Tết xa nhà kham khổ của thầy giáo độc thân thời bao cấp

Chủ nhật - 07/02/2021 19:10
- Tàu xe cực kỳ khó khăn, lương ba cọc ba đồng không đủ về quê ăn Tết, tôi đành phải ở lại cơ quan thưởng thức cái Tết nghèo của viên chức Nhà nước thời bao cấp.
Hàng Tết thời bao cấp
Hàng Tết thời bao cấp
Năm Nhâm Tuất 1982, tôi đón Tết xa nhà, cái Tết độc thân đầu tiên và cũng là duy nhất trong đời. Năm đó, chàng giáo chức tôi mới hăm bốn, hăm lăm tuổi, lứa tuổi mà ông Xuân Diệu ngày xưa cuống quít muốn tận hưởng cho hết "thanh sắc của thời tươi". Thế nhưng cái thời chúng tôi đã sống ấy lại đang ở đỉnh cao của sự kham khổ. Cho nên, những "giáo khổ trường công" như chúng tôi Tết đến phải xa nhà thì cực lắm.

Ngày ấy, tàu xe cực kỳ khó khăn, lương thì ba cọc ba đồng không đủ tiền để về quê ăn Tết, đành phải ở lại cơ quan thưởng thức cái Tết nghèo của viên chức Nhà nước thời bao cấp. Tết với chúng tôi chẳng có gì ngoài mấy lạng thịt, cân gạo nếp, gói thuốc lá Đà Lạt hay Sông Cầu phân phối theo tiêu chuẩn cán bộ. Thế cũng đã hào phóng lắm rồi.


Được cái, thời đó con người ta còn ít bon chen, toan tính nên Tết nghèo vật chất mà vẫn vui, một niềm vui mà bây giờ nghĩ lại thấy tồi tội thế nào ấy. Không biết tự bao giờ, con người thời đó lại dễ bằng lòng với hiện thực nghèo túng đến thế, cho nên làm việc cũng giản đơn, suy nghĩ cũng giản đơn.

Tết Nhâm Tuất năm ấy quả là một cái Tết đáng nhớ. Đêm ba mươi, phút thiêng liêng chuyển giao năm cũ sang năm mới đã điểm. Chuông chùa tịnh xá Ngọc Thành xa xa vọng tới, từng tiếng ngân dài rồi chìm lỉm trong màn đêm mênh mông.

Đứng bên cửa sổ trên tầng ba của tòa nhà giảng đường được lấy làm khu tập thể giáo viên, tôi thấy lòng buồn, mênh mang một nỗi nhớ quê hương, xứ sở. Giây phút này ở quê, cha mẹ, em út đang quây quần trong không khí đầm ấm, chắc là nhớ lắm một đứa con xa, một người anh tha phương vời vợi. Tôi dõi về phương Bắc, lặng nhìn trong đêm tối. Cuối trời nơi ấy là quê hương. Tiếng pháo đón giao thừa đang rộ lên khắp nơi. Thế là mình đã thêm một tuổi.

Ba ngày Tết ngoài việc gặp gỡ đồng nghiệp, chúc nhau vài chén rượu đỏ, còn thì tụ tập đánh cờ, chuyện phiếm cho hết Tết. Ở nơi được mệnh danh là “bụi mù trời” và “buồn muôn thuở” này, quả thực không còn thú gì vui hơn. Tức cảnh công chức trẻ tuổi nghèo đón Tết, tôi viết mấy câu thơ tự trào:

"Anh em đừng ngại Tết tôi nghèo
Bánh tét hai hàng vẫn đủ treo
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Bếp lò om sẵn mấy giò heo.

Anh em đừng ngại Tết tôi nghèo
Mứt ngon, kẹo ngọt bốn năm bao
Thuốc thơm ba số dăm bảy gói
Bạn đến, chúc xuân rượu hồng đào.

Anh em đừng ngại Tết tôi nghèo
Pháo đốt vài phong tiếng vang reo
Sang năm mồng một hỏi bầu bạn:
Này này, Tết đến thật rồi sao?"


Quả đó là một giấc mơ xa xăm, cho dù rất thực tế. Thịt cá, bánh kẹo, thuốc lá… có gì ghê gớm đâu mà sao thời ấy lại hiếm hoi đến thế?

Ôi, chuyện của cái thời “một đi không trở lại” bây giờ chỉ còn là kỷ niệm, à không, là di sản tinh thần trong tâm thức của những người may mắn được sống một phần đời trong thời bao cấp.

Nguyễn Duy Xuân
Đăng: https://vtc.vn/tet-xa-nha-kham-kho-cua-thay-giao-doc-than-thoi-bao-cap-ar593725.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Luong truy cap
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
CM tháng 8 và QK 2/9
79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8
& QUỐC KHÁNH 2/9
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập120
  • Hôm nay29,809
  • Tháng hiện tại386,236
  • Tổng lượt truy cập59,283,889
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây