Nguyễn Duy Xuân

http://nguyenduyxuan.net


Thơ và một số điều cần bàn

-Trải qua một chặng dường dài của văn học nghệ thuật từ xưa đến nay, có lẽ thơ ca vẫn là một trong những loại hình được bàn bạc và phổ biến cũng như có số người tham gia sáng tác nhiều hơn cả.
 
Đứng về mặt phong trào, có thể là niềm vui, còn đứng về mặt chuyên môn nghiệp vụ không tránh khỏi những băn khoăn quan ngại. Đan xen vào đó, có sự hưởng ứng nhiệt tình lẫn cả sự thơ ơ lạnh nhạt trước hiện trạng thơ vừa nhiều lại vừa nhiễu này. Thêm nữa, ngoài truyền thống thơ ca của đất nước, dân tộc, lại có sự giao lưu thế giới, với ngổn ngang trào lưu, trường phái, các xu hướng tìm tòi đổi mới chưa rõ đâu là đích thực. Thơ sẽ đi về đâu? Trước tình trạng thơ đang diễn ra như hiện nay, bài viết này đề cập đến một số vấn đề bức thiết góp phần trong việc sáng tác thơ ca để cùng suy ngẫm.

Cùng với việc phát huy truyền thống và sự tiếp biến văn hóa, thơ ca đã có bước tiến khá dài về chất lượng và số lượng, kể cả cuộc hoán đổi về thi pháp. Đổi mới luôn là nhu cầu tự thân của người làm văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, chung quanh khái niệm này, cũng còn pha trộn nhiều khuynh hướng, cả về nhận thức và hành động. Ai cũng rõ ngôn ngữ là cái vỏ vật chất của tư duy, sự đổi mới phải bắt đầu từ ngọn nguồn tư duy. Sự đổi mới qua các chặng đường văn học nghệ thuật là đổi mới hệ hình tư duy. Trong lịch sử phát ttiển của văn học nghệ thuật đã minh chứng cho điều này. Bởi thế, nếu khởi đầu lại chỉ quan tâm đến  chữ nghĩa, áp đặt khiên cưỡng các thủ thuật khác là đi ngược qui luật, sa đà vào các tiểu xảo hình thức, những dị hình dị dạng. Cần phải từ việc khám phá, phát hiện, khai thác, đồng hóa hiện thực, vượt thoát khỏi cái hiện thực thứ nhất, hiện thực của thị giác, đi tới hiện thực của tri giác, cảm giác, kể cả linh giác, với các cặp đối ứng thuận nghịch  giữa hiện thực và siêu thực, tất nhiên và ngẫu nhiên, ý thức và tiềm thức, cái có lí và cái tưởng như phi lí, cả thế giới mơ hồ huyền ảo, những phức thể của cuộc sống, điệu tâm hồn cùng không gian thơ đa chiều và cái tôi nghệ thuật của cá tính sáng tạo. Đặc biệt là cần phát huy cao độ nguồn năng lượng phong phú dồi dào của trí tưởng tượng cùng hình tượng nghệ thuật, mở rộng trường liên tưởng, đẩy nhanh nhịp điệu cùng tiết tấu thơ ca khi cần thiết. Tương ứng với mỗi diễn biến thơ ca các giai đoạn lịch sử, thì nhận thức, quan điểm thẩm mĩ cũng có những chuyển dịch. Cái tiêu chí “Thần cú nhãn tự” ngày nào được chú trọng với thơ truyền thống, bây giờ không còn chiếm lĩnh áp đảo trong việc thẩm định đánh giá tác phẩm thơ ca mà bổ sung thêm những tiêu chí như về tổ chức, cấu trúc văn bản nghệ thuật, nhất là với thơ hiện đại. Người làm thơ có thể có câu hay, nhưng điều đó không có nghĩa là bài thơ đó đã hay. Sự vội vã qui chụp, áp đặt các lối thơ hiện đại, hậu hiện đại vào Việt Nam là lệch chuẩn với hiện trạng của thơ, bởi những điều kiện kinh tế xã hội, với hệ hình tư duy, kể cả văn hóa của các nước Âu Mỹ thời hậu công nghiệp không ăn nhập với đất nước ta, về lí luận và thực tiễn. Có chăng chỉ là vài nét gặp gỡ trong giao lưu văn hóa. Ở Việt Nam, chủ nghĩa hiện đại chưa hoàn chỉnh diện mạo, còn chưa hề có chủ nghĩa hậu hiện đại. Mặt khác, dù sao thì văn học đương đại ở ta cũng phân nhánh nhiều khuynh hướng khi tiếp nhận đồng thời các trào lưu, trường phái như tượng trưng, siêu thực, ấn tượng, trừu tượng, vị lai… Sự tiếp nhận của nước ngoài như thế nào chăng nữa cũng không thoát ly mạch nguồn dân tộc, nói như giới nghiên cứu lí luận, là khi thơ ca đi tới tận cùng vẻ đẹp dân tộc, sẽ bắt gặp nhân loại. Cùng với đó là giá trị nhân văn sâu sắc làm nên sự trường tồn của tác phẩm. Như thế, trước xu trào nhộn nhịp của việc đi tìm sự đổi mới thơ ca, cần phòng ngừa sự vội vã mơ hồ, sa vào cái lạ lẫm, rắc rối cầu kỳ, những tiểu xảo vụn vặt thoát ly đặc trưng vốn có của thơ ca cùng sự đổi mới gốc rễ đích thực, mà xem ra có phần xưa cũ hơn cả thơ ngày trước. Để đánh giá một tác phẩm thơ, là xem xét tổng hợp nhiều yếu tố, từ việc khai thác, khám phá, phát hiện vấn đề trong nội dung, đến việc biểu đạt qua hình thức, phát huy trí tưởng tượng, sức sáng tạo cùng sự hấp dẫn, lôi cuốn, rung động của tình cảm, sức thuyết phục của chiều sâu tư tưởng cùng thủ pháp, kĩ thuật và ngôn ngữ. Sức nặng của bài thơ chính là tư tưởng. Tư tưởng ở đây là tư tưởng nghệ thuật, tư tưởng hình tượng, chứ không phải tư tưởng thuần chất như cách hiểu thông dụng xưa nay. Đây cũng là cốt lõi làm nên vóc dáng bài thơ. Đó là chiều sâu toát ra từ hình tượng nghệ thuật, được chuyển tải qua tứ thơ, ý thơ, là đích nhắm tới của toàn bài. Sự thể hiện có thể xuyên suốt trong tác phẩm, có thể dồn đọng ở câu kết, có thể trực tiếp qua từng câu từng từ, hoặc cũng có thể ẩn chìm khuất lấp mà người đọc phải suy luận đoán định ra. Nói cách khác, đó làm nên khí cốt của bài thơ.Trong thơ ca, cái “khí” là quan trọng. Đó là sức mạnh, hấp lực làm nên sức quyến rũ, chinh phục của tác phẩm. “Văn phi sơn thủy vô kỳ khí” (Giải nguyên Trần Bích San). Tài năng của người làm thơ là biết khám phá, khai thác vấn đề và chọn cách thức thể hiện ý tưởng đó.Tư tưởng phải được cá biệt hóa, chú ý đến cá tính. Với người làm văn học nghệ thuật, thiếu đi cá tính, coi như thiếu đi phần quan trọng bậc nhất của sự nghiệp. Đó cũng là căn cứ để nhận biết từng tác giả. Để làm được điều này, cần phát huy cao độ trí tưởng tượng, diễn đạt sao cho sáng tạo, hấp dẫn. Nếu có câu, từ hay, hình ảnh diệu nghệ, thậm chí có thể gọi là tài hoa, nhưng chưa hẳn là bài thơ hay, chưa gọi là nhà thơ lớn. Câu từ xuất thần ví như trời cho, nhưng bài hay là người cho, chẳng phải ai khác mà là chính tác giả, phải lao tâm khổ tứ, tự đày đọa mình mà chưa rõ hồi kết. Từ trước tới nay, thơ được coi là tiếng nói của tình cảm, của trái tim, nhưng người ta làm thơ chính là bằng trí tuệ mà tình cảm là động lực, là chất xúc tác. Đằng sau và bên trong tác phẩm lại là cả cái “phông” văn hóa, như phần chìm của tảng băng trôi, phần khuất lấp của quặng mỏ dồi dào cung cấp năng lượng cho sự sáng tạo. Trước khi và đồng thời với việc cầm bút sáng tác, là việc trang bị mọi vốn liếng văn hóa. Bởi thế, tác giả phải biết tổng hợp mọi yếu tố từ vốn sống, tri thức, kinh nghiệm, nghề nghiệp, trí tưởng tượng cùng năng lực sáng tạo, vốn ngôn ngữ… rồi là một chút thiên bẩm nữa. Năng khiếu là bẩm sinh, nhưng tài năng lại hội tụ cả sự lao động miệt mài nhọc nhằn kham khổ, cần cù học tập và cả sự thăng hoa của cảm xúc, hứng khởi. Nếu bản thân người viết không say mê, rung cảm thì không thể khiến bạn đọc say mê, rung cảm được. Thế mới biết, làm thơ, mà nói rộng ra là sáng tạo văn học nghệ thuật không chỉ là cái nghề, mà là cái nghiệp, và cao hơn, đúng hơn là sứ mệnh, thậm chí là thiên mệnh nữa. Đến đây, lại phải trả lời câu hỏi: Làm thơ, viết văn để làm gì? Không có lẽ chỉ viết cho riêng mình, một mình mình biết, một mình mình hay. Giải đáp câu hỏi này, nói gọn lại, đó là sự chia sẻ. Tác giả chia sẻ cùng độc giả. Đó là quan hệ chặt chẽ, gắn bó hữu cơ, bổ sung cho nhau.Một tác phẩm hoàn thành chưa hẳn đã là kết thúc. Đó là sáng tạo không ngừng, mang ý nghĩa mới mà đôi khi người đọc gán cho. Vì vậy, đọc thơ cũng là sáng tạo. Không những thế, sự đón nhận của độc giả còn là tiêu chí ấn định giá trị của tác phẩm. Tùy theo năng lực, kinh nghiệm, vốn sống, sự hiểu biết cùng sở thích của mỗi độc giả mà cảm nhận thơ ca khác nhau. Có khi, độc giả còn là đồng tác giả, bổ sung, phát hiện những điều ngoài chủ ý của người viết. Trong cái thế giới mênh mông của người cầm bút, định hướng đi là cả sự dày công nghiên cứu. Khi tuổi còn sớm mai, sự nhầm lạc còn có cơ chuyển hướng. Nhưng một khi tuổi đã sang chiều, thì coi chừng hết phương cứu vãn. Phải có chủ kiến, bản lĩnh, nhận thức về lí luận, vốn sống và nghiệp vụ của người sáng tác. Sự theo đòi ngẫu hứng là điều kiêng kị tránh né, bởi văn chương cởi mở mà nghiệt ngã. Cần dẹp bỏ yếu tố bản năng sơ khởi, điều mà chỉ thích hợp với hoạt động thuần túy phong trào. Hoạt động phong trào cũng có hai mặt của nó. Đây có thể là sân chơi, nơi gửi gắm, trú ngụ thậm chí giải thoát đời sống tinh thần của người viết. Cũng có thể là chốn tập dượt, rèn giũa để bứt phá, nâng cao nghiệp vụ, vươn tới cái đích thực của sáng tạo văn học nghệ thuật. Cổ súy và tôn vinh thơ ca quá ngưỡng cần thiết là điều phải dè chừng cân nhắc. Chất lượng thơ ca trước hết là trách nhiệm của người cầm bút, rồi cơ quan báo chí, xuất bản, đồng thời còn cả của tổ chức cá nhân liên quan. Việc dễ dãi buông thả về phía nào cũng là điều không thể chấp nhận. Để kết thúc những điều nói trên, hé lộ lời nhắn nhủ rằng, phải biết mình là ai, và hãy khiêm tốn, giản dị. Có như thế, sẽ được đền đáp, thành công cùng hướng tới vươn xa.

Phạm Ngà
Nguồn Văn nghệ số 3/2021
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây