Quả là thơ hay cũng như người đẹp, thường có số phận éo le. Bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng là một trường hợp như vậy.
Tác giả Nguyễn Phước Hải Trung căn cứ vào bài thơ viết tay của nhà thơ Quang Dũng chép tặng nhà thơ Hải Bằng, để rồi bàn về 3 điểm trong văn bản: “cọp trêu ngươi” (không phải “cọp trêu người”), “thơm nếp sôi” (không phải “thơm nếp xôi”), và “dáng Kiều thơm” (không phải “dáng kiều thơm”); theo đó là một số diễn giải cùng với đề nghị các nhà soạn SGK có thể “đính chính” lại…
Trước hết xin bày tỏ sự trân trọng của tôi về những suy nghĩ và cách đặt vấn đề của tác giả bài báo. Tuy nhiên, do tác giả không có tư liệu cần và đủ trong tay, nên việc nêu và diễn giải vấn đề dễ đưa lại những cách hiểu khác (so với lâu nay) không mấy cần thiết.
Nay xin có đôi lời trao đổi ngắn gọn mấy chỗ tồn nghi trong văn bản mà tác giả bài báo đặt ra như sau:
1. Theo nhà thơ Trần Lê Văn, bạn thân của nhà thơ Quang Dũng, tác giả bài “Nghĩ về thơ bạn”, in trong tập thơ “Mây đầu ô” (Nxb Tác phẩm mới, 1986), trong đó có bài “Tây Tiến” ( tr.96), cho biết vào thời điểm dựng bản thảo “Mây đầu ô”, tình trạng sức khỏe của nhà thơ Quang Dũng vẫn chưa đến nỗi nào: “Bây giờ tuy anh mệt, anh vẫn rất mừng mỗi khi anh chị em làm công tác văn học đến thăm nom và đem lại cho anh chút không khí hoạt động của đời, hoạt động của thơ. Anh vẫn hy vọng làm lại sức khỏe và tiếp tục sáng tác”. Dưới bài viết này có ghi “7-10-1985”. Tiếp nữa, theo như thông tin trong “Lời giới thiệu” cũng của Trần Lê Văn viết cho cuốn “Quang Dũng-Tác phẩm tuyển chọn” (Nxb Văn học, 1988), dưới bài có ghi thời gian hoàn thành bài viết: “Tháng 10 năm 1987” thì đến lúc này nhà thơ Quang Dũng mới yếu hẳn, không nói được nữa. Điều này cho thấy, trong quá trình dựng bản thảo tập thơ vào thời gian mấy năm 1985-1986, lúc đó nhà thơ đang còn đủ sức khỏe, chắc chắn các ông có bàn bạc với nhau, và đã được nhà thơ Quang Dũng chuẩn định.
Có một chi tiết trong bài viết của nhà thơ Vân Long, người cũng là chỗ bạn văn thân tình của nhà thơ Quang Dũng kể lại chuyện: khi đó trong những sổ tay ghi chép của nhà thơ Quang Dũng thấy bài thơ “Dặm về”, có ghi chú dòng “không tác giả”. Lúc ấy cũng như nhà thơ Quang Dũng, chưa ai biết tác giả bài thơ đó là của Nguyễn Đình Tiên. Khi Vân Long đến thăm Quang Dũng, nói về bài thơ này, chứng kiến nhà thơ Quang Dũng đã “lắc đầu kiên quyết trên giường bệnh khi ông không đồng ý đưa bài này vào tập “Mây đầu ô” sắp đưa in” (Trong bài “Nhà thơ Quang Dũng, bóng mây qua đỉnh Việt”, in trong “Nhà thơ Quang Dũng-Người mang trong trắng đi tìm thanh cao” (Nxb Kim Đồng, 2020). Điều này thể hiện không chỉ là thái độ rành mạch, đàng hoàng của nhà thơ, mà còn cho thấy nhà thơ vẫn còn đủ sức khỏe và sự minh mẫn để kiểm soát tốt bản thảo của mình.
Như vậy, có thể khẳng định rằng bài thơ “Tây Tiến” in trong tập “Mây đầu ô” (sđd), mà sau đó các Tuyển tập, Sách giáo khoa… đều in theo, nên được coi là bản chuẩn. Với cách làm việc cẩn trọng của tác giả Trần Lê Văn, cùng với ý kiến của nhà thơ Vân Long, khiến chúng ta tin đó là văn bản cuối cùng chuẩn mực. Trong trường hợp này, chỉ số niềm tin trở thành một giá trị để giúp chúng ta khẳng định điều đó.
Đoạn bút tích bài thơ của Quang Dũng được chị Bùi Phương Thảo cung cấp
2. Tôi đã được chị Bủi Thảo Phương, con gái út của nhà thơ cung cấp một bút tích khác, đó là một phần bài thơ “Tiết sôi mới trên đường khai hoang”, ở nhan đề này có một chữ “sôi”. Thực ra chữ “sôi” này chính là chữ “xôi”, nghĩa là tiết/tết xôi mới/cơm mới (trong một số di bút khác của nhà thơ cũng thấy lặp lại chữ này). Thì ra nhà thơ có thói quen viết chữ “xôi” như vậy. Đây là một bằng chứng để khẳng định cụm từ “thơm nếp sôi” trong bài “Tây Tiến” chẳng qua là “thơm nếp xôi”.
Trong bút tích bài thơ “Tây Tiến” của tác giả bài báo cung cấp, nhà thơ đều viết theo thói quen riêng: “Tây tiến”, “Fa luông”, “rãi rầu”, “Nàng e ấp” (theo quy tắc chính tả hiện nay phải là: Tây Tiến, Pha Luông, dãi dầu, nàng e ấp); hoặc những chữ bắt đầu với các chữ cái K, X đều được nhà thơ viết thành chữ in hoa hết; sau này đưa vào bản in đã được chỉnh sửa theo quy tắc chính tả chung.
Cũng xin nói thêm, chị Bùi Phương Thảo còn cung cấp cho tôi một số đoạn trong các di cảo viết tay khác, thì thấy nhà thơ Quang Dũng viết các chữ bắt đầu bằng chữ cái K đều viết in hoa như vậy.
3. Tôi muốn nói thêm một điều nữa: thường phần đông cánh văn nghệ sĩ khi viết/chép bản thảo ít chú trọng vào chữ (chính tả), nhất là đôi khi trong cơn cảm hứng cụ thể nào đó, hay viết theo thói quen nên sai chữ, sai chính tả, thiếu dấu cũng là chuyện dễ hiểu. Cách viết phóng bút như vậy được các cụ gọi là cách viết tháu; với hàm nghĩa không được cẩn thận cho lắm.
Thêm nữa, theo như hồi ức của các nhà thơ Trần Lê Văn, Vân Long, của người thân trong gia đình Quang Dũng, tất cả đều kể lại Quang Dũng là người “vô tâm”, chơi rộng, dễ tính, làm bài thơ xong thường hay tặng ai đó luôn, hoặc chép tặng trong sổ tay của ai đó, chứ không có ý thức lưu giữ cẩn thận (thế nên Trần Lê Văn mới kể khi làm bản thảo tập “Mây đầu ô” phải vất vả như thể “người ta sưu tầm tác phẩm đã thất tán của một tác giả đời xưa”); rồi có khi ai xin, nhà thơ lại chép tặng bài thơ mà họ thích. Cho nên, một số bài thơ, hoặc cùng một bài thơ của Quang Dũng có khi có nhiều bút tích vẫn đang còn thất tán đâu đó trong những người yêu thơ ông. Cứ theo đà này, hễ ai gặp bút tích bài thơ nào của ông cũng lại cho rằng bản của mình mới là chuẩn mực, thì câu chuyện sẽ dễ bị đẩy đi rất xa, không có hồi kết.
Tuy nhiên, những chỗ “văn bản có vấn đề” ở một bài thơ bình thường của một nhà thơ bình thường thì chẳng ai để ý, nhưng đằng này lại là “Tây Tiến” của Quang Dũng, cả bài thơ và người thơ đều quá nổi tiếng…Vậy cũng nên xem những băn khoăn về văn bản khi thấy tư liệu mới/khác của tác giả Nguyễn Phước Bảo Trung là chuyện thường tình và dễ được cảm thông.
Còn riêng các nhà làm SGK và các thầy/cô hãy yên tâm rằng bản “Tây Tiến” hiện hành đang được sử dụng vẫn cứ được coi là bản chuẩn mực nhất.
Ngày 25.5.2021
VĂN GIÁ