Nguyễn Duy Xuân

http://nguyenduyxuan.net


Giáo dục: Sao cứ phải chạy theo “Dự án”?

15 năm trước Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Dũng 15 từng cảnh báo: “Bây giờ ngành giáo dục đi làm dự án là chủ yếu, quản lí dự án chứ không quản lí giáo dục, đúng không?"
Các dự án khủng được ngành giáo dục triển khai trong suốt 20 năm qua chủ yếu xoay quanh vấn đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa và thi THPT quốc gia.

Mỗi dự án đều ngốn ngân sách từ dăm bảy trăm tỉ đến hàng chục ngàn tỉ.

Những con số ấy là không hề nhỏ trong bối cảnh ngân sách Nhà nước eo hẹp, nợ công tăng nhanh hiện nay.

Tôi không rõ trong 4,8% ngân sách do Bộ GD-ĐT làm đầu mối trực tiếp quản lý (trong tổng số 20% NSNN hằng năm dành cho ngành giáo dục) thì các dự án chiếm bao nhiêu phần trăm nhưng có thể thấy đó là phần chủ yếu của “tấm bánh” rất hấp dẫn này.[1]

Vấn đề đặt ra là chúng ta có quá lãng phí tiền nong cho những dự án “xoay vòng”,  hết “đổi mới” chương trình, sách giáo khoa rồi lại thi cử?

Để làm rõ vấn đề này, trước hết hãy xác định, cốt lõi và cấp bách của giáo dục nước nhà hiện nay là gì? Liệu có phải là chương trình, sách giáo khoa hay chuyện thi cử không? Câu trả lời là không!

Vấn đề sinh tử của giáo dục hiện nay chính là tư duy quản lí giáo dục. Tư duy này đã bị khuất lấp từ khi dự án ngự trong đầu các nhà quản trị. Quản lí giáo dục bị buông lỏng, nhường chỗ đắc địa cho quản lí dự án. Tiêu cực, bê bối của ngành cũng bắt đầu nảy sinh từ đó, không cần nhắc lại, mọi người cũng đã quá tỏ tường.

Xem lại các dự án “đổi mới” chương trình, sách giáo khoa và thi THPT quốc gia thì có thể thấy nhiều nội dung của các dự án gần với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thuộc Bộ chủ quản như Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Cục Quản lý chất lượng.

Trước hết là Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Tại trang web của Viện ghi rõ (trích):

“Nhiệm vụ và quyền hạn (của Viện KHGDVN)

1. Nghiên cứu cơ bản về khoa học giáo dục; nghiên cứu phát triển chương trình giáo dục các cấp học và cho các đối tượng người học;…

2. Thực nghiệm và chuyển giao ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học giáo dục, các mô hình và chương trình giáo dục tiên tiến ở các cấp học phù hợp với các vùng miền khác nhau của đất nước và phù hợp với các đối tượng người học;

4. Thu thập, xử lý, dự báo, lưu trữ, truyền thông về khoa học giáo dục, những kinh nghiệm giáo dục, những thành tựu hiện đại về khoa học giáo dục trong nước và trên thế giới;”.[2]


Không bàn đến những vấn đề to tát, chỉ riêng việc “nghiên cứu phát triển chương trình giáo dục các cấp học”; và tiếp thu “những kinh nghiệm giáo dục, những thành tựu hiện đại về khoa học giáo dục trong nước và trên thế giới” là trách nhiệm làm công ăn lương của Viện – nơi chắc chắn có rất nhiều nhà khoa tầm cỡ và tâm huyết.

Vậy mà chương trình giáo dục phổ thông dù đã và đang trải qua 3 lần “cải cách” bằng các dự án khủng vẫn loay hoay đi tìm “chuẩn kiến thức” cho sách giáo khoa.[3]

Hai là Cục Quản lý chất lượng. Trên trang web của Bộ GD-ĐT ghi rõ (trích):

“II. Nhiệm vụ và quyền hạn:

1. Đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục

a) Xây dựng, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá thực hiện các quy định về quy chuẩn đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và thực hiện dịch vụ công về đảm bảo, kiểm định chất lượng giáo dục;

2. Quản lý thi và đánh giá chất lượng giáo dục

a) Xây dựng các quy chế thi và hướng dẫn tổ chức các kỳ thi, cuộc thi các môn văn hóa cấp quốc gia, quốc tế dành cho học sinh, sinh viên; kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các kỳ thi, cuộc thi các môn văn hóa dành cho học sinh ở các địa phương; tổ chức các đội tuyển quốc gia, các đoàn học sinh dự thi Olympic quốc tế và khu vực;

b) Xây dựng và phát triển ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa phục vụ ra đề thi các kỳ thi cấp quốc gia; tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, đánh giá chất lượng giáo dục và nghiệp vụ xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa;
[4]

Hiểu nôm na thì đây là Cục lo về thi cử của các cấp học trong toàn quốc, từ chuyện ban bố qui chế thi, cách thức tổ chức thi, thời gian thi, ra đề thi, xây dựng ngân hàng đề thi, vân vân và vân,…

Những công việc thuộc chức năng nhiệm vụ ấy đã bị đẩy sang “dự án” –  “Đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020” với khái toán tổng kinh phí lên đến 749 tỉ đồng vừa bị thu hồi.

15 năm trước Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Dũng 15 từng cảnh báo: “Bây giờ ngành giáo dục đi làm dự án là chủ yếu, quản lí dự án chứ không quản lí giáo dục, đúng không?".[3]

Dư luận thì thầm: Nhà nhà làm dự án. Chức to dự án lớn (nghìn tỉ) chức nhỏ dự án bé (trăm tỉ).

Còn đây, một cựu lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học, TS. Lê Viết Khuyến cho hay, "có những cán bộ, chuyên viên của Bộ vừa là thành viên của hội đồng thẩm định, vừa là người viết sách giáo khoa. Thậm chí, có người tham gia vào 7,8 quyển sách giáo khoa khác nhau.

Nhiều chuyên viên trẻ dù lương cơ bản chỉ 5-6 triệu đồng nhưng vẫn… đi xe bốn bánh. Họ đang làm thêm công việc của “doanh nhân
”.[5]

Chả nhẽ đấy là hiện trạng của bộ máy giáo dục nước nhà?

12-9-2018
Nguyễn Duy Xuân

Nguồn tham khảo:

[1]. http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/20-ngan-sach-chi-cho-nganh-giao-duc-da-di-dau-394945.html
[2]. http://www.vnies.edu.vn/Tin-tuc/18/chuc-nang-nhiem-vu/
[3]. http://giaoduc.net.vn/gdvn-post189727.gd
[4]. http://moet.gov.vn/giaoducquocdan/khao-thi-va-kiem-dinh-chat-luong-giao-duc/Pages/chuc-nang-nhiem-vu.aspx?ItemID=2084
[5]. https://news.zing.vn/bo-gd-dt-om-dom-sach-giao-khoa-dan-den-tieu-cuc-post876213.html).
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây