Bến đò Vạn Rú hôm nay vẫn còn con đò mộc cũ kỹ đưa khách sang sông.
Ký ức hào hùng
Ở tuổi 82 nhưng trông ông Hùng vẫn còn minh mẫn và nhanh nhẹn. Ông sống cùng con cháu trong ngôi nhà nhỏ nằm dưới chân Rú Trét (thuộc xóm 5, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), trước nhà là tuyến đường Hồ Chí Minh - đường Trường Sơn huyền thoại năm nào – đã được trải nhựa phẳng lì. Bên tách trà nóng, ông đem ra xấp tài liệu, bản đồ, nhật ký công tác… được gói ghém cẩn thận như báu vật. “Biết bao nhiêu năm đạn bom, thiên tai bão lụt, nhưng tôi coi những thứ này còn quý hơn cả bản thân mình. Trong chiến tranh sợ lọt vào tay địch. Trong thời bình, muốn giữ gìn, truyền lại cho con cháu đời sau biết được lịch sử hào hùng của quê hương, đất nước…” - ông Hùng mở đầu câu chuyện.
Ông kể, khúc sông Lam nằm giữa bến đò Vạn Rú (xã Nam Đông, nay là Khánh Sơn, Nam Đàn), cách trọng điểm Rú Trét 500m (còn gọi Rú Chết do địch đánh phá quá ác liệt), mỗi ngày máy bay địch thay nhau ném bom nhằm cắt tuyến đường chiến lược 15A (đường Trường Sơn). Vì đường 15A qua đoạn này rất hiểm trở, một bên có Rú Trét cao dựng đứng, một bên là sông Lam. “Khu vực này, máy bay Mỹ đánh bom, tuyến đường ngày nào cũng bị chia cắt. Chúng tôi huy động tất cả xã viên làm bất kể ngày đêm, nhưng vừa làm xong thì tốp máy bay khác lại kéo đến trút bom xuống. Đường chiến lược 28, một nhánh của 15A, từ Km7 đến Km13 cũng bị đánh bom liên tục, với đủ loại bom bi, bom tấn, bom từ trường; ban đêm chúng thả pháo sáng và bắn rốc-két nhằm xóa sổ tuyến đường chiến lược huyết mạch” - ông Hùng bồi hồi nhớ lại.
Do địch đánh phá quá ác liệt, nên bộ đội ta hạn chế hành quân qua đoạn này mà đi tắt theo đê 42 (đê Tả Lam hiện nay) rồi qua đò Vạn Rú. Lúc đó ông là Bí thư Đảng ủy xã kiêm Bí thư chi bộ, Chủ nhiệm HTX vận tải Đại Thành, Trưởng Ban quản lý đò ngang… và nhiệm vụ chính của ông là đảm bảo an toàn cho bộ đội, vũ khí vượt sông Lam vào chiến trường miền Nam. Bên cạnh đó, phải bảo vệ bộ đội và công nhân đang thi công đường điện và đường ống xăng dầu huyền thoại. Ông kể, có những lúc thiếu xăng dầu, bộ đội của ta đã phải thả các phuy xăng theo sông suối để tiếp viện cho chiến trường hay dùng túi ni lông chứa xăng cho vào balô để các chiến sĩ vận chuyển, thế nhưng cũng không được nhiều, vả lại nguy hiểm cho bộ đội.
Đầu năm 1968, Mỹ tăng cường ném bom nhằm cắt đứt tuyến giao thông huyết mạch. Các phà Bến Thủy, Nam Đàn, Linh Cảm là trọng điểm đánh bom triền miên, tạo thành một “tam giác lửa” ngăn chặn vận chuyển từ miền Bắc vào nên xe vận tải, xe chở xăng khó qua lọt. Nông dân xã Nam Đông đã cùng bộ đội làm thủy lợi (thực chất là xây dựng đường ống xăng dầu), ban ngày người dân đào mương thủy lợi, ban đêm bộ đội lắp đặt đường ống…
Còn nhiều trăn trở
Thời kỳ chiến tranh, cả làng Vạn Rú và HTX Đại Thành, chỉ có 2 chiếc thuyền tải trọng từ 6-8 tấn, còn lại là đò nhỏ dưới 2 tấn cùng với 36 thuyền chuyên chở bộ đội từ 5 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau. Người chèo đò thiếu nên phải vận động cả thiếu niên và người già trong xã ra chèo. Có hôm bộ đội vượt sông quá nhiều nên phải huy động thêm đò ngang của một số HTX lân cận để vận chuyển, cao điểm lên đến 60 chiếc, chở được trên 4.000 bộ đội vượt sông/đêm. Để đảm bảo cho khu vực bến đò Vạn Rú, an toàn cho bộ đội vượt sông vào chiến trường miền Nam, ông đã cho lập các đội thanh niên xung phong rà phá bom mìn sót lại.
Trong cuốn nhật ký công tác của ông còn ghi rõ: “Ngày 5-5-1968, chúng nó đánh liên tục. Các loại bom đào, bom phá, bom sát thương, tên lửa, rốc-két, đạn bắn. Nhưng nguy hiểm nhất vẫn là bom nổ chậm từ trường đầy rẫy trên đường bộ, dưới sông, bến đò, bên cạnh đó là bom bi được rải dày đặc. Đội cảm tử dân quân làng Vạn Phú dùng dây cước, nam châm, rồi đánh bằng máy phát từ… Ngày nào cũng để sẵn 10 cái hậu sự (quan tài-PV) nhưng có hôm cũng không đủ, một số người chết không có hòm”. “Dưới sông có tiểu đội nữ 10 cô gái Sông Lam, trên bờ có Đội thép sẵn sàng hy sinh bất cứ lúc nào. Vậy mà giờ đây, người hy sinh, người còn lại cũng chưa có một chế độ đãi ngộ xứng đáng” - ông Hùng bùi ngùi khi nhắc về họ.
Giờ đây, tuy tuổi đã cao nhưng ông Hùng vẫn ngày đêm lần lại lịch sử để làm chính sách cho những đồng đội, giúp những thân nhân tìm lại mộ liệt sĩ. “Bộ đội, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong hy sinh ở đây rất nhiều lắm. Tôi nghĩ thành tích của Đội thép cảm tử hay 10 cô gái Sông Lam cũng không thua gì các cô gái ở Đồng Lộc hay Truông Bồn. Nhưng đến nay chúng tôi, những người còn sống vẫn chưa làm được gì cho họ. Chưa nói đến vinh danh và mong muốn xây một miếu thờ ngay bến đò để nhang khói cho họ, tôi vẫn chưa làm được. Tôi mong rằng sức mạnh lan tỏa của Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn sẽ giúp tôi làm được việc này” - ông Hùng mong mỏi.
Bên cạnh những trăn trở với người đã khuất, ông còn lo cho sự nghiệp gìn giữ, phát triển văn hóa quê hương. Nhiều công trình văn hóa - lịch sử như đình Hoành Sơn, miếu Thống Chinh, đình Trung Cần… do ông dày công sưu tầm tư liệu, mày mò dịch các văn bản chữ Hán cổ, tìm lại nguồn gốc lịch sử đến nay đã có những công trình được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Chia tay người cán bộ lão thành 82 tuổi đời, 63 tuổi Đảng, 2 lần vinh dự được gặp Bác Hồ, chúng tôi tâm niệm với câu nói của ông: “Người dân bên dãy Trường Sơn còn nghèo lắm. Chúng ta, những người được sống trong hòa bình hôm nay, phải có trách nhiệm với những người còn sống và cũng đừng bao giờ quên tri ân những người đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc…”.
Hồ Thu
Nguồn http://www.sggp.org.vn/nguoi-lai-do-song-lam-200103.html