Nhà thơ, liệt sĩ Lê Anh Xuân: “Hoa nở” trong dòng máu nóng trái tim

Thứ bảy - 30/07/2022 16:39
- Nhớ đến nhà thơ Lê Anh Xuân, người ta sẽ nhớ đến những vần thơ bất hủ của ông với tác phẩm nổi tiếng Dáng đứng Việt Nam. Thơ và cuộc đời ông là bản hùng ca về tình yêu nước.
 
Nhà thơ Lê Anh Xuân (1939-1968)
Nhà thơ Lê Anh Xuân (1939-1968)

Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ

Nhà thơ Lê Anh Xuân tên thật là Ca Lê Hiến, sinh ra trong một gia đình trí thức nổi tiếng ở Bến Tre. Năm 1954, ông theo gia đình tập kết ra Bắc.

Năm 1961, bài thơ “Nhớ mưa quê hương” ra đời đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Lê Anh Xuân. Tác phẩm được giải Nhì cuộc thi thơ của tạp chí Văn Nghệ.

Năm 1963, nhà thơ Lê Anh Xuân tốt nghiệp khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và được giữ lại làm giảng viên. Tuy nhiên, lòng thương miền Nam chưa được giải phóng đã khiến ông khao khát được “Trở về quê nội” để tham gia chiến đấu (“Ôi ta thèm được cầm khẩu súng/ Đi giữa đoàn quân cùng với bạn bè/Nằm chờ giặc trên quê hương anh dũng/ Ta say nồng mùi lá rụng bờ tre”).

Cuối năm 1964, Lê Anh Xuân “xếp bút nghiên” xung phong trở về Nam tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Trong hồ sơ đi B của nhà thơ Lê Anh Xuân hiện lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia có đoạn: “Ngoài công tác giáo dục, tôi rất muốn được tham gia công tác về văn học nghệ thuật ở miền Nam, tôi có thể đi bất cứ nơi nào Đảng cần đến. Nguyện vọng và quyết tâm của tôi là được về miền Nam, về lại quê hương tôi”.

Bà Ca Lê Hồng, chị ruột của nhà thơ vẫn còn giữ lá thư ông gửi cho mình trước khi lên đường, thư viết rằng: “Em biết rồi đây những khó khăn thử thách mới rồi sẽ đến, thậm chí có thể hy sinh nữa nhưng không vì thế mà làm giảm sút quyết tâm…”.

Trong những ngày ở chiến trường, nhà thơ Lê Anh Xuân đã viết hàng loạt những tác phẩm nổi tiếng như: tập thơ “Tiếng gà gáy”, “Hoa dừa”, “Trường ca Nguyễn Văn Trỗi”. Đặc biệt là “Dáng đứng Việt Nam”, bài thơ Lê Anh Xuân viết trước khi hy sinh không lâu trở thành tác phẩm “nằm lòng” của nhiều thế hệ.

Năm 1968, nhà thơ Lê Anh Xuân hy sinh anh dũng trong một trận càn tại Long An. Cũng như những người mẹ, người chị, người em, những chiến sĩ anh dũng mà ông đã viết, liệt sỹ, người anh hùng Lê Anh Xuân đã hóa thân vào đất nước…

Nhận xét về Lê Anh Xuân, nhà thơ Viễn Phương viết: “Ai cũng biết đi chiến trường là vô cùng nguy hiểm, là có thể hy sinh. Nhưng Xuân cũng biết rất rõ rằng những bài thơ hay, những bông hoa đẹp không thể nở giữa căn nhà ấm áp thơm ngát phong lan của mình ở giữa khu rừng biên giới mà phải nở giữa những vùng xoáy của cuộc đời, nở giữa chiến trường khói lửa và có khi nở chính trong dòng máu rất nóng của trái tim mình…”

Và mối tính sắt son thủy chung

“Tên của anh” nhiều người biết, tuy nhiên, ít người biết về chuyện tình cảm động của nhà thơ với mối tình thanh mai trúc mã. Theo người nhà của nhà thơ, Lê Anh Xuân gặp bạn gái Bùi Xuân Lan, em gái nhà văn Bùi Ðức Ái (Anh Ðức), tác giả của tiểu thuyết Hòn Ðất khi cả hai mới 9, 10 tuổi.


Nhà thơ Lê Anh Xuân với bạn gái Xuân Lan – em ruột nhà văn Anh Đức

Chị gái Ca Lê Hồng kể: “Hai chị em Xuân Lan học chung trường với tôi và Hiến. Tụi tui là bạn học thuở nhỏ, rất thân thiết… Sau này tập kết ra Bắc, Hiến gặp lại Xuân Lan và đưa người yêu về chính thức giới thiệu với gia đình.”.

Lúc ấy, Lê Anh Xuân đang học năm cuối trường Ðại học Tổng hợp Hà Nội. Ông tốt nghiệp loại giỏi, được giữ lại trường làm trợ giảng và được giới thiệu đi làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Bùi Xuân Lan sang Trung Quốc học tập nghiên cứu chuyên ngành kinh tế tài chính. Những ngày về nước ngắn ngủi, đôi bạn trẻ đã hứa hôn.

Tuy nhiên, sau đó, nhà thơ  Lê Anh Xuân từ chối đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài và làm đơn xin được vào Nam. Trong lý lịch cán bộ, phần khai về gia đình, Lê Anh Xuân ghi rõ: “Tôi có vợ chưa cưới tên là Bùi Xuân Lan hiện đang học năm thứ ba Học viện kinh tài Thượng Hải (Trung Quốc)”.

Bà Ca Hồng Lê kể: “Năm 1964, Hiến vào Nam công tác và chiến đấu. Ðáng tiếc là ngày Hiến đi B, Xuân Lan ở Trung Quốc không về được khiến nỗi nhớ người yêu càng thêm da diết, khắc khoải”.

Bà Ca Lê Hồng cho biết thêm: “Sau ngày giải phóng, hàng năm cứ đến ngày giỗ, tết, tôi và Lan vẫn đến viếng mộ Hiến ở nghĩa trang liệt sĩ TPHCM. Mấy năm trước, Lan còn trồng một cây thông bên cạnh mộ phần để lưu dấu kỷ niệm những ngày ở Ðà Lạt”.

***

Nhà thơ Lê Anh Xuân hy sinh ngày 24.5.1968 tại ấp Phước Quang, xã Phước Lợi, huyện Cần Ðước, tỉnh Long An trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân khi vừa tròn 28 tuổi. Năm 2001, ông được nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, và năm 2011, được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang.

Nhớ đến nhà thơ Lê Anh Xuân, người ta sẽ nhớ đến những vần thơ bất hủ của ông: “Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ/ Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường/Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ/Anh là chiến sĩ giải phóng quân/Tên Anh đã thành tên đất nước”.


SƠN HÀ (Tri Thức và Cuộc Sống)
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
CM tháng 8 và QK 2/9
79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8
& QUỐC KHÁNH 2/9
Luong truy cap
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập233
  • Hôm nay32,164
  • Tháng hiện tại424,806
  • Tổng lượt truy cập59,322,459
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây