúng ta thấy rằng, Nàng Tiên và Nàng Thơ, như đã trình bày, là những nhân vật ảo thể hiện cái đẹp hoàn mỹ trong mơ ước, tưởng tượng, là người tình nghệ thuật lý tưởng trong thế giới sáng tạo của nhà thơ. Riêng Nàng Tiên, nhân vật này thiên về tượng hình vật thể, có mối liên hệ theo chiều ngang đối với con người, bởi vì cũng thuộc thế giới con người, theo một góc nhìn tâm linh - người ở cõi Tiên và người ở cõi trần.

Vì vậy, chung quanh Nàng Tiên thường thường được bao phủ bởi một màn sương mù tình yêu, gần với tình yêu hiểu theo nghĩa đen. Còn Nàng Thơ lại là nguồn cảm hứng sáng tạo, là hình ảnh nhân hóa về thơ ca, thuộc thế giới nghệ thuật, thiên về giá trị thuần túy tinh thần, giá trị phi vật thể (dẫu có lần Thế Lữ tả “khóe miệng trăm duyên” của Nàng Thơ (Ngày xưa còn nhỏ) hoặc ông thương Nàng Thơ lạnh, thì cũng chỉ là cách nói "lệch chuẩn" xảy ra trong chốc lát). Gọi Nàng Thơ là Nàng Tiên chỉ nhằm mục đích mỹ lệ hóa Nàng Thơ mà thôi. Các nàng Thi Tiên, Diễm Tiên, Nhã Tiên trong vở kịch ca - kịch thơ Tục lụy tự nhận Ta là một Nàng Thơ nơi tiên giới cũng vậy.

Như đã nói, Nàng Thơ là người tình nghệ thuật lý tưởng của nam thi sĩ, cho nên trong thơ Thế Lữ, tình yêu đối với Nàng Thơ không có mối liên hệ theo chiều ngang với tình yêu trai gái bình thường.

Đó là một tình yêu đặc biệt, khác thường, cao hơn tất thảy, nhà thơ gọi là tình thiêng: “Nhởn nhơ ngâm họa cùng Nương tử / Một cuộc tình thiêng ở giữa đời” (Ngày xưa còn nhỏ). Có lần, Thế Lữ đã phân biệt tình yêu đối với thơ và tình yêu đối với khách giai nhân: “Những nàng Tiên ấy hay ghen lắm / Chỉ muốn ta yêu có một mình / Mà tấm lòng ta thì phóng lãng” (Lạ gì cái tuổi thuở xuân xanh); “Song le ta biết làm sao được / Vì ở trần gian vẻ lệ kiều / Của khách giai nhân thường vẫn bảo / Yêu thơ đâu phải thực là "Yêu"?” (Ngày xưa còn nhỏ).

Chàng Văn Sinh trong bài thơ “Bóng mây chiều” đã có một Nàng Thơ yểu điệu, nhưng vì Nàng Thơ cũng vẫn chỉ là…thơ, cho nên chàng vẫn phải rủ một cô gái về nhà làm vợ.

Nàng Thơ trong thơ Việt Nam hiện nay

Do hoạt động sáng tạo và quan niệm về thơ có nhiều thay đổi, người đọc cũng không còn bằng lòng với lối cảm, cách nghĩ quen thuộc, mang đậm dấu ấn Thơ Mới nửa đầu thế kỷ trước, cùng một số nguyên nhân khác, từ phía văn hóa, xã hội, giao lưu quốc tế...cho nên những năm vừa qua hình bóng Nàng Thơ không xuất hiện thường xuyên, ít ra là về mặt hiển ngôn.

Song, bằng ngôn ngữ giao tiếp nghệ thuật giữa các tác giả với nhau, giữa tác giả và độc giả, bằng hình tượng đơn lẻ ẩn chìm và trên hết, đặc biệt, là cảm hứng sáng tạo của những chủ thể ngưỡng mộ và say mê Nàng Thơ thì Nàng Thơ vẫn còn đó, với phẩm hạnh và vẻ đẹp mới, phù hợp với đời sống hiện đại.

Phạm Đình Ân (tbvhnt)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TỔ QUỐC TRÊN HẾT
Luong truy cap
20/11
NGÀY NHÀ GIÁO VN 20/11
VÌ MỘT NỀN GIÁO DỤC
NHÂN BẢN - DÂN TỘC - KHAI PHÓNG
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập86
  • Hôm nay14,071
  • Tháng hiện tại183,476
  • Tổng lượt truy cập61,341,891
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây