Nhà văn Lê Lựu: Đi một mình trên đường

Thứ năm - 31/08/2023 03:00
Lúc nào tôi cũng thấy Lê Lựu đi một mình trên con đường của cuộc đời. Đấy là cảm giác luôn có ở trong tôi. Nhiều lúc, Lê Lựu được bao vây bởi đám đông của bạn đọc và bạn văn. Nhưng gương mặt ông, ánh mắt ông vẫn xa xôi ở một nơi chốn nào đó. Và khi đọc Thời Xa Vắng, tôi càng thấy hình ảnh ấy rõ hơn bao giờ hết.
Năm ngoái, Ban biên tập sách chuyên đề Viết & Đọc của Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã chuẩn bị mọi lý do và điều kiện để ra thông báo về một giải thưởng mang tên Giải thưởng văn học Viết & Đọc. Giải thưởng này nhằm trao cho tác phẩm của các nhà văn hiện còn sống mà khi tác phẩm ấy ra đời đã làm thay đổi thi pháp thể loại và có tác động quan trọng vào đời sống văn học Việt Nam. Tất cả chúng tôi đã thử bỏ phiếu đề cử cho tác phẩm đầu tiên của giải thưởng này. Kết quả là 100% phiếu bầu cho Thời Xa Vắng của Lê Lựu.
 
Chúng tôi chọn Thời Xa Vắng với một lý do quan trọng nhất mà tiểu thuyết này đã chạm đến một chân lý: con người chỉ đáng sống và tìm được giá trị sống khi họ sống chính là họ chứ không phải sống với những thứ của người khác.

Giang Minh Sài hay nói cách khác là Lê Lựu đã vật vã và cô đơn trên con đường đi tìm chính mình. Từ khi Giang Minh Sài còn là một cậu bé, một chàng thanh niên cho tới khi trở thành một người lính và một người đàn ông thực thụ với muôn vàn biến cố trong cuộc đời mình thì ông vẫn chỉ một mình đi trên con đường của cuộc đời. Một mình ông gánh chịu những hoang mang, những sợ hãi, những nổi loạn, một mình ông chống lại tất cả những thứ đó và chống lại những gì mang tên ông mà không phải là ông.

Lê Lựu là nhà văn Việt Nam đầu tiên đến Mỹ sau khi chiến tranh kết thúc. Ông một mình lên đường đi đến đất nước của kẻ thù. Ông đến đó và cô độc giữa một thế giới mà ông hầu như không hiểu gì từ những món ăn, phương tiện sống đến ngôn ngữ và văn hóa khác biệt của người Mỹ và một mình chống chọi với sự hận thù lúc đó vẫn còn ngập tràn xung quanh. Ở giữa đất nước văn minh nhất thế giới, Lê Lựu hiện ra như một hình ảnh dị biệt. Ông giống như một văn bản đối ngược với các loại văn bản của đời sống hiện đại ngập tràn chủ nghĩa thực dụng. Giữa nước Mỹ hiện đại và văn minh, ông hiện ra là một người nông dân thực sự và cũng là một nhà thông thái đến kinh ngạc. Sau này, những người Mỹ ở Trung tâm William Joiner, nơi đã mời Lê Lựu đến Mỹ và dẫn ông đi tới nhiều nơi của nước Mỹ và gặp gỡ nhiều tầng lớp của xã hội Mỹ đã nói với tôi: chính vì Lê Lựu xuất hiện đầu tiên mà Trung tâm William Joiner quyết định mở rộng quan hệ với các nhà văn Vệt Nam. Vì Lê Lựu đã quyến rũ họ một cách kỳ lạ bởi cách sống của ông, bởi những câu chuyện khác biệt của ông và bởi sự chân thành tận đáy của ông. Nhà thơ Kevin Bowen, Giám đốc Trung tâm William Joiner, người đã làm tất cả để đưa Lê Lựu đến Mỹ khi quan hệ Việt – Mỹ còn quá nhiều băng giá, đã nói với tôi: sự chân thành của Lê Lựu đã thách thức mọi quan điểm thù hận, mọi thái độ kinh miệt của một số người Mỹ và làm cho họ cảm thấy xấu hổ.

Lê Lựu là nhà ngoại giao đầu tiên của Việt Nam tới Mỹ sau chiến tranh và đã thuyết phục được người Mỹ phải nghĩ lại về kẻ thù của họ với một thái độ nghiêm túc nhất. Lê Lựu chính là người đặt viên gạch đầu tiên để xây nhịp cầu quan hệ Việt – Mỹ sau chiến tranh. Lê Lựu là cái tên riêng của một đất nước có tên Việt Nam đầu tiên vang lên trong mọi cuộc trò chuyện của những trí thức, nhà văn cựu binh Mỹ những ngày đó ở Boston. Cái tên Lê Lựu vang lên trong thái độ kính trọng và ấm áp của những người Mỹ kẻ thù. Sau này, mọi chuyến đi của tôi đến Mỹ ở đâu người ta cũng hỏi, cũng nói về Lê lựu. Lê Lựu là một tảng đá xù xì không một dấu vết chế tác nhưng chứa bên trong một viên ngọc.

Tôi đã có may mắn đi cùng Lê Lựu trong một chuyến đi của ông tới Mỹ. Trong chuyến đi ấy, ông mang theo một chiếc túi đựng 20 chiếc bánh bao. Ông nói đồ ăn ở sân bay rất đắt nên mang bánh bao để ăn. Giữa một sân bay quốc tế rộng lớn, đẹp đẽ và hiện đại, Lê Lựu ngồi mở túi bánh bao của mình bọc trong những mảnh lá chuối và giấy báo để ăn. Tôi ngồi nhìn ông và thấy ông hiện ra khác biệt và dị biệt trong cái thế giới hiện đại ấy. Ông ngồi lặng lẽ và bình thản ăn bánh bao giữa hàng ngàn lượt người với quần áo, trang sức, túi sách, vali… đẹp qua lại. Ngày ấy tôi chưa có điện thoại thông minh như bây giờ. Nếu không tôi sẽ chụp được, quay được cảnh ông ngồi ăn bánh bao giữa một thế giới náo nhiệt và xa lạ thì chúng ta mới hình dung được hình ảnh Lê Lựu kỳ lạ và xúc động đến như thế nào. Một hình ảnh vừa thương cảm, vừa khác biệt và cô đơn. Không ai quanh ông có thể bước vào cái không gian của ông và ông cũng không có nhu cầu bước vào không gian của bất cứ ai quanh mình. Ông không có nhu cầu phải giống ai trong suốt cuộc đời mình. Ông không thể sống khác và ông không muốn sống khác. Ông đang sống như chính ông và ông tìm thấy hạnh phúc trong không gian đơn độc ấy và trên con đường đơn độc ấy. Trong lúc chờ đến chuyến bay quá cảnh tiếp theo, ông trải mấy tờ báo mang theo vào sát mép tường trong khu quá cảnh và nằm xuống ngủ. Tôi thấy hình ảnh ấy giống hình ảnh của những người nông dân ngả mình trên cỏ dưới gốc cây cuối làng nằm ngủ.

Tôi đã lại gần nhìn gương mặt ông lúc ấy. Một gương mặt đang chìm vào giấc ngủ vừa mệt mỏi vừa thanh thản, vừa tội nghiệp vừa kiêu hãnh. Ông nằm ngủ tự nhiên và không hề quan tâm đến thế giới quanh ông quan sát ông thế nào, nghĩ về ông thế nào. Ông đang được sống đúng như ông và đấy cũng là một nguyên nhân đẩy ông ra khói đám đông cho dù đám đông ấy hào hoa, lịch lãm thế nào. Những ngày sống ở Mỹ, ông thèm món giả cầy. Thế là ông tìm cách làm món mẻ chua để nấu món giả cầy. Nhưng ông thất bại. Sau một tuần chúng tôi đi đến một bang khác của nước Mỹ trở về thì cơm vẫn không thành mẻ. Những hạt cơm vẫn trơ trơ. Sau này chúng tôi mới biết khí hậu và nước dùng của Mỹ đã không giúp những hạt cơm lên men được.

Khi còn sống, Lê Lựu được nghe không ít những câu chuyện về lối sống dị biệt của ông như chuyện ông ăn, ông mặc, chuyện ông học ngoại ngữ…nhưng tất cả những câu chuyện ‘’tiếu lâm” ấy chẳng hề tác động đến ông. Ông không thay đổi chút gì hình thức bên ngoài của ông. Ông sống với con người bên trong ông. Và trong một đời sống càng ngày càng nhiều mỹ miều và giả tạo, ông như bị bật ra ngoài. Nhưng chính điều ấy lại làm nên con người ông và giá trị của ông.

Văn chương của Lê Lựu là thứ văn chương vắt ra từ gan ruột. Ông sống và nghĩ như thế nào thì viết ra như thế. Bởi thế mà văn chương của ông khác biệt. Bởi thế mà ông khác biệt ngay cả khi ông không nói gì, không làm gì. Chính thế mà cho dù ông có biết bao bạn bè, bao bạn đọc nhưng ông vẫn như chỉ có một mình trên cõi người mênh mông và nhiều trò ấy. Và đấy cũng có lẽ là nguyên nhân mà những trò láu cá, lươn lẹo, thời thượng hay cơ hội thay đổi theo nhịp sống ngày ngày không thể xâm nhập được vào ông.
 
Ông sống giữa thế kỷ 20 đầy biến động và nhiều giá trị bị đánh tráo giống như một người từ một thế kỷ xa xôi nào đó trở về. Ông trở về sống với những người của một thế kỷ hiện đại bằng vẻ đẹp cổ xưa của mình. Và ông trở thành Lê Lựu.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
(Từ Fb nhà thơ)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TỔ QUỐC TRÊN HẾT
20/11
NGÀY NHÀ GIÁO VN 20/11
VÌ MỘT NỀN GIÁO DỤC
NHÂN BẢN - DÂN TỘC - KHAI PHÓNG
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
Luong truy cap
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập89
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm88
  • Hôm nay15,406
  • Tháng hiện tại184,811
  • Tổng lượt truy cập61,343,226
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây