LÀNG TÔI - Nguyễn Duy Xuân

Thứ hai - 26/08/2013 05:31
- Đó là nơi tôi đã gắn bó cả cuộc đời. Ở đó có những người mà tên tuổi làm rạng rỡ cho Làng nhưng ở đó cũng có những kẻ "đốt đền" để lại tiếng dơ cho hậu thế. Nhưng dẫu phải trải qua bao thăng trầm, ta vẫn yêu người tha thiết, Làng ơi !
LÀNG TÔI - Nguyễn Duy Xuân

Làng tôi bé lắm. Lại nằm trên một quả đồi hun hút. Con suối nhỏ phía chân đồi trước mặt chảy về hướng tây bắc, hình như nó đổ ngược lên sông Sê-rê-pốc thì phải. Mé đồi phía ấy vẫn hoang sơ như thuở nào bởi nó dốc quá, chỉ có cây dại mọc chằng chịt, vậy mà không biết từ bao giờ, những bụi chuối mốc mọc thành rừng. Đất dốc nhưng lại màu mỡ, chuối tốt vút lên, có cây thân to, phỉ một vòng tay người lớn.

Lang_que1Nhớ cái thời bao cấp khổ sở, thuở còn độc thân, chúng tôi vẫn xuống suối kín nước hay săn tìm những thứ có thể nhá được để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Nước suối đục ngầu, xách được xô nước về phòng thì rửa chân mất một phần ba. Hai phần còn lại sau khi lắng, đáy xô dày một lớp bùn đỏ, bây giờ nhớ lại vẫn còn rùng mình, thế mà cả làng ăn uống cái thứ nước ấy hàng mấy năm ròng. Thứ của trời có thể giúp chúng tôi cải thiện được bữa ăn thời bao cấp đói khát là nõn chuối. Cây chuối non lột bỏ mấy lớp vỏ ngoài, lộ ra phần nõn trắng tinh, mềm giòn, đem về thái mỏng, bóp với muối lạc, thêm tí ớt, rau thơm là có món “đặc sản” nhà giáo hiếm thấy.

Cả đến khi “xây” được cái tổ ấm nho nhỏ cho riêng mình, tôi vẫn xuống suối chặt chuối, nhưng không phải để làm cái món nộm kia nữa mà là để nuôi heo. Thân hình lỏng khỏng vì đói cơm nhưng sự ham hố thì chẳng lỏng khỏng tí nào, tôi cứ nhằm cây to nhất mà đốn hạ. Cây chuối đè lệch vai mà vẫn cố sức vác lên khỏi bờ dốc, bở cả hơi tai, có lúc tưởng như cặp ống điếu của mình đang “trụn” xuống. Bà Ngô Thị Tuyển, anh hùng vác hai hòm đạn 98 kg thời chống Mĩ,  mà trông thấy hình ảnh này thì chắc cũng phải phục sát đất. Ai dám bảo thầy giáo dài lưng tốn vải ? Chao ôi ! Mới đó mà đã mấy chục năm trôi qua rồi.

Làng tôi hình thành từ nửa cuối những năm 70 thế kỉ trước. Lớp người đầu tiên tha hương vào đây lập làng trong đó có tôi còn trụ lại được đến hôm nay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Giá mà ở thời cụ bá Kiến, chúng tôi lại chả được xếp vào hàng tiên chỉ, ăn lộc làng đó sao ? Ngoảnh đi ngoảnh lại, bạn bè, đồng nghiệp nhiều người đã thành thiên cổ. Họ chẳng bao giờ thấy được cái viễn cảnh hôm nay của làng, nơi mình đã hi sinh cả một thời tuổi trẻ.

Làng tôi cũng như bao làng quê khác trên đất nước này, mang những nét đặc trưng của văn hóa xứ sở từ thưở xa xưa ông bà để lại. Hỉ nộ ái ố đủ cả, tốt xấu hay giở đan xen. Những lề thói của văn hóa làng ăn sâu vào tâm thức, không dễ gì mà rứt bỏ được. Ngay cả nơi công sở của các cơ quan nhà nước bây giờ, văn minh Tây hóa là thế mà chất làng vẫn còn hiện rõ trong cách ứng xử hàng ngày. Độc đoán, gia trưởng, ích kỉ, bảo thủ, cha chung không ai khóc… ở đâu mà chẳng thấy, không cứ một làng quê hay một cơ quan nào. Chẳng khó để bắt gặp một “bá Kiến”, “Chí Phèo”, “binh Chức”, “năm Thọ” hay “thị Nở”, và cả những “anh Pha”, “chị Dậu” nữa…

Dưng mà, Làng tôi – tôi yêu lắm. Cả đời tôi, cả sự nghiệp của tôi gắn bó với Làng. Dẫu còn bao nỗi buồn vui, cay đắng, nhưng Làng ơi – ta yêu người mãi mãi !

26-6-2013
Nguyễn Duy Xuân

Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Xuân

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TỔ QUỐC TRÊN HẾT
45 năm chiến tranh biên giới
45 NĂM CUỘC CHIẾN TRANH
BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC
17/2/1979


 
Gạc Ma
CÁC ANH SỐNG MÃI TRONG LÒNG NHÂN DÂN
 
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
Luong truy cap
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập63
  • Hôm nay12,219
  • Tháng hiện tại380,678
  • Tổng lượt truy cập53,681,727
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây