Để không tái lặp tình trạng “dê, gà, bò,…” lạc vào nhà… cán bộ

Thứ tư - 15/04/2020 20:21
Khi được tin gói hỗ trợ hàng chục ngàn tỷ đồng sắp được Chính phủ triển khai nhằm giúp các đối tượng yếu thế trong xã hội vượt qua đại dịch Covid-19 người dân hết sức vui mừng nhưng cũng không tránh khỏi “tâm tư”. Liệu có xảy ra tình trạng như trước đây khi tiền cứu trợ cứ đến sai địa chỉ hoặc bị bớt xén?
Được biết sắp tới Chính phủ sẽ tung các gói hỗ trợ hàng trăm nghìn tỷ đồng cho người dân, doanh nghiệp nhằm giảm “sốc” xã hội vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong đó đáng chú ý là gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng dành cho người yếu thế trong xã hội và người lao động mất việc vừa được Thủ tướng ký Nghị quyết ban hành chiều tối 9/4.

Các đối tượng của gói hỗ trợ này bao gồm:

- Người có công với cách mạng: 500.000 đ
- Hộ nghèo, cận nghèo: 1 triệu đ
- Lao động bị nghỉ việc: 1,8 triệu đ    
- Lao động bị buộc thôi việc: 1 triệu/tháng (Chưa đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp).

Hộ kinh doanh cá thể ngừng kinh doanh:    1 triệu/tháng    (Doanh thu dưới 100 triệu/năm)

Ngoài ra, đối tượng hỗ trợ còn có doanh nghiệp có lao động ngừng việc trong 3 tháng và doanh nghiệp có 50% lao động nghỉ việc.

Không để tái lặp tình trạng “dê, gà, bò,…” lạc vào nhà… cán bộ

An sinh xã hội luôn là vấn đề được Chính phủ quan tâm hàng đầu. Nhiều chế độ, chính sách đã từng mang lại hiệu quả tích cực góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội, dưỡng sức dân, kích thích sự phát triển của nền kinh tế như các chính sách cứu trợ thiên tai, hỗ trợ hộ nghèo, hỗ trợ tín dụng nhà ở xã hội,…

Tuy nhiên, điều khiến dư luận bức xúc bấy lâu nay là việc một số nơi triển khai thực hiện chưa đúng, chưa đủ các chế độ chính sách của Nhà nước. Sai phạm phổ biến là tiền hỗ trợ có lúc, có nơi đến không đủ, không đúng đối tượng theo quy định. Thế cho nên mới xảy ra những chuyện bi hài: dê gà, lợn bò… lại đi “lạc” vào nhà khá giả, thậm chí là nhà cán bộ địa phương; tiền hỗ trợ trực tiếp thì bị cắt xén, bị trao “nhầm” đối tượng; nhà ở xã hội lại dành cho người có thu nhập… cao.

Để xảy ra tình trạng trên là do một số cán bộ có chức, có quyền ở địa phương tham lam, thoái hóa biến chất cấu kết với nhau, nghĩ ra đủ chiêu trò để trục lợi khi tiền, hàng cứu trợ được triển khai thực hiện ở địa phương mình. Họ hô biến gia đình mình, họ hàng hoặc người cùng vây cánh thành hộ nghèo, người không bị thiên tai bỗng mất nhà cửa, tài sản để được nhận tiền trợ cấp. Họ đẻ ra đủ thứ dịch vụ, phí, lộ phí để ăn chặn tiền của đối tượng chính sách. Họ tìm mọi cách buộc người được hưởng chế độ chia phần cho công lao vất vả “ngồi mát ăn bát vàng” của mình.

Bởi thế, khi được tin gói hỗ trợ hàng chục ngàn tỷ đồng sắp được Chính phủ triển khai nhằm giúp các đối tượng yếu thế trong xã hội vượt qua đại dịch Covid-19 người dân hết sức vui mừng nhưng cũng không tránh khỏi “tâm tư”. Liệu có xảy ra tình trạng như trước đây khi tiền cứu trợ cứ đến sai địa chỉ hoặc bị bớt xén?

Đó là điều dân quan tâm và mong muốn đồng tiền ngân sách quý giá không bị những kẻ xấu trong bộ máy chính quyền địa phương, nhất là cấp cơ sở thao túng để trục lợi.

Bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thuận lợi để người dân biết

Trong việc phân phối tiền hỗ trợ đối tượng chính sách thường xảy ra những tiêu cực:

- Khai khống, lập hồ sơ khống.
- Đối tượng ngoài diện chính sách được hưởng.
- Bớt xén theo kiểu thỏa thuận ép buộc hoặc giấu giếm định mức hỗ trợ.

Những hành vi nói trên đều xuất phát từ lòng tham của con người, từ sự thiếu minh bạch rõ ràng trong công tác tổ chức phân phối tiền, hàng hỗ trợ.

Làm sao để việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không bị lợi dụng trục lợi, đó là vấn đề đặt ra cấp bách đối với các cấp chính quyền địa phương một khi gói cứu trợ được giải ngân.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 5/4, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương, cơ quan liên quan triển khai thực hiện các gói hỗ trợ bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thuận lợi để người dân biết. Các cơ quan đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát thực hiện, chống tiêu cực, tham nhũng, xử lý nghiêm các vi phạm.

Trong rất nhiều biện pháp thì việc công khai bằng mọi kênh thông tin để cho người dân nắm được tiêu chuẩn đối tượng, định mức hỗ trợ, đặc biệt là danh sách người/hộ kinh doanh/doanh nghiệp được hỗ trợ là cách tốt nhất đảm bảo các yêu cầu nói trên. Ngành LĐTB&XH, MTTQ các tỉnh, thành phố cần lập đường dây nóng phản ánh tình hình thực hiện chi trả tiền hỗ trợ ở địa phương.

Ngoài ra, cần thanh tra, kiểm tra thường xuyên và ngay sau khi hoàn tất việc chi trả gói hỗ trợ.

Cuối cùng, không thể không nhắc đến: “Ai chịu trách nhiệm cái này, có phải Chủ tịch UBND tỉnh và dưới tỉnh là huyện, xã, phường không?”, như Thủ tướng đã nêu.

“Phải làm nhanh hơn vì cuộc sống người dân không thể chờ đợi hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

06-4-2020
Nguyễn Duy Xuân
Đăng LĐNA số 1168 ngày 09/4/2020

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
70 năm Điện Biên Phủ
70 NĂM CHIẾN THẮNG
ĐIỆN BIÊN PHỦ
Đại thắng mùa xuân 1975
50 NĂM
ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975

 
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
50 năm đại thắng mùa xuân
30/4 -  NGÀY HÒA BÌNH
THỐNG NHẤT NON SÔNG


 
Luong truy cap
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập113
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm110
  • Hôm nay20,535
  • Tháng hiện tại970,867
  • Tổng lượt truy cập55,085,571
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây