Năm mới, bàn thêm về tính cách Người Nghệ
admin100
2018-12-13T08:14:01-05:00
2018-12-13T08:14:01-05:00
http://nguyenduyxuan.net/que-huong-dat-nuoc/nam-moi-ban-them-ve-tinh-cach-nguoi-nghe-328.html
http://nguyenduyxuan.net/uploads/news/2016_09/vo-cam.jpg
Nguyễn Duy Xuân
http://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Thứ hai - 09/01/2017 21:37
Bàn luận về tính cách người xứ Nghệ không phải là một vấn đề mới. Trước đây đã có nhiều nhận định của các nhà nghiên cứu và cơ bản đều đạt được nhiều sự đồng thuận. Tuy nhiên, tại các điểm nhìn khác nhau, về không gian, thời gian khác nhau, có thể có những phát hiện khác nhau. Với nhận thức đó, nhân dịp đầu xuân, VHNA đã trao đổi bàn tròn với một số nhà nghiên cứu, nhà báo quan tâm đến vấn đề này. Xin giới thiệu với bạn đọc như là một gợi mở để chúng ta tiếp tục tìm hiểu và có những phát hiện mới trong đề tài thú vị này.
Nhà báo Phan Văn Thắng (Tạp chí Văn hóa Nghệ An):Cách đây hơn 200 năm, Phan Huy Chú rồi Bùi Dương Lịch cũng đã có những nghận định của mình về tính cách, phẩm chất của Người Xứ Nghệ. Hồi đầu thế kỷ XX, Phan Bội Châu, rồi đến giữa tk XX, đến Đặng Thai Mai, và sau đó là Trần Quốc Vượng, Vũ Ngọc Khánh, tiếp đến Chu Trọng Huyến và nhiều người khác đều đã có những nhận định của riêng mình. Gần đây, trong Nghị quyết số 05 ngày 14/12/2016, của Tỉnh ủy Nghệ An về việc xây dựng con người và gia đình Nghệ An trong thời kỳ mới cũng đã có đưa ra một hệ thống các phẩm chất của người Nghệ. Xa hơn, cách đây 20 năm, tỉnh Nghệ an cũng đã có một chương trình nghiên cứu khoa học về người Nghệ do PGS Lê Bá Hán chủ trì. Nhắc điều này để nói rằng đây là vấn đề được nhiều người, nhiều thế hệ quan tâm.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, việc nhân thức về một đối tượng có thể chưa và không bao giờ có kết quả cuối cùng vì nó có tính lịch sử. Mỗi không gian, thời gian cụ thể có thể có những hệ quy chiếu khác nhau, những thông tin, thông số khác nhau để có những nhận biết, nhận định khác nhau. Trong trường hợp này cũng vậy, càng vậy, vì đây là vấn đề Con Người.
Trên tinh thần đó, chúng tôi nghĩ là chúng ta có thể trao đổi lại, trao đổi thêm về vấn đề này để biết đâu lại có thể có những nhận biết mới để trả lời câu hỏi là liệu tính cách người xứ Nghệ có gì khác với người các xứ khác? Và, nếu có thì khác ở chỗ nào?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ (Khoa Văn học, ĐHKHXHNV Hà Nội):Tôi làm văn hóa dân gian nên tôi sẽ nói theo kiểu dân gian. Dân gian thì nó vừa là chân lý vừa không là chân lý, có đúng có sai nhưng cái dân gian cũng dễ trở thành những ý kiến được tôn trọng. Theo folklore tổng kết thì người Nghệ có 3 đặc tính quan trọng. Trước hết, người Nghệ gàn. Có người hiểu Gàn một cách tích cực, có người hiểu theo nghĩa tiêu cực. Tôi thì tôi nghiêng về phía gàn một cách tích cực. Điều kiện cư dân, tự nhiên rồi hình thành tính cách trong lịch sử cho ta thấy cái gàn của người Nghệ là thể hiện sự khẳng khái, giàu tính chất phản kháng - phản kháng với cái sai, cái chưa đúng. Chúng ta thấy lịch sử cư dân Nghệ là một lịch sử lâu dài, hàng ngàn năm. Đây hoặc là nơi triều đình cử những vị tướng giàu năng lực nhất vào để khai phá hoặc là những người do biến động triều đình phải vào đây. Họ giàu lòng trung thành với một thiết chế trước đó và nhiều khi chán nản, bất bình với thiết chế hiện tại. Sau này, tất cả các cuộc thay đổi triều đại, Lý sang Trần, Trần sang Hồ, rồi Lê, đặc biệt là Lê Mạc, những người trung thành với một thiết chế cũ đều dạt vào đất Nghệ. Cộng đồng đó tồn tại và tạo ra một tinh thần phản kháng rất lớn. Bên cạnh đó, các cuộc chiến tranh đều dùng xứ Nghệ là nơi để tiến hoặc lùi về nên tính chất phản kháng rất lớn. Tất nhiên cũng có những vùng tương tự như Quảng Nam, Bình Định nhưng ở đây tích tụ cư dân sớm, đông và tạo phong cách rõ rệt hơn. Cho nên khi người Nghệ đi ra, thấy gì bất bình sẽ phản kháng trực tiếp và mãnh liệt. Tuy nhiên, những cư dân buôn bán, làm kinh tế thì người ta ít phản kháng hơn do những tính toán về lợi ích. Tính gàn của người Nghệ khi bước vào con đường kinh tế thường gặp khó khăn do thiếu uyển chuyển và tính mục đích không cao, tính thể hiện vì công lý cao hơn. Thứ hai là đặc tính liên quan đến câu chuyện con cá gỗ. Đây là một chuyện dân gian mà tích của nó có từ thời Đường. Nó thường được hiểu là sự tằn tiện, thậm chí là bủn xỉn. Theo tôi, cái này chủ yếu là từ tính chịu khổ mà ra và chủ yếu do những người ngoài nhìn vào. Chứ thực chất, so với người Bắc Bộ thì tôi thấyngười Nghệ không phải là quá tằn tiện. Người Nghệ thường để ý những cái lớn hơn. Họ sống cho người khác nhiều, dễ nhường lợi ích cho người khác mà ít tính toán lợi ích cho mình. Khi họ đi ra, họ thường ý thức nhường lại quyền lợi cho người ở nhà chứ không dành phần thừa kế cho mình. Đây cũng là một thể hiện cho thấy tư duy về kinh tế của người Nghệ. Nguyên nhân là do sinh sống trong khu vực có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, sự khắc nghiệt đó khiến người ta có tư duy “thêm một tí không giàu mà bớt một tí cũng không nghèo”, lại thêm thiên tai bão lụt hàng năm, có tích lũy được mà bị thiên tai lấy mất thì cũng như không. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên khiến người Nghệ giỏi chịu khổ. Người ngoài nhìn vào thấy thế nghĩ là bủn xỉn. Nhưng thực chất trong đối xử người Nghệ rất phóng khoáng, ít toan tính cá nhân mà thiên về chia sẻ lợi ích cộng động nhiều hơn.
Nhà báo Phan Văn Thắng:Tôi rất chú ý đến một điểm trong ý kiến của anh. Đó là tư duy kinh tế của người Nghệ yếu kém. Do điều kiện tự nhiên, trước đây, trong kinh tế nông nghiệp, tự cấp là chủ yếu thì sự tính toán lợi ích là không cao. Vậy đó là phong cách làm kinh tế hay là tư duy, năng lực làm kinh tế.
NNC Nguyễn Hùng Vỹ:Tôi nghĩ đó phong cách là chính. Bởi lẽ với người Nghệ nghĩ anh có tích lũy nhiều đi nữa thì chỉ cần thiên tai, chỉ cần chiến tranh là cũng trở về như nhau. Người ta quá từng trải về điều đó nên nhu cầu tích lũy hàng ngày không có. Thứ hai, chúng ta thấy không gian chợ quê ở Nghệ rất thưa thớt, cách trở sông đò, thị trường hình thành muộn. Từ đó hình thành nên phong cách ít nghĩ đến việc tính toán lợi ích kinh tế. Chúng ta quan niệm nhiều khi “Căn cơ không lại trời”. Chúng ta học hành thì hay nhưng mà tính toán thì thua. Do điều kiện tự nhiên, xã hội nó tạo nên như thế.
Nhà báo Phan Văn Thắng:Nhân anh nói đến việc học. Vậy anh có thể làm rõ hơn phải chăng người Bắc học thực dụng sớm hơn người Nghệ? Người Nghệ có phải học vì sĩ diện, để lấy lại hào quang truyền thống cha ông là chính hay học để thành tài, để đi ra lập nghiệp?
NNC Nguyễn Hùng Vỹ:Tôi thấy thế này, ở Bắc Bộ không học họ cũng có thể sống được bằng rất nhiều nghề. Còn chúng ta không học thì nhất định nghèo. Thứ hai là còn bởi truyền thống hiếu học của các dòng họ.
Nhà báo Phan Văn Thắng:Vậy, xét cho cùng, ngoài ngôn ngữ ra, người Nghệ có phẩm chất gì khác/nổi trội hơn hẳn so với người xứ khác không?
NNC Nguyễn Hùng Vỹ:Tôi thấy tính phân chia đẳng cấp và tôn ti của người Nghệ mờ nhạt hơn ở Bắc Bộ. Các thiết chế văn hóa cổ truyền của Bắc Bộ gần như đầy đủ và được gìn giữ khá nguyên vẹn. Mô hình cổ truyền của chúng ta có nhưng sơ sài. Khi vào một cuộc chơi chung thì người Nghệ thường có biểu hiện “Cá đối bằng đầu”. Nói đó là khát vọng dân chủ, tự do cao cũng được. Tuy nhiên bên cạnh đó, nó cũng dẫn đến sự thiếu đi nề nếp, trật tự và dễ dẫn đến tính vô tổ chức.
Nhà báo Phan Văn Thắng:Người Nghệ sống trong điều kiện đất rộng người thưa, mức độ phụ thuộc lẫn nhau thấp hơn, khó chi phối lẫn nhau và thiết chế xã hội cũng lỏng lẻo hơn so với Bắc Bộ. Thành phần cư dân người Nghệ lại phức tạp, có cả những tinh hoa của các giai đoạn nhưng cũng có cả những người trong lịch sử vì phạm tội, nổi loạn mà bị đầy vào vùng này, sau nhiều năm mà thành cư dân ở đây. Tinh thần phản kháng lại cao nên khó để chấp nhận các thiết chế xã hội chặt chẽ. Và xứ Nghệ cũng chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa ít hơn so với ngoài Bắc Bộ do đặc trưng về địa lý.
Chúng ta hay nói đến lòng yêu nước. Tôi thấy nguyên lý chung thường là có yêu gia đình rồi mới yêu làng, yêu nước. Trong khi đó mức độ lệ thuộc cộng đồng của người Nghệ ít hơn so với Bắc Bộ. Vậy liệu lòng yêu nước có phải là một phẩm chất nổi bật hơn của người Nghệ so với nơi khác không? Tại sao?
NNC Nguyễn Hùng Vỹ:Tôi nghĩ có khi chúng ta dễ nhầm lẫn giữa yêu thể chế và yêu nước. Người Nghệ thường hướng thượng, trung với thể chế hơn. Họ trung với lý tưởng của thể chế đó từ khi bắt đầu xây dựng chứ không hẳn với một người cụ thể nào. Thứ hai, trong lịch sử, xứ Nghệ xa kinh thành hơn nên khi các triều đại khi bị đánh, bị xâm lăng thì người ta thường dùng đất này để lùi và để tiến. Khi đó, những người có công với dân tộc, với thể chế thì gọi là yêu nước thôi.
Nhà báo Phan Văn Thắng: Vậy yêu nước là tự giác hay là tình thế?
Nhà báo Hồ Bất Khuất (Tạp chí Gia đình & Trẻ em) :Theo tôi thế này, cái nguyên lý yêu gia đình mới đến yêu làng xóm, yêu nước như anh nói là không đúng. Yêu gia đình là tình cảm gắn bó thân thiết còn nói đến lòng yêu nước là nói đến một cấp độ khác. Khi cần đến lòng yêu nước là cần đến sự hy sinh rồi, sẵn sàng từ bỏ lợi ích riêng vì đất nước. Yêu nước không có chỗ cho sự hưởng thụ. Chính vì thế nói người Nghệ yêu nước là đúng vì người Nghệ có cái ngông nghênh hơn, xem thường vật chất hơn.
TS Nguyễn Duy Bình (Đại học Vinh):Tôi nghĩ , yêu nước cũng cần được đặt vào các tình thế, thể hiện trong môi trường, điều kiện cụ thể. Yêu nước nó liên quan đến yêu lãnh thổ chứ không phải ở thể chế chính trị. Khi chiến tranh thì dễ nhận ra lòng yêu nước vì người ta chấp nhận hy sinh cho dân tộc. Nhưng trong cuộc sống thường ngày hiện nay, để nhận biết lòng yêu nước là hơi khó và do vậy mà khó so sánh giữa người Nghệ và người nơi khác. Vậy cần xem xét các khái niệm mà chúng ta đang trao đổi đây sao cho hợp lý nhất.
Nhà báo Trần Quang Đại (Báo Lao động):Tôi nghĩ, hiện nay, khi làm một việc nào đó mình có nhiều lựa chọn. Nếu lựa chọn theo hướng có ích cho cộng đồng thì cũng đã được xem là yêu nước.
NNC Nguyễn Hùng Vỹ:Các khái niệm luôn có tính lịch sử của nó và khi sử dụng cũng phải xem xét đến vấn đề này. Yêu nước cũng gắn liền với các điều kiện lịch sử cụ thể và mang những nội dung cụ thể của nó. Khái niệm yêu nước của chúng ta trong quá khứ thường gắn với hy sinh cho độc lập dân tộc vì chúng ta là một dân tộc phải đối mặt nhiều với chiến tranh. Do đó, nội hàm lớn nhất của yêu nước vẫn là nội dung đó. Cho đến giờ nó vẫn như vậy và có lẽ vĩnh viễn như vậy. Sau đó là đến tư cách quốc gia.
Nhà báo Phan Văn Thắng:Tôi thì thấy rằng người ở vùng miền khác cũng yêu nước nhưng phải chăng họ ít có điều kiện để bộc lộ hơn so với người Nghệ. Vị trí địa lý trong lịch sử đặt người ở đây trong tình thế không thể không đứng lên đấu tranh. Mặt khác do là tính chất “dồn toa”, người ở đây thường có tính phản kháng mạnh. Từ tư duy phản kháng dẫn đến hành động yêu nước và dần hình thành truyền thống yêu nước.
TS. Nguyễn Duy Bình: Tôi thấy tình yêu nước của người Nghệ có thể được bộc lộ rõ hơn vì bộc lộ nhiều lần hơn chứ không thể nói hàm lượng yêu nước, tình yêu nước nhiều hơn nơi khác được.
NNC Nguyễn Hùng Vỹ:Tôi thấy , khi mà đã có Tổ quốc thì yêu nước là một hằng số cho mọi người, chỉ có khác nhau ở tính chất. Có những dân tộc người ta yêu tôn giáo hơn quốc gia họ. Mỗi quốc gia đều có sự lựa chọn chính của họ. Sự lựa chọn nhiều khi cũng do tình thế đặt vào. Và Việt Nam cũng vậy. Tình thế người Nghệ khiến cho người dân ở đây bộc lộ yêu nước rõ hơn.
Nhà báo Trần Hoài (Báo Quân đội Nhân dân):Tôi nghĩ rằng nên xem xét yêu nước ở góc độ nhu cầu. Vậy nên phải xem nhu cầu yêu nước của người Nghệ có cao hơn nơi khác và có được đáp ứng hay không, hay đáp ứng như thế nào? Trong hoàn cảnh nào thì người ta thể hiện lòng yêu nước lên cao nhất.
NNC Nguyễn Hùng Vỹ:Tôi nghĩ cũng là yêu nước cả nhưng hình như dân Nghệ giàu đức hy sinh hơn. Bởi vì như tôi đã đề cập ở trên họ ít tích lũy, không có ý thức bảo vệ gia sản cao như ở vùng khác. Khi con người ta ít mất đi thì người ta dễ hy sinh hơn. Có lẽ là như vậy mà người Nghệ có một kiểu, tính chất yêu nước khác hơn.
TS Nguyễn Duy Bình:Nếu nói như vậy thì chúng ta cần có những thống kê cụ thể như trong các cuộc chiến tranh, người Nghệ tham gia và hy sinh nhiều hơn so với các nơi khác hay không. Nếu không có những con số thống kê thì lập luận này của chúng ta khó thuyết phục người khác và lòng yêu nước cũng khó để tìm được một chỉ số để thống kê.
Nhà báo Hồ Bất Khuất:Tôi nghĩ rằng để tìm được những phẩm chất nổi trội hơn hẳn của người Nghệ so với nơi khác là vấn đề khó, không chỉ là lòng yêu nước mà những phẩm chất, tính cách khác cũng vậy. Người Nghệ không hơn hẳn nơi khác cái gì nhưng cái gì cũng hơn một chút. Ngông nghênh hơn một chút, chịu khổ, chịu khó hơn một chút, ham học hơn một chút, cục bộ cũng hơn một chút, chịu chơi hơn một chút hay ưu tiên giá trị tinh thần hơn vật chất một chút... Vậy nên tổng lại thì cũng có chút trội hơn so với nơi khác.
Bùi Minh Hào (Tạp chí Văn hóa Nghệ An):Nhà nhân học Mỹ là James C. Scott khi nghiên cứu các tài liệu về phong trào đấu tranh của người dân xứ Nghệ trong phong trào xô viết Nghệ Tĩnh đã tổng kết rằng người dân ở đây là những người nông dân duy tình/hợp tình. Có thể coi đây cũng là một phẩm chất quan trọng trong tính cách của người Nghệ. Họ sống thiên về tình cảm hơn là về lý trí, trong cuộc sống, trong sự ứng xử hàng ngày thể hiện rõ điều đó hơn. Chính vì người Nghệ sống trọng tình nên họ hay sống theo cảm xúc, nhiều khi thiếu lý tính, và khi những cảm xúc này được thôi thúc bởi những tư tưởng bạo động thì người Nghệ dễ nổi lên tranh đấu và dễ lan rộng ra nhiều cộng đồng do sự đồng cảm về văn hóa, về sự trọng tình. Đó cũng là lý do người Nghệ thường rất hăng hái tham gia các cuộc đấu tranh cách mạng hay chiến đấu chống ngoại xâm. Nhưng cũng vì trọng tình, thiên về cảm xúc nên họ dễ chuyển từ thái cực này sang thái cực khác. Khi đấu tranh cách mạng thì họ đi đầu nhưng khi cách mạng văn hóa thì người Nghệ cũng hăng hái tham gia nhất. Và chính sự trọng tình nên người Nghệ dễ cục bộ, ít tính toán nên cũng dễ bị lợi dụng và dễ xử sự theo cảm xúc mà quên mất luật lệ, nguyên tắc. Người Nghệ khi làm thì làm hiệu quả không ai bằng nhưng khi phá, phản kháng thì cũng không ai bằng.
TS Nguyễn Duy Bình:Có thể nói rằng người Nghệ sống thiên về duy cảm hơn duy tính. Thế nên người Nghệ dễ bị kích động.
Nhà báo Phan Văn Thắng: Vậy có thể nói nền tảng hành vi người Nghệ phụ thuộc nhiều vào tình cảm hơn lý trí được không?
Nhà báo Trần Quang Đại:Tôi không đồng ý điều đó. Tôi nghĩ nếu cứ bàn luận thế này thì chúng ta sẽ chẳng đi đến đâu cả mà cần khu biệt các vấn đề lại. Ví dụ như người Nghệ cổ và người Nghệ hiện nay thì khác nhau không? Quan chức người Nghệ và dân Nghệ có gì khác nhau? Nó đang vận động như thế nào?
TS Nguyễn Duy Bình:Có thể chúng ta phải xem xét người Nghệ qua các cặp phạm trù như duy cảm và duy lý, hướng nội và hướng ngoại; văn minh và hoang dã,…Tôi rất muốn phân tích tính hoang dã của người Nghệ như thế nào? Cần nhìn nhiều mặt hơn để đánh giá về tính cách của người Nghệ.
Phan Trang Đoan (TC VHNA): Tôi đồng tình với anh Trần Quang Đại. Bàn về tính cách người Nghệ trong quá khứ đã có nhiều rồi. Vì thế chúng ta nên tập trung xem tính cách người Nghệ hiện nay đang có những biến đổi như thế nào? Theo chiều hướng nào? Họ đang dần loại bỏ những tính xấu hay đang ngày càng tiếp thu những tính xấu và mất dần những nét hay riêng của người Nghệ?
Nhà báo Hồ Bất Khuất:Nếu nói đến sự vận động tính cách của người Nghệ thì tôi thấy theo chiều hướng khá cực đoan. Có nghĩa là người tốt thì tốt hơn và người xấu thì cũng sẽ xấu hơn.
NNC Nguyễn Hùng Vỹ:Người Nghệ cổ truyền làm kinh tế yếu hơn, người Nghệ bây giờ giao lưu nhiều, tư duy kinh tế tốt hơn. Một khi đã quyết tâm thì họ sẽ làm được rất nhiều việc và có thể thay đổi cuộc sống nhanh chóng từ thái cực này sang thái cực kia. Họ khá cực đoan, hoặc là không có gì hoặc là có thật vẻ vang.
Nhà báo Phan Văn Thắng:Nói tóm lại, qua ý kiến trao đổi vừa rồi thì chúng ta rút ra thêm một số phẩm chất quan trọng và nổi trội của người Nghệ trong lịch sử là: tư duy làm kinh tế hạn chế, tính ngông, chơi trội, sĩ diện, thị tài, phóng khoáng hơn, cực đoan hơn, trung thành hơn.
Nhà báo Hồ Bất Khuất: Nên lưu ý phóng khoáng ở đây là tính cách chứ không phải cách sống. Người Nghệ lãng mạn hơn, sức tưởng tượng lớn hơn. Có lẽ là bởi không gian địa lý, điều kiện tự nhiên đã tạo nên như vậy. Tất cả những tính cách ấy có mối liên hệ với nhau chặt chẽ với nhau. Tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh ở điểm cực đoan của Người Nghệ. Thế nên cái gì họ cũng hơn thiên hạ một tí, cả xấu lẫn tốt.
TS Nguyễn Duy Bình: Tôi thấy người Nghệ còn có khả năng hòa nhập với cộng đồng tốt.
Phan Trang Đoan: Tôi không đồng ý điểm này. Tôi lại thấy khả năng hòa nhập của người Nghệ không tốt. Họ khó hòa nhập hơn so với người ở vùng miền khác.
Nhà báo Phan Văn Thắng: Tôi thấy người Nghệ hiện nay nhìn chung khó hòa nhập. Vì thế mà mới có hiện tượng không nhận công nhân, lao động người Nghệ ở một số nơi.
Nhà báo Trần Quang Đại: Chúng ta có thể nghiên cứu những trường hợp điển hình của người Nghệ từ quá khứ đến hiện tại. Từ đó tìm ra những phẩm chất của người Nghệ. Hay tiếp cận những người Nghệ đi xa và những người Nghệ ở quê để xem xét sự thay đổi văn hóa trong người Nghệ giữa các điều kiện khác nhau. Có nhiều trường hợp, người Nghệ đi xa về và tiếp nhận các yếu tố văn hóa nơi khác rồi về quê hương thực hành làm biến đổi bản sắc văn hóa quê nhà. Tôi cảm giác người Nghệ đang đánh mất dần đi những bản sắc của mình.
NNC Nguyễn Hùng Vỹ:Tiếp xúc văn hóa và sự giao lưu văn hóa, hòa tan bản sắc giữa các nền văn hóa với nhau là xu thế chung của nhân loại, của cả nước và các địa phương, các cộng đồng khác cũng như vậy. Người Nghệ cũng như vậy nhưng tôi thấy chúng ta vẫn giữ được một số thứ.
Nhà báo Hồ Bất Khuất:Người Nghệ học cái gì cũng nhanh hơn một chút so với nơi khác nên cái tốt cũng vào nhanh mà cái xấu cũng vào nhanh . Ví dụ như trong kinh tế, khi người Nghệ tập trung vào việc làm ăn kinh tế thì họ cũng sẽ phát triển rất tốt. Bằng chứng là có nhiều doanh nhân người Nghệ hiện đang rất thành đạt và giàu có bậc nhất trong nước. Tôi nghĩ điều này cũng cần phải cảnh giác. Nếu muốn tốt thì chúng ta phải xác định giữ lại cái giá trị, tính cách cốt lõi. Tôi thấy cái ngông, cái tiết tháo của người Nghệ rất hay và cần giữ lại chứ. Tôi đã từng phát biểu khi về trường THPT Phan Bội Châu rằng: Chúng ta đào tạo cái gì cũng được nhưng không còn đạo tạo được các nhân sĩ nữa rồi. Đáng lẽ ra cái gốc của Nghệ An phải là đào tạo ra một phần trăm những người như thế chứ - những người tài giỏi, có đạo đức, không màng đến lợi danh. Tôi cũng muốn nhấn mạnh cái tốt trong tính cách của người Nghệ mất dần đi một phần do giáo dục.
NNC Nguyễn Hùng Vỹ:Người Nghệ có tính tự nhiệm rất cao, bất cứ trong tổ chức nào. Họ tự tin và tự nhận trách nhiệm ở nhiều cương vị, nhiều công việc cộng đồng khác nhau. Là những người có tính tự trọng cao, ít tính toán lợi ích cho mình nên họ hăng hái làm việc và được cộng đồng xunh quang tôn trọng, yêu mến.
Phan Trang Đoan: Nhưng liệu có khi nào là bởi họ thích danh hơn, thích thể hiện hơn không?
TS. Nguyễn Duy Bình: Tôi thấy điều này cũng có logic của nó. Như chúng ta đã nói người Nghệ tính thích phô trương. Có thể từ đó dẫn đến điều này.
NNC Nguyễn Hùng Vỹ: Tôi không nghĩ là như thế. Tổ trương dân phố thì danh gì ở đây? Chỉ là xuất phát từ việc họ muốn đóng góp, từ trách nhiệm thôi.
Nhà báo Phan Văn Thắng:Nền tảng của tinh thần tự nhiệm là sự tự trọng.Tôi thì thấy tính tự nhiệm của người Nghệ hiện nay không cao bằng trước đây. Khát vọng cũng không cháy bỏng như trước nữa. Đây là một sự chuyển đổi khác trước khi mà tính thực dụng đang được đẩy lên cao. Cần phải có những biện pháp giáo dục cụ thể để cho các thế hệ tiếp sau có tính tự nhiệm cao hơn, khát vọng cháy bỏng hơn và giàu tinh thần cống hiến cho xã hội hơn. Về nhận thức cũng cần phải thay đổi lại, không nên giáo điều và háo danh. Bên cạnh đó, sự thay đổi cũng thể hiện trong tinh thần chia sẻ với cộng đồng. Trước đây, sự chia sẻ cộng đồng của người Nghệ rõ ràng hơn, còn bây giờ thì yếu hơn nhiều. Đây có thể là do sự thay đổi về thiết chế xã hội, tác động của kinh tế thị trường, sự khu biệt bởi các không gian riêng từng gia đình.
Nhà báo Hồ Bất Khuất:Cũng cần phải nhìn nhận rằng, thời gian gần đây chúng ta đang trong tình trạng tù túng nhiều phương diện và chưa có cách để vượt qua. Trong khó khăn thì tất nhiên có những thay đổi thôi. Có người sẽ tự mài mòn mình đi một chút để phù hợp, để tồn tại. Dù có thể bị bào mòn đi nhưng tôi nghĩ đã là người Nghệ không bao giờ có thể mất đi được tính Nghệ. Người Nghệ phần lớn vẫn giữ được phẩm giá của mình, họ yêu tự do và luôn muốn tranh đấu cho lẽ phải. Tuy nhiên, đấu tranh hiện tại cần phải có phương pháp thích hợp, phải bình tĩnh, sáng suốt và đúng đắn.
Bùi Minh Hào:Chúng ta hay nói người Nghệ cần cù, chịu khó, trung thực. Nhưng sự thật hiện nay có một bộ phận dưới tác động của chính sách xã hội, kinh tế thị trường đang có tâm lý ỷ lại, lười lao động và có cả sự gian dối. Những câu chuyện từ việc khai gian tuổi để nhận trợ cấp, cả người đã chết lâu năm cũng khai còn sống để nhận trợ cấp người già, rồi căn bệnh thích được làm “hộ nghèo” để được hưởng chế độ... vẫn khá phổ biến ở nông thôn. Sự tha hóa đang ăn mòn, đè nặng lên người Nghệ và đó là một nguy cơ cho việc người Nghệ đánh mất những phẩm chất tốt đẹp của mình. Muốn giữ được những phẩm chất tốt đẹp thì con người phải giữ sự tự trọng, khi vứt bỏ sự tự trọng thì những phẩm chất khác cũng sẽ mất mát theo.
NNC Nguyễn Hùng Vỹ:Có một nhà nghiên cứu nước ngoài đã đưa ra một bảng phân loại các hệ thống giá trị chủ đạo của các quốc gia. Họ cho rằng giá trị của người Việt Nam là nhân và nghĩa. Theo thời gian, do những biến động lịch sử - xã hội, tôi thấy tính thiện bị mai một. Vậy nên, hiện tại, hệ giá trị chủ đạo cần phải được khôi phục lại.
Nhà báo Hồ Bất Khuất: Tôi còn thấy người Nghệ hơi cả tin. Đó là do họ chủ quan, tin vào nhận định của mình mà không cần xem xét lại vấn đề.
Nhà báo Phan Văn Thắng:Có phải vì họ có tư duy đơn giản nên mới cả tin? Có lẽ lịch sử cũng đã chứng minh cho sự cả tin này.
Nhà báo Hồ Bất Khuất: Người Nghệ còn có tính tự trào. Những thói hư tật xấu của người Nghệ cũng do chính người Nghệ tự phát hiện và đưa ra đấy chứ. Nói cách khác đó là tinh thần tự phê cao. Khi sống ở nước ngoài, hay xa quê nói chung, tôi nhận thấy tinh thần đồng hương của chúng ta rất lớn. Đó chỉ là một nhu cầu giao tiếp, nhu cầu tình cảm chứ không cần tiền bạc gì cả. Tuy nhiên càng gắn bó lại, sinh hoạt với nhau càng nảy sinh nhiều vấn đề khác.
Nhà báo Trần Quang Đại: Chúng ta có cần nghiên cứu từng tiểu vùng trong xứ Nghệ không? Những trường hợp dị biệt?
Nhà báo Phan Văn Thắng:Điều này cũng đã có nhiều người nói rồi. Khi nói về tính Nghệ người ta cũng có so sánh sự khác nhau giữa Nghệ An và Hà Tĩnh. Trước đây ông Trần Quốc Vượng là người đầu tiên nói về sự khác nhau này, sau đó là ông Vũ Ngọc Khánh. Quan điểm chung là: người Hà Tĩnh ôn hòa, nhẹ nhàng hơn nên hướng đến văn chương, nghệ thuật nhiều hơn, còn người Nghệ An mạnh mẽ hơn, quyết đoán hơn nên theo đuổi chính trị, làm quan nhiều hơn.
Nhà báo Hồ Bất Khuất: Tôi nghĩ rất khó có kết luận về vấn đề này.
Nhà báo Phan Văn Thắng: Vậy tóm lại, tính cách của người Nghệ là sự cần cù, chịu khó, ham học, thị tài, sống tình cảm, tính tự nhiệm cao, phóng khoáng, yêu tự do, yêu dân tộc và dễ chấp nhận hy sinh vì lợi ích quốc gia. Nhưng người Nghệ cũng có tính ngông nghênh, cực đoan, chơi trội, sĩ diện, tư duy kinh tế hạn chế, dễ bị kích động... Hiện nay, tính cách của người Nghệ cũng đang có nhiều thay đổi quan trọng cả theo hướng tích cực lẫn tiêu cực. Để cho người Nghệ dù thế nào đi nữa cũng vẫn là người Nghệ thì cần xem xét để lựa chọn được những giá trị cốt lõi của người Nghệ nhằm phát huy trong quá trình phát triển và xây dựng quê hương. Đó cũng là mong muốn của tất cả chúng ta khi tham dự tọa đàm bàn tròn này.
Xin cảm ơn quý vị và kính chúc quý vị có một năm mới thành công và hạnh phúc!
Nguồn http://vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/nam-moi-ban-them-ve-tinh-cach-nguoi-nghe