Giá như đừng đoạt giải cao nhỉ
admin100
2021-10-25T22:18:11-04:00
2021-10-25T22:18:11-04:00
http://nguyenduyxuan.net/nguyen-duy-xuan-van/gia-nhu-dung-doat-giai-cao-nhi-10390.html
http://nguyenduyxuan.net/uploads/news/2017_03/buon.jpg
Nguyễn Duy Xuân
http://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Thứ bảy - 17/04/2021 20:02
Nhà thơ Hữu Thỉnh - chủ tịch hội đồng chung khảo của giải thơ - cho rằng "thơ của Tòng Văn Hân rất được". Ông khẳng định, bài Mẹ tôi chửi kẻ trộm là bài hay nhất trong cuộc thi thơ này, một bài thơ rất độc đáo. Theo ông, bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm mà nhiều người mang ra "cười cợt", thực ra rất thú vị ở sự nhân văn, độ lượng.
Ngày 9/4, báo Văn Nghệ tổ chức trao giải cuộc thi thơ trên báo Văn Nghệ 2019 – 2020.
Cuộc thi không có giải A. Đồng giải B được trao cho 2 tác giả Tòng Văn Hân (Điện Biên) và Nguyễn Văn Song (Hưng Yên), cùng 4 giải C, 6 giải khuyến khích.
Điều đáng quan tâm ở đây là, ngay sau khi công bố kết quả cuộc thi, truyền thông xuất hiện một số ý kiến phê bình khá nặng nề, xoay quanh các bài thơ "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" và "Làm rể" trong chùm thơ ba bài đoạt giải B (bài thứ ba là "Nhà dưới nhà trên") của tác giả Tòng Văn Hân (dân tộc Thái) - một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian ở tỉnh Điện Biên.
Trên trang cá nhân, nhà thơ Trần Mạnh Hảo nhận xét, bài Mẹ tôi chửi kẻ trộm thuộc trường phái "tân con cóc" phi thơ, vớ vẩn, dễ dãi, dông dài và lưu manh. Còn nhà thơ Lê Thiếu Nhơn: tác giả Tòng Văn Hân viết quá vụng về nên phơi bày sự ngây ngô.
Trên TPO, nhà thơ Y Phương trả lời phỏng vấn của phóng viên: “Về hình thức, đó không phải bài thơ. Về nội dung thì phản cảm”.[1]
Nhà thơ Y Phương còn bày tỏ quan điểm: “Mẹ tôi chửi kẻ trộm không nằm trong hệ thống tiêu chí đạo đức nào cả. Không ai ủng hộ và cổ súy cho sự ăn cắp mà giàu có lên. Tôi phản đối điều này… Không có người dân tộc thiểu số nào nghĩ như thế cả, từ người Thái đến người Tày”.
Còn nhà thơ Dương Thuấn thì dứt khoát: “Tôi làm giám khảo tôi loại ngay”.[2]
Trước phản ứng dữ dội của dư luận, các thành viên Ban GK đã lên tiếng.
Nhà thơ Hữu Thỉnh - chủ tịch hội đồng chung khảo của giải thơ - cho rằng "thơ của Tòng Văn Hân rất được". Ông khẳng định, bài Mẹ tôi chửi kẻ trộm là bài hay nhất trong cuộc thi thơ này, một bài thơ rất độc đáo. Theo ông, bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm mà nhiều người mang ra "cười cợt", thực ra rất thú vị ở sự nhân văn, độ lượng. Tuy nhiên, nhà thơ Hữu Thỉnh cũng thừa nhận cuộc thi chưa phải là thành công bởi không tìm được giải A, các bài thơ chưa phải đã có "độ tải tâm hồn" tốt.[3]
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm có tứ hay. Rất nhân văn. Cách viết mộc, thật thà. Đúng là cách nghĩ cách nói của đồng bào dân tộc. Bài thơ không vần điệu, ngôn ngữ không đặc biệt nhưng chân thật. Cái hay của bài thơ cũng là ở chỗ đó. Tôi cho rằng, đó là bài thơ hay! Nhưng không toàn bích, nếu toàn bích nó đã giải nhất rồi!".[4]
Tuy vậy, nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng phải thừa nhận, về nghệ thuật bài thơ không có gì.
Những lời giải thích nói trên của hai thành viên chung khảo - những nhà thơ gạo cội trong làng thơ Việt đương đại - khiến dư luận "tâm tư'. Đánh giá bài thơ là “nhân văn”, “độ lượng” nhưng lại khẳng định “chưa phải đã có độ tải tâm hồn tốt”; “hay”, “rất được”, “độc đáo” nhưng “nghệ thuật bài thơ không có gì”.
Từ lập luận của hai vị giám khảo, dư luận không khó để nhận ra, bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm trong chùm thơ đoạt giải cao nhất cuộc thi đều chưa đạt cả về nội dung và hình thức.
Từ xưa tới nay bàn về văn học, không ai là không biết luận điểm nổi tiếng: “Văn học là nghệ thuật ngôn từ”. Chính vì thế nhà văn Nguyễn Tuân đã từng nói: “Ở đâu có lao động thì ở đó có sáng tạo ra ngôn ngữ. Nhà văn không chỉ học tập ngôn ngữ của nhân dân mà còn là người phát triển ra ngôn ngữ sáng tạo, không nên ăn bám vào người khác. Giàu ngôn ngữ thì văn sẽ hay… Văn phải linh hoạt. Văn không linh hoạt gọi là văn cứng đơ thấp khớp…”.
Thiết nghĩ, lời bàn của Nguyễn Tuân đã đề cập đầy đủ, hàm súc về đặc trưng “nghệ thuật ngôn từ” của văn học nói chung. Văn không linh hoạt, ngôn từ không sáng tạo thì không thể gọi là văn. Với thơ lại càng đòi hỏi cao hơn về nghệ thuật ngôn từ. Không thể có thơ hay nếu “nghệ thuật không có gì”.
Còn tính nhân văn ư? Xin nhắc lại lời nhà thơ Y Phương: “Mẹ tôi chửi kẻ trộm không nằm trong hệ thống tiêu chí đạo đức nào cả. Không ai ủng hộ và cổ súy cho sự ăn cắp mà giàu có lên”. Thế là quá đủ. Không thể hoang tưởng đến mức xóa nhòa ranh giới tốt/xấu, thiện/ác. Cái xấu, cái ác chỉ có thể được cảm hóa khi kẻ gây ra nó nhận thức được hành vi tội lỗi của mình chứ không phải bằng sự tha thứ phi thực tế - thực ra là phản nhân văn - cầu mong cho cái xấu, cái ác không những không bị tiêu diệt mà trái lại, còn sinh sôi, giàu có hơn người. Sẽ là áp đặt khiên cưỡng khi cho rằng, bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm thể hiện tính nhân văn cao cả “lấy ân báo oán”. Nghĩ thế là chưa thấu hiểu đạo lý tốt đẹp này của nhân dân.
Và tôi trộm nghĩ, với tầm “nhân văn, độ lượng” như Ban GK đã đánh giá, biết đâu một ngày nào đó, Mẹ tôi chửi kẻ trộm bỗng dưng xuất hiện trong sách giáo khoa ngữ văn THCS.
Thế thì sao nhỉ?
15-4-2021
Nguyễn Duy Xuân
Nguồn tham khảo:
[1,2]. https://tienphong.vn/quanh-mot-bai-tho-doat-giai-gay-tranh-cai-post1327708.tpo?fbclid=IwAR1gRnMaF5_kJxYGo1tFSggWlEgBA83ZtcIZSwOA5eex7GTzFJJoONklZZ8
[3]. https://tuoitre.vn/bi-che-trao-giai-cho-nhung-bai-tho-do-nhat-nuoc-ban-to-chuc-noi-gi-20210410212317941.htm
[4]. https://dantri.com.vn/van-hoa/me-toi-chui-ke-trom-va-giai-tho-bi-che-nha-tho-tran-dang-khoa-noi-gi-20210411143825363.htm