“Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo…”
admin100
2019-09-30T20:05:00-04:00
2019-09-30T20:05:00-04:00
http://nguyenduyxuan.net/nguyen-duy-xuan-van/nuoc-mat-anh-hung-lau-chang-rao-7002.html
/themes/default/images/no_image.gif
Nguyễn Duy Xuân
http://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Thứ hai - 30/09/2019 20:05
Ông có quyền chọn cho mình một cuộc sống an nhàn nơi phồn hoa đô hội để bù đắp lại những năm tháng tham gia cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đầy hy sinh gian khổ. Nhưng không, Ông đã chọn lối đi riêng cho những năm tháng cuối đời của mình mà ít ai ngờ tới: Sống đời nông dân nơi quê cha đất tổ, hòa mình với bùn đất cây cỏ quê hương, sớm ngày vui thú ruộng vườn.
Những ngày qua có một ánh sáng trong trẻo, tỏa rạng lòng dân giữa bức tranh đa sắc, đa màu nhưng rất xô bồ của cuộc sống được phản ánh trên các phương tiện truyền thông.
Ánh sáng trong trẻo tỏa rạng ấy là tin tức và hình ảnh về sự ra đi của Anh hùng lực lượng vũ trang, Đại tá Nguyễn Văn Bảy.
Cái chết của Ông ngay lập tức thu hút tình cảm của đông đảo độc giả và người dân dù là trong thế giới ảo hay ngoài đời nơi tổ chức lễ viếng, lễ tiễn đưa Ông về nơi yên nghỉ cuối cùng.
Xúc động, nghẹn ngào, kính trọng, khâm phục, ngưỡng mộ là những gì mà mọi người dành cho Ông. Tình cảm đó xuất phát từ rung động con tim của biết bao người bị chinh phục bởi tấm gương của người anh hùng chân chất.
“Một anh hùng giản dị nhưng rất vĩ đại”, “một phi công anh hùng và một nhân cách anh hùng”, “một nhân cách oai hùng và chân chất, quyết thắng và kiên cường”. Rất nhiều người đã cùng chung những cảm nhận như thế về Ông.
Trước tình cảm của người dân dành cho Ông, có người còn nêu nhận xét: “Lòng dân lớn hơn cả lăng tẩm rộng lớn, hoành tráng!”.[1]
Điếu văn của đồng đội đọc tại lễ truy điệu người anh hùng có câu: "Đồng chí để lại cho thế hệ mai sau những kỷ vật vô giá, đó là cốt cách của người con trai đất Việt”.[2]
Anh hùng Nguyễn Văn Bảy thời oanh liệt và lúc nghỉ hưu tại quê nhà
Nguyễn Văn Bảy là thế. Hai con người, hai cuộc đời song song trong con người Ông. Một con người dũng cảm trong chiến đấu và một con người đời thường giản dị, đậm chất nông dân Nam Bộ.
Rời quân ngũ với quân hàm đại tá và danh hiệu vinh quang Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Ông có quyền chọn cho mình một cuộc sống an nhàn nơi phồn hoa đô hội để bù đắp lại những năm tháng tham gia cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đầy hy sinh gian khổ. Nhưng không, Ông đã chọn lối đi riêng cho những năm tháng cuối đời của mình mà ít ai ngờ tới: Sống đời nông dân nơi quê cha đất tổ, hòa mình với bùn đất cây cỏ quê hương, sớm ngày vui thú ruộng vườn.
Căn nhà cấp 4 của Ông lúc nào cũng tắm mình trong không khí tươi mát, trong hương vị đồng quê của xứ sở. Nó đối lập hoàn toàn với những biệt thự, biệt phủ, dinh thự nguy nga, xa xỉ của biết bao quan chức, tướng tá mà người đời nếu muốn tìm công trạng của họ đối với dân với nước thì chẳng khác chi “đãi cát tìm vàng”.
“Anh hùng Nguyễn Văn Bảy bình dân hơn cả bình dân”. Đó là lời Dân dành cho Ông.[3]
Về với tiên tổ, bình dị giữa đồng đất quê hương, không mồ to mả đẹp hàng héc ta. Di sản mà Ông để lại cho hậu thế là tiếng thơm, tiếng thơm muôn đời về một người con anh hùng mà giản dị của miền quê Nam bộ.
Tôi lại thấy hình như trong Ông, vẫn hiển hiện không chỉ cốt cách “người con trai đất Việt” mà còn là hình ảnh của những “dân ấp, dân lân” khảng khái, nghĩa khí của đất Nam bộ đã thành tượng đài muôn thuở cho con cháu noi theo.\
27-9-2019
Nguyễn Duy Xuân
Chú thích: Tựa bài mượn câu trong “Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu.
Nguồn tham khảo:
[1]. https://tuoitre.vn/nguoi-dan-tien-dua-phi-cong-huyen-thoai-nguyen-van-bay-trong-con-mua-20190927094044561.htm
[2]. https://news.zing.vn/xuc-dong-tien-dua-anh-hung-phi-cong-nguyen-van-bay-ve-que-nha-post994296.html
[3]. https://www.motthegioi.vn/thoi-su-c-66/chinh-tri-c-93/anh-hung-phi-cong-nguyen-van-bay-binh-dan-hon-ca-binh-dan-122051.html