Nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Mẹ là đất nước, tháng ngày của con…”
admin100
2021-06-02T04:10:00-04:00
2021-06-02T04:10:00-04:00
http://nguyenduyxuan.net/tac-pham-cua-ban/nha-tho-tran-dang-khoa-me-la-dat-nuoc-thang-ngay-cua-con-10561.html
/themes/default/images/no_image.gif
Nguyễn Duy Xuân
http://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Thứ tư - 02/06/2021 04:10
Vanvn- Có thể nói, mẹ chính là ngọn nguồn cảm xúc trong thơ Trần Đăng Khoa, thuở nhỏ cũng như sau này. Khi đã qua tuổi thiếu niên, trở thành người lính, người chồng, người cha, thì mẹ vẫn là miền cảm xúc mát lành, níu ông về với góc sân và khoảng trời tuổi nhỏ. Mẹ không chỉ là quá khứ mà mẹ còn là hiện tại, là tương lai. Mẹ làm nên hồn cốt của đất đai, của quê hương xứ sở, là điều đẹp đẽ nhất có thật ở trên đời.
Cụ bà Trần Thị Sen – người mẹ nông dân Bắc Bộ, thân mẫu của hai nhà thơ Trần Nhuận Minh, Trần Đăng Khoa. Cụ chưa một ngày được đến trường, nhưng tự học chữ, thuộc rất nhiều truyện thơ Nôm, truyện cổ tích, ca dao, tục ngữ, Truyện Kiều. Cụ đã thanh thản về miền mây trắng vào đầu năm 2020, hưởng thọ 102 tuổi (1919 – 2020).
Mở những trang thơ Trần Đăng Khoa, thấy ăm ắp hình bóng mẹ:
Đã ngủ rồi hả trầu
Tao đã đi ngủ đâu
Mà trầu mày đã ngủ
Bà tao vừa đến đó
Muốn xin mấy lá trầu
Tao chẳng phải ai đâu
Đánh thức mày để hái!
(Bài thơ “Đánh thức trầu”)
Nhắc đến những bài thơ đi cùng năm tháng của nhà thơ Trần Đăng Khoa, không thể thiếu bài “Đánh thức trầu” với những câu thơ theo nhịp đồng dao vô cùng êm ái, ấm áp, đến từ một trái tim tuổi nhỏ giàu yêu thương.
Chia sẻ về ngọn nguồn cảm xúc bài thơ này, nhà thơ Trần Đăng Khoa kể: “Một tối, mẹ tôi bảo tôi mang đèn ra vườn hái trầu, nhớ vặn to ngọn đèn, để cây trầu nhận ra chủ, không phải là kẻ trộm. Trước khi hái, phải nói: “Trẩu trẩu trầu trầu/ Mày làm chúa tao/ Tao làm chúa mày/ Tao không hái ngày/ Thì tao hái đêm/ Tỉnh dậy cho tao hái”. Không nói như vậy, giàn trầu sẽ lụi. Tôi chẳng biết đấy có phải là câu ca dao không, hay chỉ là câu vè mẹ tôi chợt nghĩ ra để dạy tôi thôi”.
Ảnh hưởng của người mẹ đối với con cái là điều dễ hiểu, vừa mang tính huyết thống tự nhiên, vừa mang ý nghĩa xã hội. Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng của người mẹ như thế nào, có sức chi phối ra sao trong cách nhìn, cách cảm, cách bao quát về cuộc sống của người con thì lại khác nhau. Người mẹ của nhà thơ Trần Đăng Khoa bình dị như bao phụ nữ nông thôn miền Bắc xưa kia, cũng răng đen tóc vấn, áo nâu quần thâm, hàng ngày tất tả với việc đồng áng, chợ búa, vườn tược. Cụ chưa một ngày được đến trường, chỉ tự học chữ theo cách của riêng mình, hẳn không thể kèm cặp các con về kiến thức sách vở, nhưng cụ lại là người thầy đầu tiên của các con.
Cách nhìn cuộc sống của cụ mang đậm dấu ấn dân gian, tôn trọng sự sống, tôn trọng cả những sự vật tưởng như vô tri, coi chúng có ý thức và đời sống riêng giống như con người, gieo vào lòng chú bé Trần Đăng Khoa những hạt mầm nhân ái. Qua năm tháng, những hạt mầm ấy cùng bao câu ca dao, dân ca, chuyện cổ tích, truyện thơ Nôm mà người mẹ đã thủ thỉ hàng đêm, trong tiếng võng đưa đều đều, tiếng giường tre cót két, tiếng muỗi kêu vo ve nơi mái gianh lụp xụp, góp phần không nhỏ vào quá trình hình thành cảm xúc tâm hồn của cậu bé Trần Đăng Khoa.
Trong đêm tối, cậu vẫn nghe được tiếng động khẽ khàng của chiếc lá rơi nghiêng:
Ngoài thêm rơi chiếc lá đa
Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng
(Bài thơ “Đêm Côn Sơn”)
Những quan sát vừa hồn nhiên vừa giàu chất thơ trước quang cảnh đồng chiều:
Luống cày còn thở sủi tăm
Sương buông cho đống hoang nằm chiêm bao
(Bài thơ “Đồng quê”)
Nhà thơ Trần Đăng Khoa thời trẻ
Hay cái nhìn mơ mộng:
Đất trời cách một gang mây
Và tôi cùng với luống cày tỏa hương
(Bài thơ “Đồng chiều”)
Cả niềm cảm thương tưởng chừng rất nhỏ:
Thương một quãng đường chói nắng
Mầm hoa đạp đất vươn lên
(Bài thơ “Hoa dại”)
Ngay trong bài thơ “Vàng ơi” viết để khóc con chó vàng, ngỡ chỉ là câu chuyện của trẻ con, nhưng dấu ấn sâu xa của tình cảm ấy cũng liên quan đến mẹ, bởi mẹ ông rất yêu loài vật, coi chúng như thành viên trong nhà. Đặc biệt là chó. Cụ không bao giờ đem bán hoặc giết thịt. Khi chó già, ốm chết, cụ lấy những tấm áo cũ, bó lại rồi đem chôn ở góc vườn. Cũng như mẹ, các con cụ không bao giờ ăn thịt chó. Sau này, khi các con đã có gia đình riêng, bản thân cụ có cháu nội cháu ngoại rồi có chắt, cụ lại dặn dò các con mình phải “dạy trẻ con yêu thiên nhiên, yêu cây cối và các con vật trong nhà”, bởi theo cụ “một đứa trẻ bẻ ngọn cây non mới trồng, bắn chết con chim đang bay, hay phang gãy chân con gà con chó thì rồi sau này lớn lên, chúng cũng sẽ làm điều ác đối với con người”.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa kể: “Khi bà ngoại tôi mất, mẹ tôi xé chiếc khăn tang ra thành nhiều mảnh nhỏ: “Con hãy ra đeo tang cho cây cối đi, không cây nó héo lụi mất. Bà mất rồi. Con thấy cây cối nó có buồn không?”. Thế là tôi lại ra vườn, lụi cụi đeo tang cho từng cây trầu, cây cau, cây na. Cả khu vườn nhà tôi trắng xóa màu tang…”.
Những tri thức và tình cảm mà người mẹ ấy truyền cho con là tri thức và tình cảm muôn đời của cuộc sống, chẳng hề xa lạ trong dân gian, nhưng bằng một cách đặc biệt, vừa mộc mạc, vừa trân trọng, cụ đã gìn giữ và gửi gắm tới các con mình. Cụ cũng là người bạn đồng hành, chăm sóc giữ gìn bản thảo tư liệu cho các con lúc còn nhỏ. Nhà nghèo, lại hay có khách, nhiều khách từ Hà Nội về, từ tỉnh xa đến, chủ yếu để gặp cậu bé thần đồng, hẳn cụ đã phải thu vén tảo tần lắm để lo cho khách, dù chỉ là bữa cơm rau dưa đơn giản ở cái thời khó khăn khan hiếm tiền bạc thực phẩm. Người mẹ ấy đã đi vào thơ Trần Đăng Khoa, giản dị tự nhiên như đất đai, như hạt lúa, hạt phù sa quê hương:
Hạt gạo làng ta
Có vị phù sa
Của sông Kinh Thầy
Có hương sen thơm
Trong hồ nước đầy
Có lời mẹ hát
Ngọt bùi đắng cay…
(Bài thơ “Hạt gạo làng ta”)
Thương mẹ vất vả trong cái “nắng tháng sáu”, “bão tháng bảy”, “mưa tháng ba”, nên cậu bé Khoa sớm ý thức đỡ đần cho mẹ:
Khi mẹ vắng nhà, em luộc khoai
Khi mẹ vắng nhà, em cùng chị giã gạo
Khi mẹ vắng nhà, em thổi cơm
Khi mẹ vắng nhà, em nhổ cỏ vườn
Khi mẹ vắng nhà, em quét sân và quét cổng
“Khi mẹ vắng nhà” là tự bạch của một em bé đã cố gắng lo mọi việc nhà chu toàn để đỡ đần cho mẹ. Dù làm được nhiều việc như thổi cơm, quét nhà, giã gạo, nhưng vẫn tự thấy mình chưa ngoan. Vì sao ư? Vì:
Áo mẹ mưa bạc màu
Đầu mẹ nắng cháy tóc
Mẹ ngày đêm khó nhọc
…
Đó là khi mẹ vắng nhà. Còn khi mẹ ốm thì cậu bé ấy làm gì để mẹ vui, mẹ chóng khỏe?
Mẹ vui con có quản gì
Ngâm thơ, kể chuyện, rồi thì múa ca
Rồi con diễn kịch giữa nhà
Một mình con sắm cả ba vai chèo
(Bài thơ “Mẹ ốm”)
Không đơn thuần là tả hình dáng mẹ, kể về mẹ hay bày tỏ tình cảm với mẹ, hồn thơ ấy luôn băn khoăn rằng mình đã làm được gì để bù đắp cho mẹ. Đó là một ý thức sâu sắc, luôn đi tìm cái đằng sau, cái bên trong. Đó cũng là lý do để nhiều bài thơ của Trần Đăng Khoa trụ được với thời gian. Trong đất đai làng mạc, trong dáng hình quê hương xứ sở luôn có mẹ, luôn hiện hữu những điều ruột thịt nhất, những giao cảm thân gần nhất của tình mẹ con:
Đất ơi, hãy nói giùm tôi, núm nhau tôi mẹ vùi ở nơi nào
Mà cơn mưa xói mòn làm da tôi bỏng rát
Mà trận nắng chết cây làm tim tôi đau thắt
Đất ơi, núm ruột tôi đất giữ ở nơi nào?
(Bài thơ “Đất ơi”)
Không chỉ cảm nhận sự tồn tại của mẹ trong tồn tại cá nhân mình, nhà thơ Trần Đăng Khoa còn tìm được mẹ trong dáng vẻ ngây thơ của các con các cháu:
Cái chân thì khệnh khạng
Tay vắt vẻo lưng cong
Đầu vất va vấp vểnh
Cháu bỗng hóa bà còng
Mèo tròn mắt lạ lùng
Chị cười lăn ra đất
Mẹ ngồi lặng rất lâu
Bà đứng trào nước mắt…
(Bài thơ “Cháu làm bà còng”)
Bài thơ bắt đầu từ câu chuyện có thật. Bé Minh Hà, con gái đầu lòng của nhà thơ Trần Nhuận Minh – anh cả của nhà thơ Trần Đăng Khoa – về chơi. Cháu bắt chước làm bà còng. Khổ thơ đầu mang tính nhập đề, miêu tả lại tư thế bắt chước bà còng của cháu. Đến khổ thơ sau thì khác, miêu tả bốn khán giả với bốn tư thế và tâm trạng khác nhau. Bắt đầu là con mèo, các câu thơ sau nới dần ra, đến chị, đến mẹ, rồi mới đến bà. Nhân vật trung tâm là người bà. Bà suốt đời vất vả, hy sinh cho con cháu. Nay bà đã già, cháu lớn khôn, bà lại nhìn thấy bóng dáng thực của mình qua dáng vẻ hồn nhiên của con trẻ. Bà trào nước mắt có thể vừa ngậm ngùi, vừa vui, nhưng với nhà thơ Trần Đăng Khoa, hẳn không khỏi nhói lòng vì thương mẹ. Đó cũng là lý do giải thích vì sao, nhiều năm sau, lần đầu tiên ngồi trên máy bay, bay trên cao thẳm bầu trời, qua nhiều làng mạc đồng quê, anh chỉ nghĩ đến mẹ và làm thơ gửi mẹ:
Từ cửa sổ máy bay
Nhìn về mặt đất
Bỗng nhiên con sửng sốt
Lại gặp một vòm xanh thăm thẳm của bầu trời
Mây trắng đi lững thững dưới kia
Như những cái nấm lơ lửng
Nhưng con biết đằng sau màu mây ấy
Là một thiên đường có thật
Ở đó có ngôi nhà gianh vách trát đất
Là lâu đài của mẹ con mình
Trước cửa, dậu cúc tần xanh
Sau lưng mảnh ao làng
Trăng lên có tiếng cá quẫy
(Bài thơ “Thư viết bên cửa sổ máy bay”)
Có thể nói, mẹ chính là ngọn nguồn cảm xúc trong thơ Trần Đăng Khoa, thuở nhỏ cũng như sau này. Khi đã qua tuổi thiếu niên, trở thành người lính, người chồng, người cha, thì mẹ vẫn là miền cảm xúc mát lành, níu ông về với góc sân và khoảng trời tuổi nhỏ. Mẹ không chỉ là quá khứ mà mẹ còn là hiện tại, là tương lai. Mẹ làm nên hồn cốt của đất đai, của quê hương xứ sở, là điều đẹp đẽ nhất có thật ở trên đời.
Mọi hôm mẹ thích vui chơi
Hôm nay mẹ chẳng nói cười được đâu
Lá trầu khô giữa cơi trầu
Truyện Kiều gấp lại trên đầu bấy nay
Hôm nay, một ngày xuân mưa bụi, những câu thơ của hơn 50 năm về trước lại trở về trong tâm trí nhà thơ Trần Đăng Khoa – người đàn ông tuổi lục tuần, đã bình thản trước mọi gian khó cuộc đời, nhưng trước di ảnh mẹ, vẫn hụt hẫng bởi mất mát quá lớn lao. Mẹ đã đi cùng ông qua bao mùa xuân, cả mùa hè, mùa thu, mùa đông, và đến mùa xuân này, mẹ ra đi, một mình, mãi mãi, trong niềm thanh thản tuyệt đối. Và mãi mãi, với nhà thơ Trần Đăng Khoa, “Mẹ là đất nước, tháng ngày của con”…
ANH THƯ/VOV6