Hạnh phúc là sự đồng cảm, chia sẻ

Thứ tư - 16/02/2022 15:48
Có thể nói, sự đồng cảm, sẻ chia là tình cảm cội nguồn cơ sở, là "hạt nhân" của tình yêu thương trân quý con người cuộc sống. Hạt nhân ấy có sức mạnh to lớn, có thể làm "tan chảy" cuộc sống một khi được "kích hoạt" và bùng nỗ, có sức lan tỏa hay thăng hoa những giá trị Chân - Thiện - Mỹ

Chúng ta đang sống trong những ngày đáng nhớ, những tháng năm khốc liệt mà những sự vui buồn như sợi nắng sợi mưa, dệt nên tấm nhân nghĩa của bao thế hệ con Lạc cháu Hồng buổi mai này. Cuộc sống của thời đại cuộc cách mạng 4.0 mà đỉnh cao là văn minh tuyệt tác đang vẫy gọi chúng ta, đồng hành với những gam màu hạnh phúc và cả nhiều thử thách gian nguy. Vẫn hiểu rằng "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh" và sự "được", "mất" vẫn luôn đan xen, hiện diện trong đời sống hằng ngày. Song, có thể nói, chưa bao giờ giữa cá nhân và tập thể, giữa mỗi gia đình (thành viên) và cộng đồng làng nước - xã hội lại có sự gắn kết chặt chẽ và sự lan tỏa rộng lớn vậy. Cuộc sống có bao nhiêu hoàn cành, điều kiện và quan niệm khác nhau về hạnh phúc thì cũng có bấy nhiêu sắc màu hạnh phúc. Nó tựa như sự đa dạng mà thống nhất trong thực tiễn của một quốc gia. Cũng như sự đa dạng và thống nhất trong đại gia đình các nước thành viên cộng đồng ASEAN. Từ lẽ đó, tôi vẫn quan niệm hạnh phúc là sự đồng cảm, chia sẻ trong  đời sống tinh thần thường ngày.

Sự đồng cảm, chia sẻ không chỉ thể hiện ở cấp độ vi mô (thành viên gia đình) mà còn ở cấp độ vĩ mô là những tập thể hay quốc gia dân tộc. Ở phạm vi cá nhân - gia đình, sự vui buồn là chuyện thường tình cuộc sống như cái quy luật Nhân - Quả vậy. Gia đình em trai tôi cũng trải qua những tháng ngày ảm đạm, đáng nhớ khi em dâu tôi mất đầu tháng tám vừa qua do tai nạn lao động (trèo cây buộc quả bị ngã). Tang sự diễn ra trong những tháng ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều khó khăn... Đây là sự mất mát lớn của gia đình khi người ra đi mãi mãi, để lại bao sự thương tiếc, ngỗn ngang khi các cháu còn nhỏ, chưa đủ lớn đủ khôn để lo lắng việc gia đình.

Nhưng điều muốn nói là trong những ngày khốn khó ấy, gia đình em tôi không cô độc, lạc lõng mà trái lại, đã nhận được sự đồng cảm, sẻ chia của mọi người. Có thể nói, ai cũng động lòng trắc ẩn trước hung tin ấy. Ngoài anh em ruột thịt, họ hàng gần (chỉ có vàì ba người, người thân ở xa không về được) là cả làng nước cộng đồng, bạn bè thân hữu, đồng nghiệp và cấp ủy chính quyền, đoàn thể địa phương đều xúm tay giúp đỡ, lo toan. Người giúp công, giúp của và cả người cho mượn tiền bạc hay những thứ cần thiết... Có thể nói, sự giúp đỡ, chia sẻ ấy là thật sự trong sáng và thật đáng quý. Đó là sự đồng cảm, sẻ chia như niềm hạnh phúc của người trong cuộc mà tôi cảm nhận được, đúng như ông bà ta từng nói "nghĩa tử là nghĩa tận". Bởi vậy càng thêm trân quý.

Và thêm một lần nữa, cho ta cảm nhận rằng : sự đồng cảm, chia sẻ một khi được thể hiện, không chỉ trong phạm vi gia đình làng nước thì ý nghĩa nhân văn và giá trị tinh thần của nó sẽ còn lớn biết nhường nào. Có thể nói, sự đồng cảm, sẻ chia là tình cảm cội nguồn cơ sở, là "hạt nhân" của tình yêu thương trân quý con người cuộc sống. Hạt nhân ấy có sức mạnh to lớn, có thể làm "tan chảy" cuộc sống một khi được "kích hoạt" và bùng nỗ, có sức lan tỏa hay thăng hoa những giá trị Chân - Thiện - Mỹ; tựa như cái tinh thần yêu nước cao cả của nhân dân Liên Xô trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại trong thế chiến II trước đây. Và có lẽ, tình yêu nước ấy cũng được khởi nguồn từ sự đồng cảm, chia sẻ của bao thế hệ người con Xô Viết cùng lý tưởng, mục đích chiến đấu chống họa ngoại xâm!.. Còn với dân tộc ta là một dân tộc anh hùng, có cốt cách cao thượng nhân văn và trọng nghĩa tình, làm sao vài trang viết của tôi có thể kể hết sự đồng cảm, đồng điệu, chia sẻ, nhất là trong những tháng ngày cả nước căng mình chống đại dịch. Nhưng tôi muốn khái quát bằng những câu thơ gan ruột về điều ấy :

Chuyện vui buồn làng nước gia đình
Đã cho ta cuộc đời sẻ chia, đồng cảm
Như sự sống : khí trời, ánh sáng
Vẫn bay lên cùng mây trắng trời xanh...
(Nguyễn Trọng Đồng).

Thực tiễn cho hay, đời sống vật chất dù có nhiều biết bao nhiêu tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, bất động sản mà nếu thiểu thốn tình cảm hay đời sống tinh thần nghèo nàn, đơn điệu thì cuộc sống cũng thật buồn thảm, đơn độc và vô nghĩa (người đời gọi là trọc phú hay những kẻ bất nhân, chứ không phải triệu phú...). Bởi vậy, người ta sống với nhau nào chỉ cần, chỉ có cơm áo gạo tiền mà còn cần hơn là tình cảm, quý hơn là sự yêu thương mong nhớ; cũng như sự đồng cảm, chia sẻ, đồng hành của các tầng lớp nhân dân ta khắp mọi miền đất nước trước những khó khăn chồng chất của người dân trong đại dịch Covid -19 (Ảnh 1 - sưu tầm mạng xã hội). Người người đóng góp tiền của, công sức hay cả những "giọt cảm xúc" rưng rưng như hành động đẹp của vị thiếu tá quân đội trước cái nhìn níu chân của cháu bé mồ côi mẹ vì dịch bệnh; từ đó anh đã giúp đỡ hết lòng và nhận cháu làm con nuôi...(Ảnh 2 - sưu tầm mạng xã hội). Một câu chuyện nhân văn khác tôi vừa được biết; anh Nguyễn Văn Đông từ TP Hồ Chí Minh trở về quê Lạng Sơn bằng chiếc xe đạp (đầu tháng 10 vừa rồi). Sau cả tuần đạp xe, khi ra đến Thừa Thiên - Huế thì anh đã dược Thượng tọa Thích Vân Pháp tặng xe máy. Và anh đã rưng rưng xúc động "Em quá hạnh phúc khi nhận được chiếc xe...". Những câu chuyện như thế còn nhiều, rất nhiều trong cuộc sống...

Cùng với sự đồng cảm, chia sẻ là sự đồng hành. Hành động nhân văn vẫn xuất phát từ con tim thao thức và cái đầu lạnh. Sự hỗ trợ của các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, đoàn thể xã hội (dưới sự lãnh đạo của Đảng) thật to lớn với hàng vạn tỷ đồng (gồm tiền mặt và vật tư y tế, nhu yếu phẩm) và là nguồn lực gần như vô tận trong cuộc chiến chống đại dịch Covid - 19. Đó cũng là sự đồng cảm, chia sẻ lớn hay là niềm hạnh phúc của dân tộc trước phong ba cuộc sống. Một trong những cá nhân tiêu biểu là doanh nhân Phạm Nhật Vượng đã hỗ trợ hàng ngàn tỷ đồng (Ảnh 3- ST mạng XH). Có lẽ với bất cứ ai, nhất là người trong cuộc đều cảm nhận được niềm hạnh phúc lớn ấy. Quả đúng là "cho đi là còn mãi", và "một miếng khi đói...". Tôi chợt nhớ, nhà sinh vật học, nhà văn Henry Drummond (1851 - 1897) từng nói rằng "Hạnh phúc là cho và sống vì người khác". Mà tài sản lớn và quý giá vốn có của mỗi người (có thể sẵn sàng cho người khác) là TÌNH NGƯỜI. Nên có thể hiểu rằng sự đồng cảm, chia sẻ cũng đồng nghĩa, đồng điệu với sự "cho và sống vì người khác". Như vậy, sự đồng cảm, chia sẻ ở đây được hiểu về cả hai nghĩa "tích cực" và "tiêu cực". Và dầu ở mặt nào, cả người "cho" và người "nhận" đều cảm nhận được niềm hạnh phúc tuyệt hảo.

Cuộc sống vốn rất công bằng. Nếu chưa tin vậy ư?, khi tìm hiểu về luật Nhân - Quả mà Đức Phật đã khởi thuyết và qua thực tiễn, chúng ta sẽ tin hiểu hơn. Bởi thế, nên niềm hạnh phúc mà chúng ta hay mỗi "cá nhân" lớn nhỏ có được, cảm nhận được khi có sự đồng cảm, chia sẻ cũng là điều dễ hiểu và tất yếu.

Krông Năng, 11 - 2021
Trọng Nguyên
(Nguyễn Trọng Đồng, Phú Lộc, Krông Năng, Đắk Lắk).













 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Luong truy cap
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
CM tháng 8 và QK 2/9
79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8
& QUỐC KHÁNH 2/9
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập138
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm137
  • Hôm nay23,362
  • Tháng hiện tại235,930
  • Tổng lượt truy cập60,119,737
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây