Thành phố tuổi thơ tôi (4)

Thứ sáu - 24/03/2023 16:05
Mỗi mùa mỗi hoa. Mỗi thời một loài thi sĩ. Tôi ở với Vũ khi ngày còn thơ chỏm, hai đứa đầu trần cháy nắng loe hoe ngày rượu. Gió mưa cũng nhiều trong những trận thơ phú nắng lên mây xuống ấy.
>> Thành phố tuổi thơ tôi (2)
>> Thành phố tuổi thơ tôi (1)

>> Thành phố tuổi thơ tôi (3)

Tùy bút của nhà thơ Lê Vĩnh Tài

(Tiếp thep số trước)


những người bạn văn nghệ ngày xưa...
 
Mỗi mùa mỗi hoa. Mỗi thời một loài thi sĩ. Tôi ở với Vũ khi ngày còn thơ chỏm, hai đứa đầu trần cháy nắng loe hoe ngày rượu. Gió mưa cũng nhiều trong những trận thơ phú nắng lên mây xuống ấy. Tôi và Vũ chết đi sống lại cũng chỉ những bài thơ tình tán gái, ngày mà văn chương Dak Lak còn bao nhiêu mềm mại lụa là. Sông tóc của Buôn Hồ xanh màu xanh dai dẳng của hai thằng thơ kiên nhẫn. Mỗi đêm mỗi xuất khẩu thơ. Bấy giờ được đọc thơ là một niềm hạnh phúc. Nhưng đọc thơ đến chết như Vũ mới quả là một niềm hạnh phúc, thứ hạnh phúc pha phất chút kiêu bạc, giờ ngồi mỗi lần thơ phú ồn ào đèn sáng tivi màn hình phẳng càng thấy chua chát vô lý ngậm ngùi...

Những gốc rạ đồng bằng đã tan vào vùng cao gió đỏ, thi sĩ Bắc Hà đồng bằng ruộng lúa Văn Thảnh đã tan vào biết bao cội rễ Tây Nguyên để thành xum xuê cành lá “rượu và máu chảy trong người rạo rực / rượu và máu dồn lên đôi mắt / dõi tìm nhau không hết nửa nhà dài...” Tôi nói Vũ đừng chết. Vũ biết ngay tôi nói dối, cái ánh mắt chan chứa của người thơ thường thích rượu say dù bạn bè nhiều khi vỡ gan chảy mật. Những ngày tháng vỡ lòng cùng nhau bao nhiêu độ lượng. Một mái tóc ướt cũng thêu hoa dệt mộng, sống thế nào cũng thấy mình chật hẹp, thèm tự do tung một cánh chim trời...

Dài dòng vậy để nhớ, không phải chỉ một thời em gái qua sông, những thằng thi sĩ úp mặt tiếc nuối - mà là một thời cùng nhau xay bột gạo làm bánh phở kiếm ăn, trong nghi ngút hơi nóng ngộp thở ấy vẫn thuộc tên người tên thơ tên sách dù không biết khi nào mới chạm được mặt nhau. Một thời văn chương Dak Lak, mới đây thôi mà đã hoang vắng lắm rồi... Ngày tôi đọc bài thơ “Giấu trong vạt áo đợi ngày nắng lên...” của Trần Văn Hội, “Bây giờ ở Huế mùa thu / cũng đành lá rụng sương mù chưa em / nhặt dùm anh sợi tóc mềm / chút hương hồ cạn ngó sen cuối mùa / Trăm năm như thể trò đùa...” Vũ cứ xuýt xoa vì lầm tưởng thơ của ông “trung ương” nào đó, thứ lục bát từng làm Vũ ngơ ngác. Chỉ mãi sau này mới gặp tác giả, chưa già đã răng cỏ lưa thưa, ngồi nghe anh nói chuyện về những ngày xuống đường không ngủ, mới biết thơ chỉ là cái móng tay trong cuộc đời nhiều cung bậc của người thi sĩ phố huyện này. Cái phố huyện không chỉ nhiều con gái đẹp mà còn nhiều thi sĩ, đứng đắn đàng hoàng như Hoàng Nam hay ngật ngưỡng như hơi rượu Nguyễn Phi Trinh cũng làm những thằng làm thơ trẻ con như tôi và Vũ học thuộc lòng. Đây là thơ tình của Hoàng Nam những năm tháng chúng tôi còn là những học trò “Dưới gốc cây bàng chúng mình đuổi bắt nhau / Tuổi thơ ơi sao hồn nhiên đến vậy... Ta đã lớn lên theo những tháng năm dài / Ơi gốc cây bàng trở thành nơi hò hẹn / Cũng là nơi chia tay nhau lưu luyến / Dưới gốc bàng đã kịp nói gì đâu...” Hoàng Nam một đời nho sĩ, chỉ nho sĩ mới làm thơ như tháp bút viết lên trời xanh, một đời không dối lòng mình. Khi tình đã cạn, quyết không viết những lời, dù là thơ tình giả danh đãi bôi cơm áo. Nhà thơ thầy giáo ấy lúc nào gặp chúng tôi cũng cười rụt rè như con gái, bẽn lẽn như mặt trăng trong thơ Hàn nhưng cũng lạnh lẽo sao băng với bao nhiêu trò nhăng nhố mà không ít người làm thơ tỉnh lẻ chưa bao giờ vượt qua nổi.

Cái hoang tàn ấy vắt đi của chúng tôi bao nhiêu là câu thơ kém nội lực, bao nhiêu ê a nhà quê mà không mấy đứa thoát khỏi với một đám rung động đầu đời... Nhưng mà không rượu thì không thể gặp được Nguyễn Phi Trinh, cũng ông thầy giáo dạy văn hay như chim hót ấy từng giữa đêm đập cửa leo rào vào nhà bạn bè, không say không thôi. Như là không say thì hai con sư tử đá trước cổng trường Quốc Học tuổi thơ của ông không thể rơi nước mắt, không say thì tiếng vó ngựa của thơ ông không thể dập dồn. “Vút con ngựa ngựa ô / Lục lạc reo vang vó gõ nền dồn dập / thời thơ ấu bố phi bằng tưởng tượng / bố phi...” Vẫn biết học lễ rồi mới học văn, nhưng ông thầy giáo Nguyễn này nhiều khi phi những cú nước đại, dù chỉ là con ngựa gỗ tưởng tượng trong giấc mơ tráng sĩ tiền chiến, cái cốt cách bặm trợn mà vẫn hương khói thánh hiền. Mỗi lần ông “em ơi buồn mà chi...” rưng rưng như khóc, thật chúng tôi chẳng biết mang sông Đuống vào đâu. Bài thơ “Mỗi khi chiều kéo ánh sáng vào đêm” là tôi viết ở nhà ông thầy giáo thi sĩ này, khi cùng ông ngồi chờ ánh nắng tụt dần trên một ngọn cây để hòa vào bóng tối. Bữa ấy ông viết cho tôi mấy chữ đại tự lên tờ giấy hoa thơm như tóc Phượng, lục lọi tìm lại mấy quyển Bùi Giáng mà ngày ấy quý như vàng. Tờ giấy của Phi Trinh đã phi vào quá khứ, nhưng nét chữ như nét roi ấy vẫn còn quất vào tôi nhưng cú đau điếng của thơ phú oan khiên, sau này nhiều khi chắp tay vẫn không thoát tội. Mà cần gì phải sau này, bài thơ tình về một người con gái không khép cửa buồng khi có anh chàng thập thò ngoài cửa của nhà thơ Văn Thảnh đã hứng chịu những đòn roi cười ra nước mắt. Quả trứng không nở của Văn Thanh đã đành, cà bài thơ “Nhiều lúc thương mẹ con thèm một ổ bánh mì” của Uông Ngọc Dậu cũng thành cuộc họp. “Bố cuốc đất trồng rau bên cạnh vệ đường / Mong đủ ngọn ngắt ngày hai bữa / Báo thì nói trẻ con cần thịt sữa / Con đi trẻ rau dền về nhà gặp rau khoai...”

Những nhà thơ ngày ấy, họ là ai trong những ngày tháng thơ ca đang thành một thứ trang sức này? Họ là ai trong lúc phố núi đang bước những bước vũ bão lên thành phố loại một, bỏ lại một thị xã vùng cao ngày nào ngơ ngác sương sớm nhà gỗ mây bay? Hay vẫn buồn như phận người chậu cảnh của thi sĩ Đặng Bá Tiến “Người vui ngắm có hay lòng tôi lạnh / hai trăm năm cô độc giữa chậu sành...” Ông vừa mới trải lòng mình với cỏ, qua những lời thưa với mẹ, với vợ, với con, với bạn bè... những câu thơ không có “đề tài”, với gần một trăm trang in, thật buồn và sang trọng.

Chúng tôi rùng mình. Hay là chỉ một mình tôi? Vũ bây giờ đã như sương như khói. Đã chập chờn sắc trắng của buổi mai cô độc. Dài ngắn tùy theo ký ức, nhưng nỗi đau của những người thơ với thiên hạ bạc như quét vôi lên vách, vẫn thường hay quay lại. Dù đã có những giải thưởng vinh danh, thơ vẫn không hết những ngùi ngùi... Như ta vẫn thường như thế khi ngang qua nền nhà cũ, phố vẫn hoang vu lúc Vũ mang theo rất nhiều bài thơ của Dak Lak đi hoang. Mãi mãi. Một nỗi đau câm. “Em nâng nhành trúc trên tay / mênh mang là thế sao giờ nhẹ tênh.. Đêm kỳ diệu bởi màu hoa / không gian rực rỡ như là cho em...” Nhà thơ Đồng Xuân Lan đã nhận giải thưởng gì cho những câu thơ những ngày của riêng ông và Dak Lak? Nhà thơ Lê Viết Tường tìm được những vinh danh gì ở những chân trời trong bài trường ca in nửa trang báo, trong những câu thơ những ngày mưa lũ cao nguyên mờ mịt? “Chút xao xuyến trách hờn cơn mưa chiều phố núi / sao chẳng chờ mình dăm phút nữa mưa ơi...” Ai đã là những cột những vách và ai vẫn làm ô cửa cho căn nhà dài của thơ Daklak mở ra? Đoàn Nam hay Hoàng Nam, cái tên thôi mà bây giờ đầy những "nhà thơ" còn lầm lẫn thì thơ phú còn biết thế nào…

Ký ức tôi vang động, như đã khảm vào não những ngày chép thơ vào vở. Chữ có thẳng thì lòng mới ngay. Cấm uốn éo. Những người thơ giờ đã thành ma thì vẫn cốt cách là thầy, đã dạy tôi những ngày vỡ lòng trong vô hạn tam tự niệm câu kinh. Giới hạn của khả năng con người là thế, chỉ những lòng tham u mê sân si mới vô hạn, mới làm hoen ố cõi tiêu dao này. Những câu thơ của những ngày gian khó, làm thơ như một nghĩa cử của cuộc đời. Những tài hoa một thời của một vùng đất đỏ đã thành mây gió... Chúng tôi đã cần mẫn chép từ một thứ giấy đen mờ lên một thứ giấy còn đen mờ hơn, sần sùi những vỏ trấu để ước mộng ngày mai, cái ngày thật đẹp mà thơ Dak Lak có không chỉ một ai mà cả một thế hệ bước ra khỏi ô cửa nhà dài, tung bụi mù ẩn dụ diễu nhại cắt dán hậu hiện đại lên khắp nơi như vó ngựa của Phi, của Như, của những thi sĩ làm thơ với ánh mắt nhìn thẳng. Như Vũ. Một đời với những bài thơ hát ca âu yếm, tưởng như trò chơi mà giữ danh dự như giữ những kỷ niệm tuổi thơ về một Hà nội hào hoa mà đành lưu lạc. Đã bay lượn khắp kinh kỳ rồi về hẻm núi mà ngồi nhớ về những Hồ Tây Lãng Bạc Dâm Đàm sương khói ước mơ. Ôi chao những trận say váng vất cắm đầu, tưởng có thể rơi một mạch từ câu thơ hoang tưởng lạc vào những háo danh tầm thường thảm hại, những thi sĩ tự khoe tự quảng cáo tự làm tất cả, chỉ không bao giờ tự làm thơ... May vẫn còn cái ánh mắt nhìn thẳng ấy của Vũ.

Tôi vẽ chân dung Vũ lên bìa sách. Vẽ từng lọn tóc, vẽ từng sợi, như chải tóc cho Vũ. Rộn rã đủ thứ phường tuồng mà Vũ vẫn nghiêm trang. Thôi đi Vũ, tôi phải can Vũ vì chưa bao giờ tôi thấy Vũ giận đến như vậy, giận dữ ném những câu thơ vào mắt nhìn như lửa. Có phải vậy không mà bây giờ người ta vẫn rùng mình vì những câu thơ vô ích? Ôi chao là thừa giấy vẽ voi. Lại nhớ những nét roi của Phi Trinh. Như ngày xưa viết bút lông lên lá chuối mà thành lời sắc như dao kiếm. Của Vũ của Thúy của Hội của Tường của Dậu của Tiến của Đồng Xuân Lan... Những ngày tháng đã xa như cổ tích / mơ ước trên cao và mây trắng quanh mình / những góc phố suốt đêm đi như gió / lạnh đến chừng rượu cũng căm căm... Xa như những hơi rượu tức hờn vô lý của lão thi sĩ Văn Thanh. Tôi muốn hét to vào đêm vắng, Vũ ra dấu im lặng rồi thừ ra rót rượu cho tôi. Dù thế nào thì cứ viết. Viết thôi, bạn ạ. Không viết thì Vũ không chơi với nữa đâu....

Bao nhiêu năm rồi mà ngồi mà nhớ. Những tuổi tên của thơ Dak Lak trôi đi như gió trên mặt hồ. Chúng ta đã thức cùng nhau bao nhiêu đêm, cãi nhau ai là người có công, ai là người có tội. Ai là người tâm huyết ai là người... mà thôi, miễn là không một giọt mực thừa. Những hát ca như chim sáo ấy cũng vẫn có quyền mơ một lần mơ Văn Miếu kia mà. Những câu thơ ra khỏi trí nhớ trong một ngày mưa, thành một vệt rêu ẩm xanh rì thì vẫn là tồn tại. Chỉ có điều ướt mưa, sợ chữ nhòe đi người sau không đọc rõ thì cũng phải tô lại như nét ban đầu. Cũng phải còn vết tích để nhìn vào, rồi ra sau này cũng còn nhiều vinh danh hay xét giải. Một vạt áo thâm giữa bao nhiêu lụa là áo gấm sơ khảo chung khảo, sự điềm đạm của Mai Niê của Trinh của Dậu rồi sẽ còn bao tiếc nuối của những gió bụi phù hoa.

Vũ chắc không quay lại nữa. Sự ghé mắt liếc qua làm sao đọc được những chữ đã nhòe. Vũ gánh tập thơ “Chợt đến rồi đi” của mình đi qua những dãy phố đã kín cửa. Lòng người đã bể dâu. Cả cái gánh phở một ngày của Vũ giờ đã tanh tao nên đã va vất dáng bay của những con ruồi. Đôi mắt tròn đỏ của chúng nhìn chúng tôi trừng trừng. Sách xưa nào chả chép về những chuyện hoạn quan giữa chốn triều đình. Thơ không bao giờ là số đông. Những nhà thơ không bao giờ của số đông ở Dak Lak đã tản vào mây gió. Đã vui đã buồn đã hát đã khóc. Và đã làm thơ. “cái thị trấn phi lý này / đã từng có những thần dân tận trung báo quốc / đã từng có những thi sĩ / hoang tưởng nghĩ rằng mình có thể tạo ra lịch sử / chỉ bằng những con chữ / mà thôi...”

Rồi mọi thứ vụt qua như gió...

1.

ngày tụi mình ngồi với nhau, Vũ ơi có người con gái
lặng lẽ leo lên leo mãi lên những ngón tay
gảy những tổ khúc muộn phiền
vào chiếc ly của đêm toàn nước
đất nước ơi, lớn lên!
ngày… tháng… năm nào Vũ đi xa
một vỏ chai lăn bên khung cửa sổ
ai đã cắm vào đó bông hoa như giấc mơ
một giấc mơ tro bụi
tro bụi đã bay lên bay mãi phủ lên
người con gái để tang
ngực áo còn trễ nải
nàng phải rơi xuống
từng hạt nhỏ long lanh như nước
trên ngón tay không đỏ không vàng
máu phơ phất oan hồn tinh khiết
vòng quanh đêm những mảnh vụn ánh sáng
làm đau mắt của mẹ
giống như mẹ không phải rơi xuống
mà dòng suối
vấp phải đá ngầm đau đớn
không phải cỏ dại
mẹ quờ tay trong đêm
không phải cánh cửa
mẹ bật tung lao vào đêm tối

2.

bay vào thế giới
không nhìn ly rượu hàng ngày người con gái ngang qua nhăn mặt
như chiếc gai dẫm lên trái tim người
này Vũ,
hạnh phúc từng ngụm nhỏ
nó lâu hơn cuộc sống của chúng ta
chúng ta không chạy đuổi nó
chỉ thỉnh thoảng Vũ ném nó lên mặt nước tạo những vòng tròn
không có hình thù
như một phán quyết
khi mọi người lên án chúng ta
chúng ta nhặt những mảnh vỡ này
mở mắt biết mình đang sống
tháng ngày bám gót như tên cơ hội
vùng vẫy cũng chỉ vũng lầy, làm người chèo đò
ngạt thở với mái chèo đã gẫy
xung quanh toàn người
lúc nào cũng nghe ngóng, câm nín và dẫm đạp
làm đôi khi mắt chảy máu
giống như không phải rơi xuống
mà hơi nóng mù lòa
không phải tan chảy
vết phỏng bây giờ rộp da
một khối u làm ta hèn nhát
không dám tin cái chết nảy mầm
qua một lỗ thủng như ổ gà trên mặt đường PMU18
những ngôi chùa và những đứa trẻ
mọc ra như nấm sau mưa
xoè hai bàn tay
hỡi trời, chúng đã thấy
vết phỏng lại vết phỏng
ung nhọt lại ung nhọt
trên cơn sốt bỏng da
thèm bàn tay làm tuyết
sờ lên trán chiếc lá
dấu hiệu của nước (hay là máu) đã đầy chiếc ly đêm ấy
sẽ có một ánh mắt
nhìn Vũ màu bầy quạ
mũi tên muộn màng, gió từ đâu? không phải từ bầu trời
cuộc đời đang phóng ra tiếng rít

3.

không cần phải bay
chúng ta không muốn làm chim trời mà cần giải thoát
cần bỏ trốn
cái chết không sao đuổi kịp
chúng ta vụn vỡ khi vị linh mục bẻ bánh thánh
ngày Vũ cưới vợ
(mãi không sao yêu được
người đàn bà hàng ngày băm thịt sau quầy phở
sau đó cuốn lại
một nắm tay trẻ thơ
xoe tròn ngơ ngác
từ chất liệu không là gì của Vũ)
vẫn còn run rẩy
vẫn chưa phủ lên gai trong bụi cỏ
chén rượu San-lùng bay về như chim chóc
rốt cuộc chúng ta cạn khô chiếc bình vỡ
tình yêu của Vũ như đoá hoa đặt trên áo quan không quá nặng
vùi nhẹ tênh trong nấm mộ này

4.

ai nói về cỏ xanh ai xanh màu lo lắng
cái chết sinh ra không phải lãng quên
tụng niệm ngày ngày nến trắng
ngày ngày chuông chiều
lạm phát tiếng khóc
cái chết từ sự sống sinh ra
nỗi vui an táng
khi chúng ta loay hoay những bức tượng vàng
đúc ảo tưởng bán thân hay nguyên khối
quên rằng chúng ta nghèo mạt
trẻ con tã rách
quên rằng trên cát khô cằn xương rồng vẫn nở hoa
bất kể đôi môi nào cúi xuống
chiếc ly đầy nước của đêm
đất nước ơi, ngày hôm qua…
ngày hôm qua dấu chân đưa ta đến con đường
trang hoàng phì nhiêu nhận thức
chúng ta lớn lên dòng sông trôi mãi
nước chắt chiu rửa ráy đời mình
Vũ nhớ không đôi khi tụi mình sống thật buồn
tiếng cười châm biếm làm chúng ta cay mắt
nhìn đời qua cặp kính hỏng
đi qua cuộc đời trên đôi giày há mõm
nhìn thấu lòng nhau hợm hĩnh
và chúng ta đập vỡ cả nhau
sau này trong đất ẩm
Vũ thành chùm rễ sâu nuôi dưỡng cái chết
hát bài ca hơn cả nụ môi khô
hát bài ca màu xanh của cỏ
màu xanh phát chán vì phải đóng vai bất tử
nhờ vôi vữa xi măng
hát bài ca thời gian trở lại
lầm lẫn giả dối thành thói quen vô thức
lầm lẫn giả dối thành thói quen đau nhức
báo cáo thành tích cả khi đã chết
5.
rồi sớm mai im lặng sương mù
chúng ta thức dậy tiếng cọt kẹt tay quay giếng nước
rửa mặt bằng những giọt mồ hôi
biết mình đang sống
sau mấy mươi năm đời người nặng nhọc
Vũ đã thở những gì?
mầy triệu lần sương khói
khi mùa đông em quấn khăn im lặng
những triết thuyết cay đắng
không ai tắm hai lần…
những sách vở ta nhìn thẳng mặt
năm tháng phi nhân đói rách màu vàng
điều gì em đã biết?
ta phải chọn cách nào để nói dối
năm tháng trơn môi
không dám nhìn hàng mi em khóc nhiều màu đỏ
ở đó ẩn giấu sự khốn nạn
thằng đàn ông hoang đàng ảo tưởng còm cõi
tụng ca cuộc sống
dù vẫn biết không có chỗ cho kẻ ngoài cuộc
tội nghiệp đứa trẻ thuộc bài
thì thầm bóng tối
nói thật là một tội
Vũ không nói một lời
chỉ ngồi nghe bằng cách riêng của Vũ
một kiểu ngồi của rượu giờ không ai ngồi nữa
ngồi thì thầm kề bên hùng biện
thời cuộc lắp bắp lắp bắp
lắp bắp lắp bắp
lắp bắn lắp bắn
lắp bắn lắp bắn
lắp bắn lắp bắn
ôi chao há mỏ chim non
trái tim rạch những vết máu
càng ngày nói càng hay hơn
đêm rót đầy ly nước, nước ơi
đặt lên bàn khi đã khan giọng nói
những diễn giả vô ích chiếc kim giây đồng hồ
vang dội chiếc kim lồng ngực mình đang vỡ
đừng tìm môi trong môi
chỉ nước rơi trong mắt
chảy thương nhớ lên trời
nước ơi luân hồi sinh ra từ giấc ngủ
Vũ nghĩ gì khi cựa quậy trong áo quan
đứa trẻ bắt đầu cựa quậy trong tử cung
nước cựa quậy trong giấc mơ
người đàn bà là áo quan của đứa trẻ
ngộp thở
đêm tối là giấc mộng
ngày đầu tiên sự sống gặp nhau
trong cơn mưa và rượu
cà hai cùng nhanh quá
cùng mệt lả
lúc ấy hình như 3 giờ sáng
3 chìm
9 lênh đênh
lênh đênh đang cưỡi lên số phận
không còn hy vọng gì
cái thứ đùng đục giống như mãng cầu xay không ngừng đổ vào
ly của đêm đầy ắp đại tiệc
gõ lên cánh cửa mệt mỏi
Vũ đã cố gắng ngủ
không còn hy vọng gì
cuộc đời này xanh xao màu xám
pha hai màu trắng và đen
như lá cờ màu cam
pha hai màu vàng đỏ
sự sống pha vào cái chết
Vũ mơ được nhiều không?
người chết không còn giấc mộng
người chết không còn yêu
Vũ yêu được nhiều không?
Vũ yêu được nhiều
Vũ yêu được
Vũ yêu
Vũ...

Lê Vĩnh Tài
(Còn nữa)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

CM tháng 8 và QK 2/9
79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8
& QUỐC KHÁNH 2/9
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
Luong truy cap
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập200
  • Hôm nay32,164
  • Tháng hiện tại425,120
  • Tổng lượt truy cập59,322,773
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây