Nguyễn Duy Xuân có nhiều đoạn thơ lục bát viết về quê hương, về mẹ về cha đầy cảm xúc, khiến người đọc “chùng lòng”, nhất là người xứ Nghệ xa quê, ngỡ như thấy lại bóng dáng cha mẹ, ông bà mình ngày xưa
Lời giới thiệu của Nhà thơ Đặng Bá Tiến cho tập thơ Tổ quốc tôi yêu (tác giả Nguyễn Duy Xuân, NXB Hội Nhà Văn, 3/2023)
Mạch thơ trữ tình thế sự vẫn chiếm đa phần trong tập thơ mới này của Nguyễn Duy Xuân, cũng như ba tập thơ của anh đã xuất bản (Giọt nắng Cao Nguyên, Tổ quốc là con đường bố con mình đang đi và Về Ban Mê đi anh). Điều này có thể xem là thế mạnh của anh - một người ăm ắp tư duy báo chí, nhạy cảm với các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Cũng vì vậy, hầu hết các sự kiện nổi bật của đất nước, những vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm đều hiện diện trong thơ anh, thông qua những ý nghĩ, những cảm xúc bộc trực, đa chiều.
Phần I của tập thơ có tựa đề “Đất nước nơi đầu sóng” phản ánh vị thế địa chính trị của đất nước, một vị thế phải luôn luôn đối mặt với rất nhiều giông bão tự nhiên và xã hội, nổi bật trong những năm gần đây là vấn đề biển đảo, có lúc dậy sóng trong lòng dân, bởi “Biển Đông đang cuồn cuộn sóng/ Dập dờn một lũ sài lang”; “một láng giềng say mộng bá vương”; những “kẻ tiểu nhân/ đồng chí anh em chỉ là bánh vẽ”... Thực tế đó, đặt ra những thách thức về bản lĩnh, khí phách của dân tộc. Vì thế, trong không ít bài thơ tác giả nhắc đi nhắc lại những địa danh lịch sử, những anh hùng dân tộc, vốn là danh từ nhưng mang nghĩa tính từ, nhằm khích lệ tinh thần của mọi người dân hôm nay. Cũng vì thế mà ở phần này có nhiều bài thơ giàu tính sử thi và hào khí Đông A: “Sóng Bạch Đằng lại cuộn dâng nhấn chìm tàu giặc/ Những cọc gỗ ngàn năm lại nhằm thẳng tim thù/ Và âm hưởng hào hùng bài thơ Thần đất nước/ Chúng bay đến đất này sẽ chuốc lấy “bại hư”… “Rung trời tiếng trống trận, dậy đất tiếng reo hò/ Của đại quân Quang Trung/ Tiến vào Thăng Long chiều mùng năm Tết/ “Đánh cho chúng phiến giáp bất hoàn/ Để chúng biết nước Nam anh hùng là có chủ” (Việt Nam - Tổ quốc anh hùng)...
Hình như sâu thẳm trong trái tim tác giả luôn có những đợt sóng không bình yên từ biển Đông ngày đêm vỗ tới. Điều đó trở thành những cảm xúc, những ý thơ để hàng chục lần tác giả gọi tên “biển Đông”, “Hoàng Sa”, “Trường Sa”... trong các bài thơ của mình: “Biển Đông đang cuồn cuộn sóng”, “Biển Đông dập dờn bóng giặc”, “Những ngày qua sóng dậy biển Đông”, “Biển Đông gào giận dữ”, “Hoàng Sa ơi! hỡi Hoàng Sa!/ Mảnh đất Tổ quốc thịt da cắt lìa!”...
Sự đau đáu, trăn trở, xót xa về một phần Tổ quốc đang bị ngoại bang xâm chiếm, phong tỏa ngỡ như thường trực trong lòng tác giả. Và vì thế nhà thơ kêu gọi mọi người hãy nhìn vào tấm gương cha ông, hãy ngẩng cao đầu: “Nhớ lấy câu quốc gia hưng vong thất phu hữu trách/ Không thẹn lòng với các bậc tiền nhân”, hay “Ngựa sắt Thánh Gióng hãy về lại/ Cọc gỗ ngàn năm bước ra khỏi bảo tàng/ Gươm “Thuận thiên” thôi nằm yên trong vỏ/ Trống trận Quang Trung gióng lên hồi giục giã/ Chiến sĩ Điện Biên rộn rã lên đường/ Triệu con người cùng chung ý chí/ Nhấn chìm lũ giặc cuồng ngông”... Qua phần I này ta thấy rõ thơ Nguyễn Duy Xuân luôn thể hiện rõ trách nhiệm công dân cao cả. Đó cũng là sứ mệnh của người cầm bút chân chính.
Phần II “Việt Nam quê hương tôi”, gồm nhiều bài thơ ca ngợi Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, mẹ Việt Nam Anh hùng, các tướng lĩnh, bộ đội Cụ Hồ trong chống Mỹ cứu nước và nhiều bài thơ khác thể hiện tình cảm sâu nặng với đất nước, quê hương, cha mẹ, bà con xóm mạc. Đây cũng là phần có nhiều bài thơ hay, ngôn ngữ đằm thắm mượt mà hơn, khiến người đọc say hơn, như bài “Lục bát quê hương”, “Nhớ nác chè quê”, “Áo tơi của mẹ bây giờ còn đây”, “Cà phê bên bờ sông Lam”,... Tôi rất thích bài “Nhớ nác chè quê”: “Bát chè xanh sóng sánh/ Hơi ấm tỏa trong tay/ Hớp một ngụm chát nóng/ Mát cả ruột gan này// Rổ khoai vừa mới luộc/ Bát cà pháo trắng tinh/ Một củ khoai lang cõng/ Hai quả cà giòn tan// Chè xanh sóng sánh vàng/ Lại rót cho đầy bát/ Từng ngụm, từng ngụm chát/ Ấm áp tình quê hương”. Bài thơ mang đậm hồn quê xứ Nghệ. Thể thơ năm chữ và nhịp điệu câu thơ mang âm hưởng của ví giặm Nghệ Tĩnh - một loại hình dân ca đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đồng thời bài thơ cũng phản ánh được một nét sinh hoạt thường ngày của người xứ Nghệ vào mỗi buổi sáng, khi “Nắng lên nửa đoạn sào rồi/ Nhà bên í ới gọi mời chè xanh”. Cùng với nác (nước) chè xanh là rổ khoai luộc, là bát cà pháo, bà con mời nhau ăn sáng. Vật chất đơn sơ, đạm bạc mà nồng ấm nghĩa tình!
Trong phần này Nguyễn Duy Xuân có nhiều đoạn thơ lục bát viết về quê hương, về mẹ về cha đầy cảm xúc, khiến người đọc “chùng lòng”, nhất là người xứ Nghệ xa quê, ngỡ như thấy lại bóng dáng cha mẹ, ông bà mình ngày xưa: “Tìm trong nắng nỏ gió mưa/ Áo tơi của mẹ bây giờ còn không/ Những trưa nắng cháy ngoài đồng/ Lưng cha bỏng rát đánh vồng nương khoai/ Ngày đông giá rét kéo dài/ Con trâu chậm bước chân người tái tê” (Lục bát quê hương). Hay: “Đất cằn sỏi đá quê tôi/ Nắng mưa gió bão một đời sẻ chia/ Ai như dáng mẹ đang về/ Áo tơi đội nắng đường quê thuở nào” (Áo tơi của mẹ...).
Càng đắm đuối trong hồn quê, cảm xúc của Nguyễn Duy Xuân càng đằm thắm hơn, lại được chuyển tải bằng những câu thơ lục bát nhuần nhuyễn, mượt mà, nên thơ Nguyễn Duy Xuân ở mảng đề tài này theo tôi có nhiều thành công hơn.
Là người luôn trung thành với các thể thơ truyền thống, không cầu kỳ trong tìm tòi hình thức thể hiện, nói thẳng những điều cần nói bằng ngôn ngữ mộc mạc, dễ hiểu, đấy là ưu điểm của thơ Nguyễn Duy Xuân. Song, người đọc cũng mong thơ Nguyễn Duy Xuân say hơn, nhiều hình ảnh hơn, nhất là trong mảng thơ thế sự.
Buôn Ma Thuột, Xuân Quý Mão 2023 Nhà thơ Đặng Bá Tiến