Đôi dép Bác Hồ và chiếc cặp da đại hội
admin100
2020-09-06T20:25:00-04:00
2020-09-06T20:25:00-04:00
http://nguyenduyxuan.net/nguyen-duy-xuan-van/doi-dep-bac-ho-va-chiec-cap-da-dai-hoi-9441.html
http://nguyenduyxuan.net/uploads/news/2016_09/vo-cam.jpg
Nguyễn Duy Xuân
http://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Chủ nhật - 06/09/2020 20:25
Những ngày gần đây, hình ảnh chiếc cặp giả da xuất hiện trên truyền thông thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Từ chỗ là một vật dụng bé mọn phút chốc nó “lên đời”, trở thành món quà sang trọng chỉ để dành tặng cho các vị đại biểu dự đại hội đảng các cấp.
Những chiếc cặp “cao sang” ấy hầu hết làm bằng chất liệu giả da nhưng giá cả có thể lên đến vài ba triệu. Với số lượng hàng vạn đại biểu dự đại hội đảng (kể cả khách mời) từ cấp cơ sở trở lên trong cả nước thì số tiền mà ngân sách phải bỏ ra để mua cặp hay các loại quà tặng khác là không hề nhỏ.
Dù tốn kém như vậy nhưng người viết bài này tin rằng trong số hàng ngàn đảng viên tinh túy là đại biểu dự đại hội đảng, chẳng mấy ai thích thú và sử dụng những chiếc cặp ấy vào công tác hàng ngày. Cái thời mà cán bộ, viên chức ôm những chiếc cặp cũ rích, hỏng phéc mơ tuya, tuột nút bấm ngồi bên bàn giấy mơ một chiếc cặp da xịn qua rồi. Nhưng đã là quà tặng của đại hội – danh to như thế - thì họ cứ nhận thôi. Thế mới biết, tiền tỷ mua cặp thật lãng phí.
Câu chuyện này khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh đôi dép cao su của Bác Hồ. Vật dụng bé mọn ấy cũng rất nổi tiếng, lan tỏa tầm thế giới. Nhưng đấy là sự nổi tiếng bởi phẩm cách thanh bạch, giản dị của một con người suốt cả cuộc đời hy sinh phấn đấu vì tự do độc lập của Tổ quốc, vì hạnh phúc của đồng bào. Đôi dép ấy đã theo chân Bác suốt mấy chục năm ròng, vẹt mòn quai gót.
Đã không ít lần, các đồng chí phục vụ xin Bác đổi dép, thậm chí đem giấu đi nhưng đều không thành, vì theo Bác: “Mua đôi dép khác chẳng đáng là bao, nhưng khi chưa cần thiết cũng chưa nên. Ta phải tiết kiệm vì đất nước ta còn nghèo...”.
Bà Megawati Sukarnoputri, con gái của cố Tổng thống Sukarno kể lại kỷ niệm trong chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Indonesia năm 1959. Khi đó bà Megawati mới 13 tuổi, được theo cha đi gặp Bác Hồ. Thấy Bác Hồ đi đôi dép cao su giản dị, bà thấy lạ quá, liền thắc mắc với cha: "Tại sao Bác Hồ không đi giày?". Khi Tổng thống Sukarno nhắc lại câu hỏi của con gái, Bác Hồ đã trả lời: "Khi nào đất nước thống nhất thì tôi sẽ đi giày…".
Chuyện về đôi dép Bác Hồ không ai là không biết. Nó là biểu tượng cao đẹp của đức hy sinh, một phẩm chất hàng đầu của người cộng sản.
Hồ Chí Minh có thích ăn ngon, mặc đẹp không? Có chứ, vì Bác cũng là con người. Nhưng Người không cho phép mình thỏa mãn ham muốn cá nhân dù điều đó là quá dễ dàng đối với một vị chủ tịch nước, chủ tịch Đảng. Bởi đất nước còn chiến tranh, nhân dân còn phải chịu nhiều đau thương, nghèo khổ, Người chẳng thể “yên lòng khi ngắm một cành hoa”. Bởi, như Fêlix Pita Rôđ'righet – một nhà thơ nổi tiếng của Cu-ba đã viết: “đối với Người thì phẩm giá con người/còn cao hơn miếng cơm, danh vọng/Cao hơn cả trường tồn cuộc sống”. Và bởi vì Người là Hồ Chí Minh.
Chúng ta nói học Bác rất nhiều nhưng tâm vẫn chưa thoát khỏi những ham muốn đầy dục vọng. Ham tiền bạc, vật chất, ham danh lợi, quyền lực. Chúng ta đã chứng kiến những cái kết đau lòng: Anh hùng & tội phạm chỉ cách nhau gang tấc.
Khi người ta coi “miếng cơm, danh vọng” cao hơn phẩm giá con người thì không chỉ tiền tỷ mà cả những vật bé mọn như chiếc cặp giả da cũng trở nên lung linh trước ánh mắt phàm tục.
02-9-2020
Nguyễn Duy Xuân