>> Thành phố tuổi thơ tôi (2)
>> Thành phố tuổi thơ tôi (1)
>> Thành phố tuổi thơ tôi (3)
>> Thành phố tuổi thơ tôi (4)
Tùy bút của nhà thơ Lê Vĩnh Tài
(Tiếp thep số trước)
những ngôi trường ở phố núi...
Thị xã Ban Mê Thuột ngày xưa bé tí, nhưng ngày ấy đã có rất nhiều trường tiểu học, trường cấp II, III (hồi ấy gọi chung là Trung Học). Đặc biệt trường trung học chỉ có ở thị xã, các học sinh ở vùng ven xa Ban Mê hoặc ở các huyện muốn học phải ra thị xã trọ học. Tại thị xã Ban Mê Thuột thường một ngôi Chùa, một nhà Thờ của một giáo xứ hay có một ngôi trường nho nhỏ, vài ba lớp tiểu học, học phí thì tùy theo khả năng. Đó là chưa kể đến những lớp học tư thục nhỏ hơn nữa, thường do những ông giáo già về hưu mở dạy, cấp tiểu học thôi, như trường Rạng Đông ở suối Đốc học.
Trường tiểu học nổi tiếng nhất thị xã lúc đó là trường tiểu học Nguyễn Công Trứ. Trường nằm ở ngả tư Phan Bội Châu và Tôn Thất Thuyết (bây giờ là Lê Hồng Phong). Giữa sân trường có một cây đa cổ thụ cao ngất, mãi sau này mới đổ. Phía sau trường là Đình Lạc Giao. Thời đầu, trường chia ra hai buổi học, sáng là các nam sinh, chiều đến các nữ sinh học và lại được gọi tên riêng là Nữ tiểu học, sau này các bạn nữ mới ra riêng thành trường Bà Triệu. Ngoài ra còn một vài trường nữa, như trường tiểu học Lam Sơn. Trường nằm trên một khu đất rộng nhưng chỉ xây cất nhẹ bằng gỗ, nền xi măng cao hơn mặt đất cả mét, đi lên bằng ba bực cấp. Bây giờ cũng trên khu đất này trường đã được xây lại rất lớn là trường tiểu học Lê Thị Hồng Gấm. Gần đó là Trường Trung Học Bán Công, có lúc là Tỉnh hạt, bây giờ là Trường trung học cơ sở Phạm Hồng Thái.
Trường nữ trung học có tiếng nhất là trường Vinh Sơn do các Sơ đảm trách giảng dạy. Trường nằm trên đường Phan Chu Trinh ngay gần ngã sáu Ban Mê. Trường này chỉ dành riêng cho nữ thôi, giờ là trường Trung học cơ sở Phan Chu Trinh. Nhớ mãi trước và trên mái của ngôi trường này phủ kín hoa pháo đỏ rực rỡ mỗi khi mùa hè về.
Trung Học thì hồi đó có Trung học Nông Lâm Súc (Viện cà phê Ea Kmat bây giờ) cũng có xe đưa rước như học sinh trường La San đồi (Cao Đẳng Sư Phạm bây giờ). Vì trường này cách phố 6, 7 cây số về hướng cây số 5. Ngã tư Quang Trung - Hai Bà Trưng (khu tiệm phở Phú Lâm bây giờ) là nơi đón xe của các anh chị học sinh Trung học Nông Lâm Súc. Các anh chị có đồng phục là áo sơ mi màu nâu. Hình ảnh dung dị của nữ sinh Nông lâm Súc không thướt tha áo dài trắng như nữ sinh các trường: Tổng Hợp, Hưng Đức, Bồ Đề... nơi phố thị, thế nhưng áo nâu mầu đất mang nét trẻ trung và chút "quậy phá" nghịch ngợm, gần gũi thiên nhiên mà các học sinh ở các trường Trung học trong toàn tỉnh Darlac không có. Ngoài trường này, còn một trường hướng nghiệp nữa là trường Trung Học Kỹ Thuật, học sinh của trường mặc đồng phục áo quần màu xanh công nhân, bây giờ trường có tên mới là Cao Đẳng nghề Daklak.
Trường trung học lớn nhất Ban Mê hồi đó là trường Trung học tổng hợp Ban Mê Thuột, nằm trên đường Hùng Vương (nay vẫn ở vị trí cũ và được đổi tên thành trường cấp III Ban Mê Thuột. Trước 75 trường bao gồm cả cấp II, thi đệ thất (lớp 6) vào đây thì xem như bố mẹ nở mày nở mặt). Trường này là trường công có lịch sử lâu đời nhất tại xứ Ban Mê. Gọi là "trung học tổng hợp" vì chương trình giáo dục tổng hợp là một chương trình giáo dục thực tiễn phát sinh từ quan niệm giáo dục của triết gia John Dewy và được James B. Connant hệ thống hóa và đem áp dụng cho các trường trung học Hoa Kỳ. Chương trình này chú trọng đến khía cạnh thực tiễn và hướng nghiệp, đặt nặng vào các môn kinh tế gia đình, kinh doanh, công-kỹ nghệ v.v... nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức thực tiễn, giúp họ có thể mưu sinh sau khi rời trường trung học. Ở từng địa phương, phụ huynh học sinh và các nhà giáo có thể đề nghị những môn học đặc thù có thể đem ứng dụng ở nơi mình sinh sống. Chương trình này được áp dụng đầu tiên tại Trường Trung học Kiểu mẫu Thủ Đức, sau đó mở rộng cho một số trường ở những nơi khác, kể cả trường Trung Học Tổng Hợp Ban Mê Thuột. Mấy mươi năm sau khi lưa chúng tôi vào học, trường vẫn còn xưởng mộc, các phòng thí nghiệm, phòng may thêu...
Trường "Lasan đồi" thì với những chuyến "xe buýt LaSan" đi qua Đại Lộ Thống Nhất với hai hàng cây Sao cổ thụ cao lớn thơ mộng nhất thị xã (giờ là đường Lê Duẩn), ở đó những chiếc lá rụng bay bay vào buổi sớm mai khi giọt sương lung linh còn phảng phất đâu đó…là con đường đẹp nhất với nhiều bóng dáng tà áo học trò đi qua hàng ngày.
Các trường Kỹ Thuật, Nông Lâm Súc, hay Tổng Hợp đều là trường công, lúc đó ngoài trường La San đồi còn có các trung học tư thục như Trường Hưng Đức, trường Bồ Đề. Trường Hưng Đức bây giờ là trường tiểu học Ngô Quyền. Trường Trung Học Bồ Đề nằm cạnh chùa Khải Đoan trên đường Phan Bội Châu, bây giờ là trường Cấp II Phan Bội Châu, cùng nổi tiếng trong bộ ba trường tư tại Ban Mê ngày đó là: La San, Hưng Đức, Bồ Đề.
Cao hơn cấp Trung Học có hai trường Sư Phạm Bổ Túc và Trường Sư Phạm Cao Nguyên. Học ở đây thì mấy anh chị được gọi là Giáo Sinh và khi ra trường dạy cấp 1. Trường Sư Phạm Bổ Túc nằm trên đường đi cây số 3, trước mặt là phi trường L19 cũ, trường Sư Phạm Bổ Túc giờ là trường Sư Phạm Mẫu giáo. Trường Sư Phạm Cao Nguyên (giờ là trường Đại học Tây Nguyên). Trường Sư Phạm Cao Nguyên được người Hà Lan tài trợ xây dựng xong vào khoảng năm 1972, với khuôn viên thoáng đẹp và những mái nhà dốc đứng theo phong cách mái nhà rông của đồng bào dân tộc rất đẹp và dễ thương...
Ngôi trường tôi xin nhắc tên cuối cùng là trường Dục Anh, nơi sau này tôi vào học những năm cấp 2. Không biết sao ở những nơi khác là Dục Thanh (giáo dục thanh niên?) còn ở đây là Dục Anh. Ngôi trường xưa của người Tàu phố núi bỏ công xây dựng, khi tôi đi học vẫn còn ngôi chùa Ông sừng sững giữa sân trường, người ta cúng kính tấp nập với những mâm heo quay đỏ bóng mượt mơ ước của những đứa con nít đói bụng quanh năm thèm cơm nóng trộn tóp mỡ...
(Còn tiếp)
Lê Vĩnh Tài