Một chứng cứ tiến sĩ đạo văn được công bố Ảnh: Phúc Đạt
Báo Lao Động ngày 13.7 đăng bài "Phải làm rõ tố cáo luận án tiến sĩ đạo văn ở Đại học Huế đúng hay không?", nêu trường hợp một tiến sĩ ở Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế bị tố cáo đạo văn. Không chỉ Trường Đại học Khoa học Huế, mà Bộ Giáo dục Đào tạo phải vào cuộc, làm rõ có hay không chuyện đạo văn của luận án tiến sĩ này.
Tương tự, vụ một tiến sĩ ở Trường Đại học Luật Hà Nội bị tố cáo làm luận án "siêu tốc" chỉ trong 2 năm, từ cử nhân tại chức lên tiến sĩ, cũng đã được chuyển tới Bộ Giáo dục Đào tạo.
Làm rõ các luận án tiến sĩ này có đúng quy trình, đạt chất lượng hay "ngụy khoa học" quá dễ dàng. Chỉ cần một hội đồng khoa học có trình độ, công tâm kiểm tra, thẩm định là có câu trả lời chính xác, phân minh. Việt Nam có rất nhiều nhà khoa học tài giỏi và đức độ thừa sức làm những việc này, vấn đề là Bộ Giáo dục Đào tạo có mời họ thực hiện nhiệm vụ hay không.
Làm cho ra chân - giả của các bằng tiến sĩ bị tố cáo, trả về đúng với sự thật là cứu nền học thuật nước nhà. Ai cũng biết có quá nhiều tiến sĩ giấy, tiến sĩ mua bán bằng tiền, quan hệ, gọi là "lò ấp", "siêu tốc", Bộ Giáo dục Đào tạo không thể khoanh tay ngồi nhìn.
Trí thức có trách nhiệm với đất nước, các nhà khoa học trung thực nhiều lần lên tiếng về tình trạng bằng cấp thật, chất lượng giả, nhưng Bộ Giáo dục Đào tạo vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Cần phải dũng cảm đối diện với sự thật để điều chỉnh, chấp nhận, thỏa hiệp để sự dối trá khoa học tồn tại, hậu quả sẽ rất khó lường.
Lôi ra ánh sáng những luận án tiến sĩ bị tố cáo đạo văn, "siêu tốc", truy tới cùng quá trình học chương trình thạc sĩ hay nghiên cứu sinh, làm rõ trách nhiệm của người hướng dẫn, hội đồng phản biện luận án và xử lý nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật, thì mới chấn chỉnh hoạt động nghiên cứu khoa học, đưa các công trình về với thực chất.
Đất nước này không cần nhiều giáo sư, tiến sĩ để trang trí cho một chân dung khoa học giả tạo, mà cần những công trình hữu ích, phục vụ cho con người, thúc đẩy phát triển và tiến bộ xã hội.
Lê Thanh Phong
Nguồn Báo lao động: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/tac-gia-luan-an-tien-si-cua-dai-hoc-hue-phai-tra-loi-ve-cac-to-cao-dao-van-1366377.ldo
Phải làm rõ tố cáo luận án tiến sĩ đạo văn ở Đại học Huế đúng hay không?
Luận án tiến sĩ "Lịch sử Việt Nam: Quá trình hình thành, phát triển và biến đổi lễ hội cung đình ở Huế từ năm 1802 đến năm 1945”, được bảo vệ tại Hội đồng của Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế ngày 23.3.2018 của tác giả L.T.A.H bị tố cáo đạo văn.
Theo đó, nội dung chính văn ở trang 141 luận án tiến sĩ (Ảnh trên, ở giữa) trùng khớp với nội dung của một tờ báo chuyên đề Khoa học & Kỹ thuật Sơn La (phải ảnh) viết về Thực trạng hoạt động lễ hội ở nước ta hiện nay, xuất bản ngày 26.3.2018 và đề tài “Lễ hội cung đình Huế và vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị để phục vụ nhân dân và phát triển du lịch Huế” của Trần Đức Anh Sơn đăng tải năm 2011 (trái ảnh).
Một chứng cứ khác, nội dung chính ở trang 132 luận án có nội dung trùng khớp với nội dung viết về việc Bảo tồn và Phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở nước ta hiện nay đăng trên Tạp chí Văn hoá nghệ thuật số 337, tháng 7.2012.
Nội dung chính văn ở trang 117 luận án trùng khớp với nội dung viết về lễ hội cung đình ở trang 30 trong cuốn sách “Kiểu Huế” của Trần Đức Anh Sơn, xuất bản năm 2016.
Còn rất nhiều chứng cứ được cho là đạo văn, trích từ nhiều nguồn của nhiều tác giả nhưng không chú thích, không thừa nhận các tác giả của những nội dung đã sử dụng.
Nhiều trường đại học có quy định, ngay cả khi có ghi rõ nguồn trích, nhưng sao chép quá nhiều từ một công trình để hình thành một phần lớn công trình của mình thì đó cũng là đạo văn.
Cần phải làm rõ những nội dung tố cáo, minh định khoa học. Ngoài chất lượng khoa học của công trình, còn tiêu chuẩn đạo đức mà người làm khoa học phải tuân thủ.
Luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh L.T.A.H có người hướng dẫn khoa học, có hội đồng phản biện. Các nhà khoa học tham gia luận án tiến sĩ này có trách nhiệm trả lời về các nội dung tố cáo đạo văn, đúng hay không đúng, trên cơ sở khoa học.
Tất nhiên, các tác giả có công trình được cho là bị đạo văn cũng có quyền lên tiếng, phản biện để bảo vệ quyền lợi của mình.
Nhiều người đạo văn, mua bằng để thăng quan tiến chức hay chỉ vì háo danh và có những dịch vụ tiến sĩ "lò ấp", tiến sĩ "siêu tốc" phục vụ nhu cầu của họ. Các lò đào tạo tiến sĩ này đã phá hoại nền học thuật nước nhà.
Nhân đây, xin được đặt ra câu hỏi, với các ứng dụng công nghệ hiện nay, việc "truy quét" để phát hiện đạo văn quá dễ, tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học không khai thác để làm "hàng rào" ngăn chặn gian dối trong các công trình nghiên cứu khoa học.
Đối với trường hợp đạo văn của luận án tiến sĩ nêu trên, cần phải xem xét và xử lý nghiêm túc, công tâm. Làm rõ để bảo vệ danh dự người làm khoa học, nhưng phải trên cơ sở tôn trọng sự trung thực khoa học và sự tôn nghiêm của pháp luật.
Lê Thanh Phong
Nguồn Báo lao động: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/phai-lam-ro-to-cao-luan-an-tien-si-dao-van-o-dai-hoc-hue-dung-hay-khong-1365042.ldo