Nhà thơ Nguyễn Đình Thi: Sóng mãi còn reo

Thứ năm - 28/04/2022 16:00
- Từng nói vui “mình là người trẻ nhất trong lớp các nhà văn tiền chiến”, song Nguyễn Đình Thi chỉ thực sự đến với thơ khi ba lô lội suối trèo đèo tham gia cuộc kháng Pháp. Và, không giống những bài hát tràn đầy hào khí cách mạng làm nức lòng đồng bào cả nước mà ông sáng tác trước đấy, khởi đầu, thơ Nguyễn Đình Thi nhỏ nhẻ, kín đáo như những tiếng… nói thầm…
Nhà văn Nguyễn Đình Thi
Nhà văn Nguyễn Đình Thi

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi (1924-2003)

Nguyễn Đình Thi từng viết trong bài “Đường núi”: “Chiều nhạt nhạt về nơi nào xa lắm/ Ngây ngất sương mây/ Lối mòn không dấu chân/ Ta nghe ta hát một mình…“. Trước mắt nhà thơ trẻ, tất cả như vẫn còn mù sương. Ông phải tự tìm đường đi cho mình, và phải dũng cảm xác định việc làm thơ lúc ấy chỉ là “ta nghe ta hát một mình”, chưa dễ nhận được sự đồng điệu, sẻ chia của số đông người đọc.

Với thơ Nguyễn Đình Thi, thực tế đã diễn ra như vậy. Và không dừng ở đó. Những người không “cảm” được lối thơ mà họ cho là “thiếu cởi mở”, có phần “kiêu kỳ”, “xa rời đại chúng” ấy thậm chí còn lớn tiếng kêu gọi phải “đuổi thơ Nguyễn Đình Thi ra khỏi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”. Cuộc tranh luận về thơ không vần của Nguyễn Đình Thi hồi tháng 9 năm 1949 ở chiến khu Việt Bắc thực chất là một cuộc “chấn chỉnh” khuynh hướng sáng tác của Nguyễn Đình Thi và những người có cách viết như ông. Nhiều ý kiến nặng nề, gay gắt đã tới tấp được quăng ra, đa phần là của các nhà thơ đàn anh và những vị lãnh đạo văn nghệ chủ chốt. Về phần mình, Nguyễn Đình Thi đã có những ý kiến “tự vệ” thoạt nghe thì mềm mỏng nhưng thực ra lại khá cứng vững, tự tin, thể hiện một tầm nhìn xa: “Theo tôi, những luật lệ của thơ, từ âm điệu, đến vần, đều là những võ khí rất mạnh trong tay người làm thơ. Nhưng không phải hễ thiếu những võ khí ấy là trận đánh nhất định thua. Thiếu võ khí ấy, trận đánh gay go thêm nhiều, nhưng người làm thơ vẫn có thể thắng” và “Thơ của một thời mới, trong những bước đầu, ít khi chịu những hình thức đều đặn, cố định. Nó chạy tung về những chân trời mở rộng để tìm kiếm, thử sức mới của nó. Rồi thời đại vững lại, thơ nảy nở trong những hình thức trong sáng đã tìm thấy”.

Công bằng mà nói, về đường hướng sáng tác, quan điểm của Nguyễn Đình Thi là đúng đắn, song đi vào những tác phẩm cụ thể, ông chưa làm được điều ông mong đợi. Các bài thơ “Đất nước”, “Nhớ”, “Không nói” (ở bản in đầu) tuy có ánh lên những ý mới lạ, song kết cấu khá rời rạc. Có chỗ ý tưởng còn rối rắm, lụn vụn, sức khái quát bị hạn chế. Đó là lý do Nguyễn Đình Thi không thể “thắng” trong cuộc tranh luận. May mà nhà thơ đã sớm có những thao tác chỉnh sửa hợp lý, khiến cho cả ba bài thơ nhắc tới trên, sau khi “đại tu” đã có độ kết dính chặt chẽ, sức chinh phục độc giả vì thế cũng tăng lên.

Nhân đây cũng cần nói thêm: Trong cuốn “Nguyễn Đình Thi – bí mật cuộc đời” (do NXB Văn học ấn hành năm 2008), nhà thơ Hoàng Cầm đã có bài viết phê phán gay gắt việc Nguyễn Đình Thi chỉnh sửa những bài thơ không vần của mình thành ra có vần, mà theo nhận định của Hoàng Cầm: Đó là do Nguyễn Đình Thi phải “lụy” trước sức mạnh cường quyền, chứ thực tâm ông không muốn sửa như thế. Hãy nghe Nguyễn Đình Thi tâm sự (bài “Nhọc nhằn công việc văn chương”, sách “Tiểu luận – bút ký”, NXB Văn học, 2001): “Khi nghe những nhận xét phê bình mà mình suy nghĩ thấy là đúng, phải có sức mạnh tự vượt qua mình“. Sự thực, nếu quan sát kỹ chặng đường thơ của Nguyễn Đình Thi, ta sẽ nhận thấy bài thơ nổi tiếng nhất, được phổ biến rộng rãi nhất của ông là bài “Đất nước”. Và bản được đưa vào sách giáo khoa (cũng như được rất nhiều người thuộc hiện nay) chính là bản ông cắt ghép, chỉnh sửa từ hai bài “Sáng mát trong như sáng năm xưa” và bài “Đêm mít tinh” đã được in trong kháng chiến chống Pháp. Nếu nói Nguyễn Đình Thi phải sửa lại bài “Đất nước” vì ông tuân lệnh một ông “cốp” nào đó thì sao sau khi vị này rũ bỏ mọi quyền chức, Nguyễn Đình Thi không cho phục hồi bài thơ theo “nguyên trạng”?

Mặc dù – như một nghịch lý, những bài thơ phổ biến nhất, có sức phổ cập nhất của Nguyễn Đình Thi không phải là những bài thơ… không vần, song các nhà nghiên cứu vẫn không thể không ghi danh ông như một trong những người lót đường cho tiến trình đổi mới văn học, cho sự phát triển của thơ tự do ở Việt Nam. Và, không chỉ là người lót đường, với một thi phẩm xuất sắc như “Đất nước”, Nguyễn Đình Thi đã dựng được một cột mốc đáng nhớ cho nền thơ chống Pháp.

Trong một bài viết về thơ Nguyễn Đình Thi in trên báo Giáo dục và thời đại số ra ngày 21/2/1994, sau khi trích dẫn hai câu: “Em đi bên anh tóc xòa bay rối/ Nhỏ nhắn vai em khoác súng trường” (bài “Chia tay trong đêm Hà Nội”), tôi đã có mấy lời nhận xét: “Đó là những hình ảnh thật đẹp: mềm mại và cương nghị. Đó cũng là hình ảnh tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam trong thời chiến. Với Nguyễn Đình Thi, “em” vừa là em nhỏ bé, thân thương, vừa là quê hương đất nước đau thương và kiên dũng ngàn đời. Nhà thơ đã bộc bạch ý này không ít lần: Anh yêu em như anh yêu đất nước/ Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần (bài “Đất nước”); Em đứng bên đường/ như quê hương/ Vai áo bạc quàng súng trường (bài “Lá đỏ”). Cảm hứng về cái bi hùng – có thể nói là đẹp và buồn – đã khiến Nguyễn Đình Thi có được những câu thơ này. Nó góp phần tôn cao phẩm chất con người và tính thâm trọng của chiến tranh”. Cũng trong bài viết nói trên, tôi còn phân tích sự dung dị trong lời thơ của Nguyễn Đình Thi. Theo tôi, cái đẹp trong thơ Nguyễn Đình Thi thường không biểu hiện ở sự tô điểm của ngôn ngữ mà phát lộ ra trong cốt cách – cốt cách của tác giả và cốt cách của nhân vật. Để chứng minh việc này, tôi đưa ra hai đoạn trích: “Trăng soi gương mặt nghìn yêu dấu/ Ngày mai hai đứa đã hai nơi/ Hai đầu đất nước trong giông bão/ Cùng chung chiến đấu hai phương trời” (bài “Chia tay trong đêm Hà Nội”) và: “Anh yêu em như anh yêu đất nước/ Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần/ Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước/ Mỗi tối anh nằm mỗi miếng anh ăn” (bài “Nhớ”), từ đó đi đến nhận định: “Ý tưởng có mới mẻ gì đâu, ấy vậy mà Nguyễn Đình Thi viết ra nghe vừa cao sang, vừa cảm động, mà người khác viết thì rất dễ thành sáo ngữ, hoặc đại ngôn”. Hôm nay, trong bài viết này, tôi xin dẫn chứng thêm một đôi đoạn nữa, như đoạn thơ viết về dũng khí của các chàng trai, cô gái Việt thuở đất nước lầm than: “Đất nghèo nuôi những anh hùng/ Chìm trong máu chảy lại vùng đứng lên/ Đạp quân thù xuống đất đen/ Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa” (bài “Bài thơ Hắc Hải”); hay đoạn thơ nói về khát vọng tự do của  đồng bào ta trong kháng chiến chống Pháp: “Xiềng xích chúng bay không khóa được/ Trời đầy chim và đất đầy hoa/ Súng đạn chúng bay không bắn được/ Lòng dân ta yêu nước thương nhà” (bài “Đất nước). Ở đây, chính phẩm cách cao đẹp, chất anh hùng ca của tác giả và những con người mà ông muốn thể hiện đã làm nên sức hút, chất men say cho khổ thơ, bài thơ.

Những bài thơ hay nhất của Nguyễn Đình Thi đều ít nhiều mang chất sử thi, và hầu như đều được gói lại trong những thể thơ tương đối ổn định về vần điệu. Tuy nhiên, xen kẽ với những bài ấy là các bài thơ nhỏ lẻ, không vần, tác giả dùng để ghi lại một đôi cảm xúc, suy nghĩ nảy sinh trong cuộc sống thường nhật của mình, trong đó có những đúc kết không kém phần sâu sắc: “Một niềm vui một nỗi buồn/ Nếu phải giữ một mình suốt đời/ Bạn có thể chết vì nó/ Một điều hiểu một ý nghĩ/ Nếu phải giữ một mình suốt đời/ Có thể làm bạn điên/ Cái gánh nặng/ Nhìn – nghĩ – yêu thương/ Cái hy vọng/ Mỗi tâm hồn cần có tâm hồn khác” (bài “Một niềm vui một nỗi buồn”).

Sinh thời, số ấn phẩm thơ được xuất bản của Nguyễn Đình Thi không nhiều (chỉ 5 tập). Và độc giả hầu như cũng chỉ ấn tượng với một số bài cụ thể chứ không ấn tượng với hẳn một tập nào. Bản thân tôi, lần đầu tiếp xúc với tập “Sóng reo” – tập thơ cuối cùng, được xuất bản trước khi Nguyễn Đình Thi mất hơn một năm, tôi đã thực sự bị ám ảnh bởi vẻ đẹp trong ngần, thánh thiện của nó. Có thể nói, với Nguyễn Đình Thi, đây thực sự là “tiếng hát con thiên nga” trước khi chết. Với một tâm thế thiền, nhà thơ đã bình tĩnh tổng kết cuộc đời; bình thản đối mặt với cái chết (mà ông nói một cách hình tượng là “cái bóng ngoài kia đến đợi”). Tim tôi như thắt lại khi đọc mấy dòng thơ mở đầu bài “Mùa thu vàng”: “Nào ai biết việc đời đưa rất lạ/ Tôi đến một nơi gió núi xôn xao“. Cái “cõi” mà nhà thơ sắp bước vào được ông vẽ ra thật đẹp: “Tôi đi mãi vào ngàn thông rợp bóng/ Như đi sang một cõi khác nào rồi/ Quên hết cả chỉ thấy trời cao rộng/ Và mùa thu im lặng ở quanh tôi“.

Trong cái cõi cao rộng, trong lành ấy, mặc dù biết mình đang trơ trọi “một mình trên đất lạ”, song nhà thơ không thấy… hoảng, bởi đấy chính là lúc tất cả mọi thứ tạp nham của cuộc đời đã “chìm nhòa hết” trong tâm trí ông, để chỉ còn hiện ra một dòng sông xa vắng, nơi ấy, ông bỗng thấy hiển hiện hình bóng của cô gái nhỏ – kỷ niệm ông không sao quên được của mấy chục năm về trước: “Bóng áo vải thô một cô gái nhỏ/ Hàng trẩu cao đường đỏ lá vàng hoe/ Em tiễn anh lính đi nơi lửa đạn/ Môi run run em chúc có ngày về“. Chao ôi, đã nửa thế kỷ trôi qua, sự đời bao đổi thay, vậy mà lòng người thì vẫn không nguôi nhớ về những ảnh hình của một thời kháng chiến gian khổ! Họ đã nói với nhau những gì, đã hẹn với nhau điều gì, để rồi bây giờ, ông lão nhà thơ – cựu binh ở tuổi cận kề cái chết phải nghẹn ngào: “Em gái ơi tôi vẫn đây còn sống/ Còn em bây giờ ở nơi đâu/ Bao nhiêu nước đã trôi bao nhiêu sóng…“. Thật không sao đo được hết chiều sâu của tình người, thứ nước thánh giúp ai đó mãi mãi giữ được trong cái hình hài già nua của mình những xúc cảm của thời thanh xuân…Đọc những dòng thơ trên, ta càng thêm yêu kính Con Người biết bao!

Trong tập “Sóng reo” có bài “Lời người xưa”: “Soi sáng mà không làm lóa mắt/ Công việc xong nhẹ bước ra đi/ Vì yêu nên có gan dạ/ Vì biết nên không nói gì/ Đối tốt với những người tốt/ Đối tốt với cả những người không tốt/ Không hạ thấp ai không làm nhục ai/ Thắng người khác không bằng tự thắng mình“. Thật là những lời “tự răn” thâm thúy. Và phải chăng, đó cũng là lời đúc kết đầy kiêu hãnh về phương châm xử thế của chính tác giả – người mà trong các tác phẩm của mình đã luôn đề cao phẩm giá con người.  

PHẠM KHẢI


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

CM tháng 8 và QK 2/9
79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8
& QUỐC KHÁNH 2/9
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
Luong truy cap
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập98
  • Hôm nay30,701
  • Tháng hiện tại387,963
  • Tổng lượt truy cập59,285,616
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây