“Chữ tốt” và “Bút cùn”

Thứ sáu - 16/07/2021 18:25
“Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương - NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh – 2010) thu thập và giải thích: “Chữ tốt chẳng nề bút cùn: Chữ viết hễ đẹp rồi thì bút dẫu cùn cũng đâu có sao. Hay dùng để chỉ rõ một lẽ thật: “Đã có thực tài thì dẫu ai xét đoán cũng chẳng hề gì”.     
 
Soạn giả diễn giải nghĩa hiển ngôn đúng, nhưng giải thích nghĩa bóng thì sai hoàn toàn.

Theo nghĩa đen, cái “bút cùn” ở đây là vật dụng để viết chữ, không phải dụng cụ, phương tiện để “xét đoán”, thẩm định độ đẹp xấu của chữ. “Chữ tốt chẳng nề bút cùn”, hoàn toàn khác với cách nói Trà ngon không sợ phẩm bình, việc tốt không sợ xét đoán [好茶不怕細品,好事不怕細論 - Hảo trà bất phạ tế phẩm, hảo sự bất phạ tế luận – Tục ngữ Hán]. Bởi vậy, không thể hiểu câu “Chữ tốt chẳng nề bút cùn”, thành “Đã có thực tài thì dẫu ai xét đoán cũng chẳng hề gì”. Nếu thế, câu tục ngữ phải là “Chữ tốt chẳng sợ khen chê” mới đúng.

Thực ra, đối với người đã viết chữ đẹp thì không câu nệ bút cùn hay bút mới. Vì dẫu “bút cùn” mà “thiện thư” (giỏi về thư pháp) thì chữ viết ra vẫn đẹp như thường. Tục ngữ Hán có câu đồng nghĩa “Thiện thư bất trạch bút - 善書不擇筆” = Đã viết chữ đẹp thì không cần kén chọn bút. Trần Sư Đạo (陳師道) đời Tống, trong sách “Hậu sơn tùng đàm” (後山叢談) đã viết: “Kẻ giỏi thư pháp không chọn giấy bút, xảo diệu nằm ở bàn tay, không ở vật dụng.” [Thiện thư bất trạch chỉ bút, diệu tại tâm thủ, bất tại vật dã -善書不擇紙筆,妙在心手,不在物也].

Một khi chữ tốt thì người ta có thể viết bằng bất cứ loại bút gì, bút làm bằng bất cứ chất liệu gì (bút lông, bút sắt, gạch non, cành cây…); viết lên bất cứ chất liệu gì (giấy xấu, giấy tốt, trên đất, trên cát…) đều đẹp, và có vẻ đẹp riêng của nó. Nhà thư pháp trứ danh đời Minh Trần Hiến Chương (陳獻章) thời trẻ thường viết bút lông, khi về già ưa bó cỏ tranh lại làm bút, nét chữ cương kiện, hùng kỳ, đương thời gọi là “mao bút tự” 茅筆字 (thư pháp bằng bút cỏ tranh).

Ngược lại, viết chữ chưa tốt, thì dù bút, mực, giấy, nghiên có tốt bao nhiêu chăng nữa, chữ cũng không thể đẹp lên được. Để nói về điều này, người ta thường lấy nhân vật Vi Tiểu Bảo trong Lộc đỉnh ký của Kim Dung ra làm ví dụ điển hình.

Vi Tiểu Bảo trong tay có đầy đủ văn phòng tứ bảo cực kỳ quý giá. Ví như chiếc nghiên cổ làm bằng đá tía chạm hình rồng cuốn, vốn là của Vương Hi Chi; thỏi mực thơm dùng dở của Chử Toại Lương đời Ðường; bút do Triệu Mạnh Phủ ở Hồ Châu chế tạo; giấy Kim Hoa Ngọc Bản làm riêng cho vua Tống Huy Tông, khi viết chữ lại đốt một đỉnh long não xạ hương mà thời xưa Vệ đại phu vẫn dùng. Vậy mà Vi Tiểu Bảo cầm bút vục ngay vào nghiên thật đẫm rồi giơ lên, một giọt mực to rơi xuống nghe cái bẹt làm bẩn cả trang giấy hoa tiên!

Như vậy, Chữ tốt chẳng nề bút cùn được hiểu: khi tài năng đã chín, tay nghề đã cao, thì người ta không còn câu nệ, phụ thuộc nhiều vào dụng cụ, phương tiện làm việc nữa.

Hoàng Tuấn Công/7/2021
Nguồn http://tuancongthuphong.blogspot.com/2021/07/chu-tot-va-but-cun.html
                                 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TỔ QUỐC TRÊN HẾT
70 năm Điện Biên Phủ
70 NĂM CHIẾN THẮNG
ĐIỆN BIÊN PHỦ
Luong truy cap
Đại thắng mùa xuân 1975
50 NĂM
ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975

 
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
50 năm đại thắng mùa xuân
30/4 -  NGÀY HÒA BÌNH
THỐNG NHẤT NON SÔNG


 
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập319
  • Hôm nay51,517
  • Tháng hiện tại779,928
  • Tổng lượt truy cập54,894,632
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây