Hồ Quý Ly, ông là ai?

Thứ hai - 28/06/2021 02:25
Vanvn- Nhân tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (1933 – 2021) vừa qua đời, tôi muốn bạn cùng tôi đọc lại cuốn tiểu thuyết lịch sử “Hồ Quý Ly” của ông được Nhà xuất bản Phụ Nữ in bản đầu tiên năm 2000.


Tác phẩm này sau đó đã được in lại nhiều lần, được giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam và nằm trong cụm tác phẩm được Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật trao cho nhà văn năm 2017. Bài viết của tôi viết ngay sau khi cuốn tiểu thuyết được in lần đầu.

1. Cầm một cuốn tiểu thuyết lịch sử trên tay, trước khi mở đọc, có hai câu hỏi bật lên trong tôi: một, tác giả chọn thể hiện nhân vật lịch sử nào, và ở nhân vật được chọn đó tác giả thể hiện thời điểm cuộc đời nào; hai, tác giả đã chuyển hóa lịch sử thành tiểu thuyết đến mức nào. Nếu khi đọc xong sách, tôi thấy thỏa mãn được hai câu hỏi, nhất là cho câu thứ hai, cuốn sách ấy theo tôi đáng gọi là tiểu thuyết lịch sử.

Không nhiều cuốn thỏa mãn được cả hai, thường thì phần sử nặng hơn, át hơn phần tiểu thuyết. Tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh tự cái tên đã trả lời câu hỏi một cho tôi. Ông lấy ngay tên nhân vật lịch sử đặt tên sách, đây cũng là điều ít thấy ở các nhà tiểu thuyết lịch sử. Cũng ít thấy ai viết về nhân vật lịch sử này. Thường người ta lấy nhân vật ở các vị vua sáng, vua hùng để ca ngợi, chứ ít ai chọn các vị vua tối, vua bi để ngẫm ngợi, luận bàn. Và ba tiếng “Hồ Quý Ly” gợi ngay được hứng thú.

Trong lịch sử các triều đại Việt, xét dưới góc độ văn học, có lẽ nhà Hồ có nhiều chất tiểu thuyết nhất. Bởi sự phán định lịch sử dường như quá rành mạch và đơn giản về  triều đại này suốt sáu trăm năm qua lại khiến nảy ra câu hỏi: Hồ Quý Ly, ông là ai? Đây là chỗ nhà văn lên tiếng.

2. Tác phẩm bắt đầu từ hội thề Đồng Cổ ở Thăng Long dưới triều vua Trần Nghệ Tông và kết thúc bằng hội thề Đốn Sơn tại Tây Đô đặt dấu chấm hết 175 năm cơ nghiệp nhà Trần. Khoảng thời gian giữa hai hội thề là thời điểm căng thẳng và quyết định của một con người có tên gọi Hồ Quý Ly lúc này đang giữ chức thái sư nhà Trần.

Chính những sự việc, hành động của Hồ Quý Ly trong khoảng ba mươi năm tham gia chính sự nhà Trần đã khắc tên ông vào sử nước nhà bằng hai dấu nung đỏ: kẻ cướp ngôi tàn bạo và nhà cải cách táo bạo. Triều đại ông dựng lên, nhà Hồ, chỉ tồn tại 7 năm (1400 – 1407), nó sụp đổ cùng với việc giang sơn xã tắc Đại Việt rơi vào tay giặc Minh, khi hai cha con vua Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương bị sa cơ tại bãi biển Kỳ La (Hà Tĩnh). Sử viết: nhà Hồ làm mất nước vì không được lòng dân, hệ quả của “kẻ cướp ngôi” và “nhà cải cách” trong một con người.

Thật thế chăng? Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh không dám vi phạm gì lịch sử, ông theo đúng biên niên sử quan các đời đã biên chép, nhưng là nhà tiểu thuyết ông nhìn vào bên trong con người, cố hình dung và diễn tả những vận động tinh thần của những nhân vật lịch sử có thật mấy trăm năm trước. Ông đã làm được điều này; nhân vật lịch sử của ông là những cá nhân mâu thuẫn giằng xé, một bên là thúc bách (tất yếu) lịch sử, một bên là đòi hỏi (tất yếu) con người, trước thử thách vận mạng của đất nước, chúng dân.

Thượng hoàng Trần Nghệ Tôn trước lúc nhắm mắt xuôi tay mới nhận được ra một điều ghê gớm: “Chính bản thân ông là người đỡ đầu ra cả hai phe phái cách tân và bảo thủ hiện nay trong triều đình. Chính ông là bà đỡ cho những cải cách của Quý Ly, đã giúp Quý Ly tiêu diệt những đối thủ, ngay cả khi đối thủ ấy là con cháu ông. Lại cũng vẫn chính ông là người muốn kéo dài đến vô hạn cơ nghiệp của nhà Trần, tổ tiên ông, mặc dầu ông biết điều đó không thực tế, mặc dầu ông biết các tôn thất, các cựu thần nhà Trần ở mọi nơi hiện đang thối ruỗng” (trang 168). Điều này có thể biện minh cho việc ông tin tưởng trao phó gần hết các quyền lực triều chính cho Hồ Quý Ly được không?

Thượng tướng quân Trần Khát Chân, vị anh hùng đánh thắng quân Chiêm Thành của Chế Bồng Nga, từ đó bước lên chính trường Đại Việt: “Ông xuất hiện trong hoàn cảnh vừa vinh quang vừa gay go. Ông xuất hiện trong hoàn cảnh đụng đầu lịch sử giữa hai phái tôn thất thủ cựu và canh tân đang quyết liệt nhất. Lịch sử như cái guồng quay. Nó cứ quay, quay mãi và bắt buộc con người cũng phải quay theo” (trang 299). Điều này có thể biện minh cho việc một người hiểu thời thế phải đổi như ông nhưng lại tham gia tổ chức âm mưu hãm hại Quý Ly tại Tây Đô để bị chém treo đầu được không?

Hồ Nguyên Trừng, nhân vật duy nhất được tác giả cho xưng “tôi” và hình như gửi gắm nhiều ý tưởng nhất, là người hiểu rõ nhất, do đó cũng phân thân đau đớn nhất giữa cái tất yếu lịch sử và cái mù quáng lịch sử trong hành động của cha mình. Trong một cảnh cha con gặp nhau, tác giả nhìn qua mắt Hồ Nguyên Trừng: “Tôi thấy ánh mắt của cha đang nhìn tôi như cầu khẩn… và tôi chợt nhận ra nỗi cô đơn khủng khiếp của người… bảo là nỗi cô đơn của kẻ thoán nghịch cũng được… bảo là nỗi cô đơn của kẻ làm một việc lớn cũng được” (trang 101 – 102). Tại cuộc gặp này tác giả cho hai cha con họ Hồ luận bàn về sự thoán nghịch, điều vẫn canh cánh trong lòng Hồ Quý Ly, đúng hơn Hồ Nguyên Trừng thưa với cha mình về lẽ ân oán để được lòng dân:

“Việc thoán nghịch vốn lẽ tự nhiên. Chính nhà Trần lên ngôi vua cũng nhờ vào việc thoán nghịch. Nhà Trần cướp ngôi nhà Lý. Máu phải chảy thành sông… Có sao đâu. Sau đó oán đã thành ân. Con nghĩ đó mới là điều ta đáng suy nghĩ và lo lắng. Con nói lo lắng vì nhà Trần đã tạo được cái ơn sâu dầy cho Đại Việt. Hơn một trăm năm đại Việt hùng cường, thật là ơn sâu nghĩa dầy. Nhà Trần hiện nay đã thối ruỗng, đáng lật đổ. Và cha là người duy nhất hiện nay có thể lật đổ nhà Trần dễ dàng. Nhưng ơn sâu của nhà Trần với muôn dân thì cha có lật đổ được không” (trang 104).

Còn Hồ Quý Ly thấy không phải đưa sách Minh Đạo giảng cho con mình nữa, bởi vì: “Những người như Nguyên Trừng, những kẻ thông minh có thừa nhiệt huyết để làm anh hùng mà chẳng chịu làm; mỗi bước họ đi đều suy ngẫm đắn đo, họ bị sự nghi ngờ vò xé. Chính những người như vậy ông rất thích; bởi vì họ có thể là lỗi lạc; bởi vì đấu tranh với họ, đối thoại với họ, tức tự vật lộn, đối thoại với chính mình.

Sự đấu tranh ấy, sẽ xua tan nốt đi những ngờ vực bản thân, mà những tư tưởng dù lớn thế nào vẫn có; sẽ bịt nốt những kẻ hở, thiếu sót, mà một bộ óc phi phàm đến đâu cũng có thể mắc phải” (trang 484). Ở đây có chủ đề trí thức, thái độ của trí thức, sự lựa chọn của trí thức trước một khúc quanh lịch sử, một chủ đề khá quan trọng của tác phẩm này thể hiện ở các nhân vật Hồ Nguyên Trừng, Sử Quan Hoa, Đoàn Xuân Lôi.

3. Tạo dựng được những nhân vật ở thế lưỡng đôi phân thân như vậy, Nguyễn Xuân Khánh đã đúng viết tiểu thuyết lịch sử. Ông còn thành công ở mặt này với chi tiết hư cấu Hồ Quý Ly với pho tượng đá trắng tạc Huy Ninh công chúa vợ mình, và nhân vật hư cấu Sử Quan Hoa. Hồ Quý Ly, dưới mắt tác giả, là một khối mâu thuẫn lớn.

Trên chính trường ông phải bạo và gan, phải hùng và gian, nhưng khi đối diện chính mình, ông cảm thấy cô đơn, thấy có lỗi trước người vợ yêu: “Ôi! Người đàn bà thánh thiện của ông đã ra đi! Bà đã cho ông rất nhiều. Những việc ông làm được, phần nào nhờ bà nên mới có. Ông vật lộn giành giật, bà chẳng trách móc ông. Có lúc ông xé ruột xé gan kẻ thù và xé nát cả tâm hồn mình, bà giơ bàn tay trắng ngần xoa dịu lòng ông. Có lúc ông tàn nhẫn độc ác, bà sám hối thay ông” (trang 571 – 572).

Vì vậy đêm đêm Hồ Quý Ly thường vẫn đến trò chuyện trong tâm tưởng trước pho tượng trắng hình vợ như tìm về một khoảng lặng của tâm hồn. Tác giả hạ một câu lịch sử không có nhưng chấp nhận: “Và người đàn ông hùng mạnh ấy đã gối đầu lên chân pho tượng đá. Ông đi tìm gặp lại bà trong giấc mơ” (trang 572). Tôi tin, vua Hồ này sống lại sẽ biết ơn nhà văn đã cho ông biết sống đời người. Nhân vật Sử Quan Hoa là cái gương nhìn lịch sử của nhà tiểu thuyết, là sợi dây giúp người đọc phân định thế lưỡng đôi của các nhân vật khác.

Tác giả tôn trọng lịch sử, nhưng lịch sử trong tác phẩm là lịch sử của tác giả Nguyễn Xuân Khánh. Nếu không phải thế, không làm được thế, thì hãy bỏ tiểu thuyết xuống, đi mà đọc sử. Sử Quan Hoa nói lời tâm huyết trong hoàn cảnh mình đang sống: “Thời nay sao đẻ ra lắm kẻ cuồng. Họ đinh ninh với một ý tưởng, rồ dại vì suy nghĩ của mình, không từ một thủ đoạn nào, không dung tha cho một ai trái ý… Có đúng không? Có đáng hy sinh cho những điều như vậy không?

Ai cũng rồ dại vì những câu nói khoa trương. Họ có hiểu đâu được hồn nước mới là điều chính yếu. Chẳng ai thông minh hơn được hồn của núi sông mình. Ai đúng, ai sai? Khát Chân hay Quý Ly? Vả lại đường đi của hồn núi sống thật là ngoắt ngoéo. Đánh giá thành ư? bại ư? Có khi bại mà mấy trăm năm sau lại là thành. Có khi người đời chỉ vì mê muội mà kéo ánh sáng trở về bóng tối. Sự mơ màng lòe loẹt làm chậm bước chân của hồn núi hồn sông?” (trang 660 – 661).

Câu nói của ông già Sử đã thức tỉnh chàng trai họ Phạm đang định tìm cách mưu sát Hồ Quý Ly để trả thù cho cha. Phạm Sinh lánh đi. Còn Sử Quan Hoa sau đó bị một nhóm người bịt mặt không rõ phe nhóm nào giết. Nhân vật này của nhà văn chết bị “cắt toàn bộ cụm ngọc hành”. Một chi tiết rất tiểu thuyết.

4. Tôi trích dẫn khá nhiều vì tiểu thuyết lịch sử “Hồ Quý Ly” quả được viết có chất tiểu thuyết, không phải kiểu văn minh họa diễn nôm sử khá phổ biến ở nhiều người viết thể loại này. Cái cách mạch truyện kể theo số phận tính cách từng nhân vật diễn tiến giữa hai đầu biến cố hội thề là cách viết khôn ngoan. Kết quả tiểu thuyết là các nhân vật đã định vị trong sử sách bỗng hóa ra không dễ xác định trong văn sách.

Gấp tác phẩm lại, người đọc còn phải băn khoăn cho số phận họ, không thể đoan chắc họ là thế này hay thế kia, và không dễ hạ một lời khen chê khẳng định, mặc dù xin nhắc lại,  sử của sử đã phán xét họ rồi. Nhưng biết đâu sử của văn lại chẳng có một tác động nào đó đối với người thời nay trong việc luận cổ xét kim? Hồ Nguyên Trừng là nhân vật được dụng công xây dựng theo lối tiểu thuyết nhất, chàng vừa là người thế kỷ XV, vừa là người thế kỷ XX.

Những trang viết về cuộc tình Hồ Nguyên Trừng (có thật) và Thanh Mai (hư cấu) bay bổng, tinh tế, chứa đựng được nhiều điều, ví như sự giao thao văn hóa cung đình – thôn dã, Việt – Chăm. Giá như tác giả để “cái tôi” nhân vật này vận động sâu hơn nữa thì hay. Sự phức tạp của Hồ Nguyên trừng còn khá đơn giản và dễ dàng, xét ở góc độ nhân vật tiểu thuyết. Nhà văn còn nhìn nhân vật đẹp và lãng mạn quá, do đó ông không đẩy tới cái độ lẽ ra nhân vật có thể tới. Không riêng gì Nguyên Trừng, nhiều nhân vật khác trong tác phẩm cũng được tác giả ưu ái, đôi lúc vì thế chất văn lại hại chất sử.

5.Dịp đọc “Hồ Quý Ly”, vừa hay, trên màn ảnh nhỏ đang chiếu bộ phim truyền hình nhiều tập của Trung Quốc “Vương triều Ung Chính” (dựa theo tiểu thuyết “Hoàng đế Ung Chính”). Trong mười ba năm tại vị, ông vua này đã kiên quyết thi hành chính sách mới, cải cách kinh tế, vực dậy đất nước quan liêu trống rỗng cuối triều Khang Hy chuẩn bị cho triều Càn Long thịnh vượng tiếp sau. Liên hệ đến Hồ Quý Ly, ngẫm thương cho nước mình.

Do những điều kiện địa – lịch sử riêng biệt, Việt Nam luôn phải lo giữ nước hơn là phát triển đất nước. Nạn ngoại xâm luôn là mối đe dọa thường trực. Trong hoàn cảnh đó, những tư tưởng cải cách, canh tân ít được đề xuất, có đề ra cũng ít có cơ thực hiện, thực hiện được cũng không triệt để, lắm khi vì nhu cầu độc lập mà nhu cầu phát triển bị phê phán, gạt bỏ. Xét ở chiều kích này, Hồ Quý Ly là người tiên phong trong hàng ngũ những người có đầu óc canh tân, đổi mới đất nước, cũng là người đầu tiên bị lỡ làng lịch sử.

Trong tác phẩm, chủ đề cải cách cũng là chính bên chủ đề quyền lực, và nếu như cái sau tác giả còn dựa được vào sử liệu, thì cái trước đòi hỏi nhiều sự sáng tạo của nhà văn khi xây dựng nhân vật. Mâu thuẫn bi kịch của Hồ Quý Ly, theo tôi, là ở chỗ: ông cần quyền lực tối thượng để thực hiện cải cách, nhưng để cải cách ông phải dùng quyền lực mạnh, trong một hoàn cảnh tương quan giữa hai vế này của phương trình lịch sử còn một ẩn số – đó chính là ông; nói cách khác, Hồ Quý Ly không được bảo đảm bằng một ngôi vị chính thống để có quyền lực hợp pháp tiến hành cải cách triệt để.

Theo tinh thần đổi mới hiện nay, khi vận nước đã yên, thế nước đang lên, chúng ta phải có cái nhìn công bằng, khách quan hơn đối với những người đã sớm biết suy xét con đường phát triển đất nước. Tiểu thuyết lịch sử “Hồ Quý Ly” của Nguyễn Xuân Khánh góp được một ý kiến về vấn đề đó.

6.Quê tôi ở Hà Tĩnh, nơi tôi sinh cách địa danh Thiên Cầm trong vòng hai chục cây số, bây giờ đó là một bãi tắm biễn nước trong vào hàng bậc nhất các khu nghỉ mát cả nước. Hồi còn là học trò tôi đã được nghe giảng nghĩa hai chữ “Thiên Cầm”: hai cha con nhà vua Hồ Quý Ly bị giặc Minh đuổi đến dãy núi sát biển này của một vùng đất châu Hoan thì cùng đường, đành sa vào tay giặc, mệnh nhà Hồ đến đây là hết, trời bắt vậy. (Mở ngoặc nói thêm: người dân địa phương còn có cách giải thích địa danh này của họ là “đàn trời” do gió thổi vào khe núi làm phát ra những tiếng vi vu; hay là “thú trời” do thỉnh thoảng ở đây có những con vật lạ xuất hiện.

Ba nghĩa đều giống một âm đọc Hán Việt nhưng tự dạng viết khác, có thể đây là một trò tán chữ của một anh nho nào đấy, hoặc giả núi thì đã tự tồn thiên niên vạn đại, gió đã thổi liên tục trường kỳ, lịch sử chỉ là khoảnh chớp mắt, nên việc người được lồng vào việc trời, nhưng nhờ sự của người mà núi có tích. Đóng ngoặc). Tôi giờ mỗi dịp hè về quê chạy xe máy vèo một lát đã đối diện biển Thiên Cầm, có lúc quay lưng lại sóng ngẩng mặt nhìn núi mà thầm hỏi đâu là chỗ thất thế của họ Hồ gần sáu trăm năm trước. Bi kịch của Hồ Quý Ly là gì? Nguyễn Trãi kết án rất nặng: “Nhân họ Hồ chính sự phiền hà, để trong nước lòng dân oán hận”.

Bây giờ tôi đọc “Hồ Quý Ly” tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh. Cảm ơn nhà văn đã giúp tôi hiểu thêm được sự thật, sự đời, sự tình về triều đại này. Trong sách có đoạn, ngay trước vụ biến Đốn Sơn, cha con Hồ Quý Ly nói chuyện về cha con Nguyễn Phi Khanh: “Cha biết, Phi Khanh là người thức thời… Nhưng sự đời rối rắm lắm… Có thể, cả Phi Khanh cũng có nhiều điểm chẳng bằng lòng cha. Nhưng cha trọng nhất ở chỗ ông ta dám gánh vác… đảm đương. Tôi nói: – Con đã gặp công tử Nguyễn Trãi, trưởng nam của Phi Khanh. – Người thiếu niên đó ra sao? –Cậu ta nói với Phi Khanh: Cha hãy cứ ra gánh vác, người đi mở đường bao giờ cũng khó khăn” (trang 803). Ở đây nhà văn đã có một sự thể tất lịch sử.

Đọc hết tác phẩm tôi ngấm hai câu thơ của Thiền sư Huyền Giác và hai câu thơ của Trần Nhân Tôn được Nguyễn Xuân Khánh lấy làm đề từ.

Tôi nói vui lời kết: Nhà Thái Học dựng lại ở Văn Miếu và tiểu thuyết lịch sử “Hồ Quý Ly” ra lần đầu, đó là hai kỷ vật đáng giá của Hà Nội dịp mừng 990 năm Thăng Long.

PHẠM XUÂN NGUYÊN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

70 năm Điện Biên Phủ
70 NĂM CHIẾN THẮNG
ĐIỆN BIÊN PHỦ
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
50 năm đại thắng mùa xuân
30/4 -  NGÀY HÒA BÌNH
THỐNG NHẤT NON SÔNG


 
Luong truy cap
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
Đại thắng mùa xuân 1975
50 NĂM
ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975

 
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập72
  • Hôm nay36,556
  • Tháng hiện tại723,720
  • Tổng lượt truy cập54,838,424
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây